“Cho quê mình gạo trắng, nước trong”

Nước hồ Kẻ Gỗ theo hệ thống kênh mương có độ dài gần 1.000 km tưới tiêu cho hàng vạn hécta ruộng đồng của Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Nguồn lợi kinh tế của hồ Kẻ Gỗ đem lại cho người nông dân nơi đây vô cùng to lớn. Xưa đồng đất hạn hán một màu cát trắng, nay quanh năm đủ nước để cấy trồng, muôn cây xanh tốt.

Hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ

Trong bộn bề công việc những ngày cuối năm, chúng tôi được các anh trong Ban quản lý Tiểu dự án Kẻ Gỗ bớt chút thời gian dẫn đi tham quan một số hạng mục của công trình đầu mối hồ Kẻ Gỗ. Trên công trường các đơn vị thi công đang hối hả triển khai những hạng mục còn lại của phần mái hạ lưu. Đứng trên đập chính vừa được khôi phục lớp gia cố bảo vệ mái thượng lưu, thạc sỹ Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Tiểu dự án Kẻ Gỗ cho biết: "Tiểu dự án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ là 1 trong 6 hệ thống thủy lợi lớn của Việt Nam gồm: Cầu Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Đá Bàn và Dầu Tiếng thuộc Dự án Hỗ trợ thủy lợi Việt Nam (VWRAP). Những hệ thống thuỷ lợi này hầu hết xây dựng cách đây trên 30 năm, đã xuống cấp, không đủ năng lực tưới tiêu theo thiết kế (chỉ đảm bảo 57% diện tích). Mặt khác, các hệ thống đầu nguồn, đầu kênh thừa nước, ở cuối kênh thiếu nước, dẫn đến mâu thuẫn xẩy ra giữa các địa phương trong vùng hưởng lợi; năng lực quản lý vận hành hệ thống công trình kém hiệu quả, các công trình điều tiết không đảm bảo yêu cầu dùng nước của các hộ nông dân, ý thức bảo vệ công trình của người dân không được nâng cao, thậm chí nơi này, nơi khác còn bị phá hoại do con người. Trước tình trạng đó, sự tham gia của người dân vào việc bảo vệ công trình và cải thiện mâu thuẫn dùng nước của các hộ, các địa phương là rất cần thiết".

Thử nghiệm hệ thống chống thấm thân đập theo công nghệ Oxtraylia

Thử nghiệm hệ thống chống thấm thân đập theo công nghệ Oxtraylia

Tiểu dự án Hiện đại hoá hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ có tổng mức đầu tư hơn 346 tỷ đồng, được thực hiện trong 7 năm (từ 2004 - 2011) gồm các hạng mục sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối và hệ thống kênh mương; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý, khai thác kết hợp đồng bộ với các biện pháp tổ chức, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm an toàn cho hồ chứa; phục vụ tưới 20.000 ha đất canh tác; tạo nguồn nước sinh hoạt và công nghiệp 52 triệu m3/năm; tạo thuận lợi cho việc vận hành khai thác hệ thống, giảm chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình. Xác định tầm quan trọng của các công trình đầu mối, ngay sau lễ khởi công, BQL Tiểu dự án Kẻ Gỗ đã chỉ đạo các nhà thầu huy động một lượng lớn nhân công, xe máy để tập trung thi công nhằm hoàn thành đúng tiến độ. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc.

Trong khuôn khổ Tiểu dự án Kẻ Gỗ còn có Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý tưới có sự tham gia cộng đồng (PIM) được thực hiện từ tháng 7-2007, trong bối cảnh dự án hiện đại hoá hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ mới thực hiện xong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp công trình ở đầu mối hồ chứa còn hệ thống kênh tưới đang được triển khai. Qua quá trình triển khai thực hiện dự án PIM tại Tiểu dự án Kẻ Gỗ đã đem lại những lợi ích cho người nông dân tại 9 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên. Dự án đã tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý, vận hành các hệ thống kênh tưới ở địa phương thông qua việc tổ chức các khoá tập huấn và tổ chức tuyên truyền tới tận thôn xóm, các tổ chức hội, đoàn thể và cho người nông dân hiểu biết hơn về Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng, về qui trình vận hành hệ thống thủy lợi. Người nông dân được tham gia nhiều hơn trong các hoạt động như: thảo luận xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, quản lý, tu sửa, bảo dưỡng công trình thuỷ lợi nội đồng và phân phối nước; được tiếp cận những kiến thức khoa học và kinh nghiệm sản xuất tiên tiến từ đó phát huy được nội lực của địa phương, sức mạnh của cộng đồng. Từ đó, người nông dân được cung cấp nước tưới đầy đủ và kịp thời hơn, sử dụng hợp lý và kiểm soát được các khoản chi phí phải bỏ ra.

Ông Biện Song Hào - Phó giám đốc BQL dự án cho biết: “Mặc dù dự án PIM mới thực hiện lần đầu tại Kẻ Gỗ, với thời gian chưa nhiều, điều kiện và hệ thống kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hoá, đồng bộ nhưng hiệu quả đem lại cho nhân dân 9 xã ở 2 khu mẫu đã hứa hẹn một chiều hướng tốt đẹp, trở thành mô hình hướng tới việc thành lập các TCHTDN tại các địa phương khác trong hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ trong năm 2010 và những năm tiếp theo”.

Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm
Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm
Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm
Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm

Việc thực hiện thành công các dự án nói trên chắc chắn sẽ giúp giải quyết được nhu cầu rất lớn về nguồn nước tưới cho bà con nông dân trong khu vực và các vùng lân cận. Đó cũng chính là điều kiện và cơ hội thuận lợi để làm thay đổi diện mạo của một vùng nông thôn phía Nam Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast