Chậm thu mua sản phẩm bạch đàn : Người trồng rừng lãnh đủ

Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu gỗ dăm trên địa bàn Hà Tĩnh ra thị trường ngoài nước đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Hệ lụy, nhiều rừng cây bạch đàn trên địa bàn toàn tỉnh đã hết chu kỳ sinh trưởng, thế nhưng người dân vẫn chưa thể thu hoạch. Trong số này có cả những diện tích được trồng theo hợp đồng giữa Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam Vinafor với các hộ dân và với các với các đơn vị chủ rừng.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Năm 2002, 2003, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) hợp đồng với các hộ dân và một số đơn vị chủ rừng trên địa bàn Hà Tĩnh trồng hơn 4.500 ha rừng sản xuất gồm bạch đàn và keo. Trong đó, diện tích rừng Vinafor hợp đồng với các hộ dân là 2.383 ha, với các chủ rừng 2,2 ngàn ha. Trong tổng số hơn 4.500 ha rừng trồng nói trên có 1.678,8 là rừng bạch đàn. Theo hợp đồng giữa các bên, sau 6 năm tuổi, người trồng rừng sẽ khai thác sản phẩm bán cho Vinafor. Thế nhưng, đến nay khi những cánh rừng bạch đàn đã đến thời kỳ khai thác,Vinafor bất ngờ ngừng không mua sản phẩm bạch đàn. Kết quả, hơn 1.678 ha rừng bạch đàn trên địa bàn toàn tỉnh đã hết thời kỳ sinh trưởng, song người dân vẫn không thể khai thác bán cho Công ty. Hệ quả, hàng chục hộ dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi bạch đàn không thể bán trong khi nợ nần thì ngày càng chồng chất...

Chị Hoàng Thị Minh xóm 16 xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên rầu rĩ: “Năm 2002, gia đình tôi hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên trồng 19 ha rừng bạch đàn. Bình quân môi ha rừng phải đầu tư xấp xỉ 7 triệu đồng. Để có nguồn vốn, chúng tôi phải cầm cố tài sản vay mượn khắp nơi từ ngân hàng cho đến bạn bè, người thân. Hy vọng, sau khi rừng đến tuổi khai thác, cuộc sống gia đình sẽ bớt phần khó khắn. Vậy nhưng, đến nay tuy rừng đã đến kỳ thu hoạch song không thể bán được trong khi công nợ thì ngày một nhiều thêm.” Tương tự, năm 2003, anh Nguyễn Quốc Nhàn ở Lộc Yên (Hương Khê) nhận trồng gần 10ha rừng bạch đàn với Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu. Và, đơn vị cám kết thu mua sản phẩm bạch đàn sau khi đến kỳ khai thác chính là Vinafor. Hiện anh Nhàn cũng đang rất lúng túng chưa biết phải làm thế nào với rừng bạch đàn đã đến tuổi song không thế khai thác.

Không riêng gì hộ chị Minh ở xã Cẩm Quan, anh Nhà ở Lộc Yên, hiện hàng chục hộ trồng rừng khắp trên địa bàn toàn tỉnh từ Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên Đến Kỳ Anh cũng đang nóng lòng với hàng ngàn ha bạch đàn đến kỳ nhưng chưa thể khia thác. Mỗi ngày qua đi lại kéo thêm một sự sốt ruột cho những người trông rừng bởi áp lực của lãi suất vốn vay…

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những đơn vị chịu trách nhiệm khâu nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm với các hộ trồng rừng, nhìn chung họ cũng rất lúng túng và không thể đưa ra một lời giải thích thoả đáng. Anh Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Kê hoạch kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2002, đơn vị chúng tôi được Vinafor hợp đồng trồng 90 ha bạch đàn với cam kết sau này sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Vậy những, đến nay hộ đang tạm ngưng mua sản phẩm bạch đàn vì kế hoạch xuất khẩu gỗ dăn từ sản phẩm bạch đàn đang bị các đối tác hạn chế. Quả thật, chúng tôi cũng là đơn vị bị động nên cũng chưa biết nên giải thích thế náo với người dân.” Cùng với đầu tư 90 ha rừng bạch đàn ở Cẩm Xuyên, Vinafor còn đầu tư hàng chục ha ở Hương Khê, Thạch Hà. Đến thời điểm hiện tại, tất cả diện tích bạch đàn đều đến hạn khai thác nhưng chưa có bất cứ hoạt động khai thác nào.

Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa

Tiếp xúc với ông Trần Xuân Hãn - giám đốc Vinafor tại Hà Tĩnh lý giải khá đơn giản: “Sở dĩ, Vinafor tạm ngững mua sản phẩm bạch đàn là do doanh nghiệp nhập khẩu đột ngột ngừng thu mua sản phẩm gỗ dăm bằng bạch đàn.” Tuy nhiên, ông Hãn khảng định: “Để đảm bảo uy tín và ổn định vùng nguyên liệu, Vinafor sẽ cố gắng “làm tròn trách nhiệm” với các hộ trồng rừng.”

Hơn bao giờ hết, người dân trồng bạch đàn đang chờ đợi những lời hứa trên đây sớm trở thành hiện thực. Một vấn đề đặt ra là với những khó khăn hiện nay trong việc xuất khẩu gỗ. Liệu Vinafor với tư cách là doanh nghiệp đã cam kết với người dân trong việc thu mua sản phẩm sẽ đồng hành với người trồng rừng tới đâu trong việc chia sẻ những khó khăn, thua thiệt ?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast