Chạy đua với thời vụ, giành thắng lợi vụ hè thu 2012

Chậm thời vụ, hè thu 2011 toàn tỉnh thu hoạch trong những trận mưa xối xả. Hệ lụy của nó là hàng ngàn tấn lúa nảy mầm, ăn không hết, bán không xong. Hè thu 2012 còn căng thẳng hơn khi đông xuân kết thúc chậm ít nhất là 20- 25 ngày, mưa bão lại có khả năng đến sớm hơn thường lệ. Chỉ hơn 90 ngày cho hơn 20 vạn tấn lương thực, chúng ta chỉ có thể thắng lợi khi thực hiện thành công 4 giải pháp “ăn chắc, đó là: giống ngắn ngày, bắc mạ cấy, cơ giới hóa và đổi mới cách chỉ đạo sản xuất.

Bài 1: Chỉ có thể là giống lúa ngắn ngày

Giống lúa ngắn ngày có thể nói là yêu cầu số 1 trong các giải pháp “bất di bất dịch” để giành vụ hè thu thắng lợi trước sự thách thức găy gắt về thời vụ năm nay. Khởi động cho cuộc cách mạng về giống trong vụ sản xuất này, chính quyền các cấp đã có chính sách hỗ trợ giá giống khá lớn. Vấn đề còn lại là quyết tâm này phải thông suốt tới tận người dân, trở thành nhận thức và nhu cầu của bà con nông dân.

Bài học đắt giá

Thực tế, không phải đến bây giờ vấn đề lựa chọn giống ngắn ngày mới được đề cập đến trong sản xuất. Năm 2011, do vụ đông xuân kéo dài nên thời vụ của hè thu chậm trên 20 ngày so với kế hoạch. Hiện tượng chưa từng xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, lần đầu tiên trong lịch sử, giống dưới 100 ngày được chọn là giống lúa chủ đạo trong cơ cấu hè thu của tỉnh.

Cùng với khuyến khích, tỉnh đã ban hành bộ cơ chế chính sách được cho là khá đồng bộ đến tận các địa phương. Ấy thế mà, trong số 44.615 ha thì chỉ có gần 23% diện tích được sử dụng giống ngắn ngày.

Giống lúa Gia Lộc 102 đã phát huy được những tính năng vượt trội trên đồng đất Hà Tĩnh

Giống lúa Gia Lộc 102 đã phát huy được những tính năng vượt trội trên đồng đất Hà Tĩnh

Điều đó giải thích cho việc trước ngày mưa bão dồn dập (trước 20/9), chỉ có 30% diện tích gieo cấy được thu hoạch an toàn, tập trung tại các huyện Đức Thọ, Hương Sơn. Và khi đã vỡ lẽ, dù hối hả chạy đuổi trong giông bão, nông dân Hà Tĩnh vẫn không thể có một mùa gặt trọn vẹn, năng suất thực tế tụt giảm 1,9 tạ/ha (43,65 tạ/ha so với 45,55 tạ/ha năng suất đồng ruộng), trong đó, mất mát nặng nề nhất xảy ra ở Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà và Hương Khê…

Hệ lụy của nó còn kéo dài sau thu hoạch khi lúa không chất lượng, ăn không hết mà bán lại không ai mua, đặc biệt là đẩy tình trạng khan hiếm giống ngắn ngày trong vụ đông xuân 2012 trên địa bàn tỉnh ta ở mức cao.

Bên cạnh nhận thức non kém, chậm đổi mới của một bộ phận nông dân, phải chăng là năng lực chỉ đạo của chính quyền địa phương còn quá hời hợt và thiếu trách nhiệm với nhân dân?!

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết: “Đến thời điểm này, các trà lúa đông xuân đã bước vào giai đoạn trổ bông. Tuy tốc độ sinh trưởng các trà khá đồng đều trên toàn tỉnh, nhưng so với mọi năm, năm nay thời vụ thu hoạch chậm hơn cả. Vụ hè thu 2012 không thể thắng lợi nếu trên đồng ruộng thiếu giống ngắn ngày”.

Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm 2012 bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện nhiều hơn và đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Trong số 6 - 7 cơn bão được dự báo là ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thì có ít nhất 2 - 3 cơn nhằm vào Hà Tĩnh, khả năng trùng khít với thời vụ thu hoạch hè thu.

Chỉ có thể là giống dưới 100 ngày

Có lẽ chưa bao giờ, chuyện giống lúa lại nóng bỏng như bây giờ. Tại cuộc họp triển khai đề án sản xuất hè thu - vụ mùa 2012 của Sở NN&PTNT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã khẳng định: “Giống đóng vai trò tham gia điều hành cơ cấu sản xuất, đây chính là vấn đề trọng tâm của tái cấu trúc ngành giống, góp phần thắng lợi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đối với hè thu, bộ giống mới phải đảm bảo chất lượng cao và ăn chắc, tốt nhất là có thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày”.

Bộ giống được “tuốt” lại một cách “tinh” nhất, 100% là giống lúa ngắn ngày với 4 giống chủ lực: QR1, PC6, TH3-3 và VTNA2. Đặc tính của các loại giống này chính là năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là có thời gian sinh trưởng từ 95- 100 ngày. Theo đó, thay vì chính sách hỗ trợ 30% như trước, năm nay tỉnh “mạnh tay” trích ngân sách hỗ trợ 50% giá giống theo đúng cơ cấu (trong đó huyện 30%, tỉnh 20%).

Giống là một trong những yếu tố quyết định năng suất lúa

Giống là một trong những yếu tố quyết định năng suất lúa

Ông Phan Xuân Yên, Trưởng phòng Nông nghiệp Hương Sơn cho biết: “Phải qua vụ hè thu trước thì bài học về mất mùa sau thu hoạch mới thật sự thấm thía với bà con nông dân. Rút kinh nghiệm, năm nay nhận thức của bà con đã thay đổi hẳn, qua khảo sát, nhu cầu về giống lúa dưới 100 ngày tăng lên đáng kể. Vụ này, toàn huyện cần khoảng 30 tấn giống lúa cho hơn 2500 ha diện tích gieo cấy”.

Đây là những khoảng thời gian tất bật nhất của cán bộ, công nhân các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn. Bà Võ Hồng Minh, Phó Giám đốc Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi xác định cung ứng giống phù hợp với cơ chế thị trường nhưng phải phục vụ lợi ích của bà con nông dân. Công ty đã chủ động tìm kiếm, khảo sát nhu cầu giống các địa phương, từ đó lọc tuyển, cân đối sao cho phù hợp tình hình thực tế. Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị được 400 tấn giống, chủ đạo là các giống ngắn ngày. Nếu thị trường có nhu cầu, công ty vẫn đủ khả năng cung cấp thêm vài trăm tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương vẫn chưa hoàn trả hết tiền nợ giống lúa đông xuân do vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quay đầu vốn đầu tư”.

Theo ngành chuyên môn, vụ hè thu này, toàn tỉnh cần khoảng 3.000 tấn giống cho trên 41.000 ha lúa, trong khi đó các đơn vị cung ứng trên địa bàn mới chỉ cung cấp khoảng 600- 700 tấn, đạt trên 30% tổng lượng giống cần. Điều đó, đặt ra cho các địa phương cần phải khảo sát kỹ nhu cầu giống nhằm chủ động nguồn cung, tránh tình trạng khan hiếm giống như một số năm trước.

Thêm một vấn đề nảy sinh, các giống mà ngành chuyên môn cơ cấu cho vụ hè thu này đều là những dòng giống mới, có mặt trên đồng ruộng Hà Tĩnh vài năm lại đây (kể cả 4 loại giống chủ lực). Vấn đề là phải tuyên truyền làm sao để người dân thấy, tin và làm theo nhằm tạo sức lan tỏa lớn. Có nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên cân nhắc một số cơ chế, chính sách đối với những địa phương lần đầu canh tác (đối với những giống thuộc cơ cấu).

Người ta vẫn nói vụ hè thu rất dễ “cho thấy nhưng không cho ăn”, một ngày cũng là đáng quý đối với việc phân định thắng - bại trong sản xuất. Nói gì đi nữa, để rút ngắn thời vụ, việc sử dụng giống lúa ngắn ngày cần phải đặt lên vị trí hàng đầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast