Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trên ngô và lúa Hè thu

Theo các chuyên gia nông nghiệp, bệnh lùn sọc đen là căn bệnh do vi rút lùn sọc đen phương Nam, một loại bệnh nguy hiểm gây hại đến cây lúa và ngô. Với tốc độ lây lan nhanh, nếu không kịp thời ứng cứu, bệnh có thể gây mất trắng mùa màng, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và an ninh lương thực…

Sớm làm đất, cày lật gốc rạ là một trong những biện pháp tối ưu phòng ngừa bệnh lùn sọc đen
Sớm làm đất, cày lật gốc rạ là một trong những biện pháp tối ưu phòng ngừa bệnh lùn sọc đen

Bệnh lùn sọc đen bắt đầu được cảnh báo ở Hà Tĩnh từ vụ Đông năm 2009 trên cây ngô. Qua lấy mẫu phân tích, tại các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ và Vũ Quang đã phát hiện mẫu rầy nâu dương tính với bệnh lùn sọc đen. 300 ha ngô vụ Đông gần như phải tiêu huỷ và không có thu hoạch. Tuy tính đến thời điểm này, cây ngô và lúa Hè thu vẫn đang an toàn với dịch bệnh nhưng nguy cơ tái diễn là rất cao. Bởi lẽ, nguồn bệnh tồn tại sẵn từ vụ lúa đông xuân cùng với điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ rất thích hợp cho tập đoàn rầy phát triển. Thêm vào đó, tỉnh giáp ranh là Nghệ An đang phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm này với 13 ha lúa đã nhiễm bệnh. Trước đó, vụ hè thu, vụ mùa năm 2009, bệnh lùn sọc đen đã hoành hành trên diện rộng, khiến 10.500 ha lúa bị tiêu huỷ. Đây cũng là một điều kiện khách quan để lùn sọc đen có cơ hội lây lan và gây hại từ nguồn rầy vùng bệnh thông qua di chuyển.

Khi cây lúa bị bệnh, chúng có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, mặt sau gân lá bị sưng lên. Ở giai đoạn làm đòng và lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định, trên bẹ và lóng thân nhiều u sáp và sọc đen. Nếu bị nặng, cây lúa sẽ không trổ bông hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen. Đối với cây ngô, triệu chứng nhiễm bệnh cũng tương tự. Cây thấp lùn, bộ lá xếp sít vào nhau, mặt dưới lá nổi gờ, lá xanh đậm, phiến lá dày và giòn, một số cây xuất hiện chồi phụ. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh, do đó việc quản lý, phòng trừ rầy và bệnh ngay từ đầu vụ được coi là biện pháp tối ưu. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: “Thời điểm này là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh lùn sọc đen, kéo dài từ lúc gieo đến 40 ngày đối với lúa và phát triển đến 5 lá đối với ngô. Bệnh không truyền qua hạt giống, đất và từ cây bệnh sang cây khoẻ mà qua loài vật trung gian là rầy lưng trắng. Đó có thể là nguồn rầy lưng trắng mang vi rút gây bệnh tại chỗ, chúng trú ngụ trong kí chủ phụ như: mạ, lúa chét, các bộ phận cây ngô bị bệnh mà tiêu huỷ chưa triệt để và một số loài cỏ. Đây là nguồn môi giới bệnh từ vụ sản xuất này sang vụ sản xuất khác hoặc thông qua di chuyển để gây bệnh cho lúa, ngô và một số cây trồng ở vùng khác, khiến tốc độ lây lan nhanh và khó kiểm soát”.

Để ngăn chặn nguy cơ bệnh lùn sọc đen từ đầu vụ Hè thu, Chi cục BVTV đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ BVTV các cấp về dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa, ngô. Thông qua đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh rộng rãi, nhằm trang bị cho bà con nông dân những kiến thức cơ bản về dịch bệnh. Từ đó, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đồng thời phối hợp tăng cường điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo để sớm xác định mật số các lứa rầy, phòng trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Mặt khác, Chi cục còn hướng dẫn bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt tàn dư thực vật từ cây lúa, ngô ngay sau khi thu hoạch, sớm làm đất, cày lật gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh. Gieo mạ tập trung, đúng lịch thời vụ và đúng cơ cấu giống mà tỉnh đã đề ra. Đặc biệt, cần kiểm tra chất lượng mạ, nếu phát hiện rầy phải kịp thời sử dụng thuốc nội hấp để tiêu diệt cầu nối truyền bệnh, còn mạ có hiện tượng nhiễm bệnh thì phải tiêu huỷ ngay. Trên ruộng đã gieo cấy, cần bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, đồng thời áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, SRI để cây lúa sinh trưởng khoẻ và nhất là việc gieo cấy tập trung sẽ tạo thuận lợi để chăm sóc và quản lý dịch bệnh. Đối với cây ngô cũng cần tập trung thâm canh, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu mùa vụ.

Mặc dù tính đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen chưa gây hại lúa và ngô Hè thu trên địa bàn tỉnh song không nghĩa là sẽ không bị nhiễm. Vì thế, cũng không là quá sớm nếu ngay từ bây giờ các cơ quan chuyên ngành đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân nắm bắt được những thông tin, nhận biết về loại bệnh mới này, sớm phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời trước khi bệnh lây lan thành dịch, nhằm bảo vệ an toàn mùa màng cho nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast