Chính phủ họp phiên thường kỳ: Gỡ khó cho sản xuất

Ngày 1-6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5-2010, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO; kết quả đào tạo nhân lực theo nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính...

Nhiều diễn biến tích cực

Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế – xã hội nước ta đang có nhiều chuyển biến tích cực. Thu ngân sách từ đầu năm đến nay ước đạt 176,8 ngàn tỷ đồng, bằng 38,3% dự toán năm. Đầu tư phát triển tăng trưởng khá, trong đó đáng chú ý là vốn ODA và FDI giải ngân tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng 4-2010 tăng 0,27%, là mức tăng thấp so với cùng kỳ từ năm 2004 trở lại đây.

Chính phủ nhận định có khả năng CPI cả năm 2010 sẽ ở mức tăng khoảng 8% hoặc thấp hơn. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2010 ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu 5 tháng đầu năm ước tính 5,4 tỷ USD, bằng 20,8% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 13,6%, gấp hơn 3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước và cao hơn so với kế hoạch năm (12%).

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng lưu ý đến một số vấn đề như nhập khẩu tăng mạnh và nhập siêu vẫn ở mức cao. Một dấu hiệu mới là thị trường bất động sản có những biểu hiện bất thường, giá cả nhà đất tăng đột biến; tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng còn cao; thiên tai, dịch bệnh đã làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn.

Ép cổ áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty CP May Nhà Bè. Ảnh: Đức Trí

Ép cổ áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty CP May Nhà Bè. Ảnh: Đức Trí

Xử lý đầu cơ gây “bong bóng” bất động sản

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 03/NQ-CP và Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%. Các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách kịp thời, phấn đấu tăng thu và giảm bội chi ngân sách, tập trung ban hành cơ chế chính sách; duy trì giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; thực hiện ngay các biện pháp để giảm lãi suất và kiểm soát tăng dư nợ tín dụng, giữ ổn định tỷ giá. Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng chủ yếu, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống người dân, tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định giá cả, không để đầu cơ, tùy tiện nâng giá.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm nguồn cung cấp điện, tăng cường tiết kiệm trong sử dụng điện, hạn chế tình trạng cắt điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Thủ tướng lưu ý các bộ chức năng phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất và nhà ở, nhất là ở khu vực Hà Nội và một số thành phố lớn khác, khắc phục tình trạng giá đất và nhà ở tăng đột biến trong thời gian vừa qua; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp đầu cơ, gây ra tình trạng khan hiếm giả và phao tin nhằm đẩy giá nhà đất lên cao, gây “bong bóng” bất động sản.

Trước tình hình trò chơi game phát triển không lành mạnh trong giới học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Thủ tướng nhắc các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ các trò chơi game online.

Nợ công bảo đảm an toàn

Tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua ở Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết về đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên (liên quan đến bức xúc của người dân và doanh nghiệp), mở đầu cho việc xem xét, rà soát, cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính còn lại. Chỉ với việc cắt giảm 258 thủ tục hành chính trên, dự kiến mỗi năm sẽ tiết kiệm chi phí được khoảng 5.700 tỷ đồng.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hôm nay (2-6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc họp với đại diện các bộ ngành để xử lý các vấn đề đặt ra của dự án này trên nguyên tắc phải có hiệu quả và phải có nguồn vốn thực hiện.

Về câu hỏi đánh giá mức nợ công của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời Thủ tướng khẳng định: “Với mức nợ công hiện nay và với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới (dự kiến GDP năm 2020 đạt khoảng trên 200 tỷ USD) thì nợ công của Việt Nam là an toàn, trong tầm kiểm soát không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Không thể và cũng không có chuyện vỡ nợ xảy ra”.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast