Chính quyền làm ngơ, dân được đà lấn chiếm đất trái phép!

Nhiều năm qua, tại khu vực Cồn Gò, thôn Võ Đa, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã có hàng chục hộ gia đình lấn chiếm trái phép đất của Nhà nước để làm nhà ở, ki-ốt buôn bán thủy hải sản. Ban đầu, người dân chỉ dựng nhà tạm hoặc ki-ốt để kinh doanh nhưng lâu dần thì xây nhà, định cư trái phép...

Điều đáng nói là khu vực này nằm sát cửa lạch Cẩm Nhượng nên mỗi khi mùa mưa bão đến luôn tiềm ẩn tai nạn về và tài sản. Đó là chưa kể, hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến đê biển Phúc - Long - Nhượng trong khu vực này. Điều quan ngại nhất là công tác GPMB để triển khai xây dựng công trình sẽ gặp không ít khó khăn.

Ban đầu, Cồn Gò này là bãi đất trống. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ được xây dựng cảng cá và chợ bán hàng hải sản, các công trình phụ trợ, kèm theo đó là xây dựng tuyến đê Phúc - Long - Nhượng. UBND xã Cẩm Nhượng không thể không biết điều này. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà có đến hàng chục ngôi nhà, lều quán vẫn được cấp phép xây dựng.

Những căn nhà kiên cố...
Những căn nhà kiên cố...

Theo nhiều người dân ở đây cho biết, ban đầu chỉ vài hộ được chính quyền địa phương cho thuê đất với giá 600 ngàn đồng/năm để kinh doanh buôn bán. Theo thời gian, số lều quán ở đây tăng dần. Đến nay, đã có khoảng 30 ki-ốt đang kinh doanh và đã có gần 40 ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố. Điều dư luận quan tâm là tại sao sự việc diễn ra trong nhiều năm mà chính quyền xã Cẩm Nhượng lại thờ ở mặc cho người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm đất đai của Nhà nước một cách dễ dàng như vậy?!.

Đã không ít lần sóng biển dâng cao, cuốn trôi nhiều tài sản và uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của người dân nơi đây. Hiện nay, khi Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Tĩnh tiến hành xây dựng tuyến đê Phúc - Long - Nhượng thì hầu hết các hộ dân này đều bị ảnh hưởng và buộc phải di dời.

và nhiều ki-ốt kinh doanh được xây dựng trên đất lấn chiếm
và nhiều ki-ốt kinh doanh được xây dựng trên đất lấn chiếm

Ông Đặng Phi Hùng - Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng đê điều, Chi cục quản lý đê điều Hà Tĩnh cho biết: Do việc quản lý đất đai tại xã Cẩm Nhượng hết sức yếu kém nên chính quyền địa phương đã để người dân tự ý lấn chiếm đất của Nhà nước và xây dựng nhà ở kiên cố từ hàng chục năm nay. Vì thế, việc GPMB để thi công tuyến đê biển Phúc - Long - Nhượng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù những hộ dân nằm trong khu vực này đều không được cấp quyền sử dụng đất nhưng việc đền bù tài sản trên đất như nhà cửa, cây cối và các công trình phụ trợ khác vẫn phải thực hiện. Nguồn kinh phí này đương nhiên phải trích từ nguồn vốn của dự án chứ không thể lấy ở đâu khác. Mặt khác, nếu như chỉ đền bù tài sản trên đất không thôi thì cũng không xong, bởi lẽ, chính quyền địa phương cũng như hội đồng đền bù huyện Cẩm Xuyên không thể để người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân với tiến độ của dự án là việc làm hết sức khó khăn.

Được biết, quỹ đất của xã Cẩm Nhượng hiện không còn nên việc hỗ trợ những hộ dân này đến nơi ở mới là điều không thể.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền thừa nhận việc người dân tự ý lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở và ki-ốt buôn bán hàng hải sản là có thật
Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền thừa nhận việc người dân tự ý lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở và ki-ốt buôn bán hàng hải sản là có thật

Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng thừa nhận: Việc người dân tự ý lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở và ki-ốt buôn bán hàng hải sản như đã nêu trên là có thật. Tuy nhiên, đối với các hộ này khi họ tự ý ra khu vực này mở ki-ốt, xây nhà ở thì xã đã yêu cầu viết cam kết là địa phương đồng ý cho mượn đất ở, khi cần thì phải trả lại và không được khiếu kiện.

Đối với các ki-ốt buôn bán hàng hải sản, trước đây, xã cho thuê nhưng 3 năm lại nay thì không thu nữa mà đã yêu cầu họ tự giác tháo dỡ trả lại đất cho xã. Trên thực tế, hiện nay 24 ki-ốt và gần 40 ngôi nhà được xây kiên cố như đã nói trên vẫn ngang nhiên hiện hữu tại khu vực này mà không hề có dấu hiệu tự giác di dời để trả đất lại cho chính quyền địa phương như đã cam kết.

Nếu như cách đây mấy năm, chính quyền xã Cẩm Nhượng lường trước được sự việc, ngăn chặn ngay từ đầu đối với những người dân cố ý lấn chiếm trái phép đất Nhà nước thì câu chuyện GPMB sẽ rất đơn giản, nhất là không gây lãng phí hàng tỷ đồng cho việc GPMB ở khu vực Cồn Gò như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast