Cho đất vàng bội thu

Từ một vùng đất trống đồi trọc ở thôn 4 xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), ông đã biến nó thành một vùng đất vàng bội thu. Không những thế, ông còn giúp những người dân trong vùng, đặc biệt là các hội viên CCB nhân rộng mô hình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ông là Trần Văn Ngọ, thương binh hạng 3/4.

Phải làm cho mình, cho người…

Giữa những luống mây thẳng tắp, nối liền nhau nhấp nhô theo từng quả đồi, ông Ngọ kể cho tôi nghe về “tích” khu trang trại của ông. Ngày xưa, khi ông còn là đứa trẻ, ông đã thường theo bố (là cán bộ cải cách) lên vùng đất này. Và mỗi lần lên chơi ấy, ông rất thích. Ông yêu màu xanh của núi đồi và sự mênh mông của vùng đất, một tình yêu thiên nhiên rất đỗi hồn nhiên.

Lớn lên, ông vào quân ngũ. Một lần không may, trong trận chiến Hồ Chí Minh lịch sử, ông bị thương. Sau lần ấy, sức khoẻ của ông yếu và ông được trả về địa phương với hành trang duy nhất là vết thương và những ký ức về đồng đội, chiến trường.

Những ngày đầu về nhà, ông nhớ về đồng đội da diết. Từ nỗi nhớ đó, ông thấy mình trở thành kẻ mắc nợ. Mắc nợ vì đồng đội ông đã hy sinh quá nhiều để cho ông được trở về nhà. Ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng phải làm được một điều gì đó cho đời, cho người, thay cho những đồng đội đã hy sinh. Và ông nghĩ đến vùng đất bạt ngàn ngày xưa.

Lần này trở lại, ông mang thêm những trở trăn. Tại sao đất nhiều như thế này mà người dân vẫn phải bỏ đi làm thuê? Sao đất lại phải bỏ hoang nhiều như thế? Ông quyết định làm nhà ở cho mình gần những quả đồi hoang nối nhau nhấp nhô. Biết là đất vàng nhưng những năm đầu ông loay hoay mãi cũng chỉ đủ “kinh tế tự cung tự cấp”, bao lần trồng cây kinh tế thử nghiệm đều không được kết quả như mong đợi. Năm 1991, hưởng ứng chủ trương trồng cây phủ kín đồi trọc của Chính phủ, ông tiên phong thực hiện trồng cây tràm.

Ông Ngọ thổ lộ: “Trồng cây tràm rất dễ, hơn nữa có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Chính từ đây tôi mới ngộ ra được một điều: Muốn trồng cây gì thì phải cải tạo đất trước đã”. Sau khi cải tạo được đất, ông Ngọ hành trình ra phía Bắc tìm hiểu các mô hình kinh tế mà ông đã được xem qua tivi. Ông đã dừng lại tại mô hình trồng mây thuộc tỉnh Thái Bình. Mây vừa phù hợp với vùng đất, vừa tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân, đúng như mong đợi của ông. Và những cây mây đầu tiên được ông mang về trồng thử nghiệm xung quanh bờ rào.

Ông Ngọ kiểm tra sự phát triển của mây

Năm 2003, ông Ngọ mang 6 vạn cây giống bằng hạt từ Thái Bình về. Trang trại của ông có 6 ha, 2 ha ông trồng mây, còn lại ông trồng tràm, nuôi gà và thả cá. Riêng 2 ha mây, lứa thu hoạch đầu tiên cho ông thu 120 triệu đồng lãi ròng. Thấy cây trồng thuận lợi, lại mang hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục nhân rộng. Đến nay, trang trại của ông đã mở rộng tới 10 ha, trong đó có 5 ha trồng mây. Năm 2009, ông có 3 ha mây cho thu hoạch với lãi ròng 180 triệu đồng. Riêng năm 2010, dự tính sẽ thu hoạch khoảng trên 120 tấn mây trường, cho thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng.

Mong tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân

Ông ngọ cho biết: Mỗi ha mây tạo được công ăn việc làm cho 10 lao động. Cho đến thời điểm này, trang trại của ông đã tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương với thu nhập từ 1 triệu 200 đồng trở lên. Ngoài ra, ông còn cho nhân rộng mô hình trồng mây cho hội viên cựu chiến binh của xã. Ban đầu, ông hỗ trợ về cây giống. Năm 2009, ông đầu tư cho 8 vườn ươm của CCB với tổng số tiền 16 triệu và hướng dẫn, chuyển giao KHKT cho chủ vườn. Đến nay, trên toàn xã Cẩm Mỹ đã có trên 80 ha mây/22 hộ; bình quân cho thu nhập 60 triệu đồng lãi ròng/1ha. Hiện ông Ngọ đang phối hợp với trung tâm hỗ trợ người nghèo của huyện Can Lộc tư vấn kỹ thuật và giám sát mô hình trồng mây cho người nghèo thuộc vùng thượng Lộc (Can Lộc).

Ông Ngọ giới thiệu về chiếc máy làm phân vi sinh - sáng kiến kỹ thuật của ông

Khi đã nhân rộng được mô hình, ông Ngọ lại tìm cách làm tăng hiệu suất lao động cũng như trị giá sản phẩm bằng cách đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Hiện, tại Cẩm Mỹ, ông đã đặt được 7 chiếc máy chế biến mây. Đặc biệt, ông đã sáng chế thành công máy làm phân vi sinh. Đưa máy này vào phục vụ, vừa giải quyết được vấn đề môi trường (vì máy xay các chất thải từ thu hoạch mây ủ thành phân), vừa tiết kiệm được đầu tư từ phân.

Ông Ngọ cho biết: Vừa rồi, chúng tôi, bao gồm những người trồng mây trên địa bàn đã tiến hành đại hội và ký cam kết đóng góp cổ phần để chuẩn bị sắp tới ra mắt HTX nông lâm Hưng Ngọ với mục đích xây dựng một HTX phát triển đa cây, đa con. Đặc biệt, sẽ tiến hành chế biến hàng thủ công mỹ nghệ để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều con em địa phương. Đồng thời, cũng thông qua HTX, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm sự hỗ trợ của các dự án, hành trình xây dựng thương hiệu mây Cẩm Mỹ, giữ vững thị trường và làm tăng trị giá nguyên liệu cho người sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast