Chú trọng công tác phòng dịch và chăm sóc đàn vật nuôi

Chưa kịp lấy lại cân bằng từ đợt lũ trước, người dân Hà Tĩnh lại rơi vào cảnh lao đao, khốn đốn của lũ chồng với hàng nghìn con trâu, bò và hàng vạn con gia cầm bị chết. Trước mắt những người nông dân, thảm hoạ về nạn dịch trên vật nuôi bùng phát sau lũ đang dần hiện hữu khi môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thời tiết phức tạp và tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp…

Môi trường ô nhiễm, ì ạch điệp khúc tiêm phòng …

Sau đợt lũ trước, hai loại bệnh nguy hiểm đe doạ đến sự an toàn của vật nuôi là LMLM trên trâu, bò (Cẩm Quang) và cúm gia cầm (Cẩm Thành) đã tái bùng phát tại huyện Cẩm Xuyên. Đã có hơn 3.000 gia cầm bị ốm, chết và tiêu huỷ; 7 con trâu, bò bị ốm chết. Nguyên nhân được giải thích chủ yếu là do địa phương này nằm ở vùng ảnh hưởng của xả tràn Kẽ Gỗ, nước lũ đã làm đồng cỏ, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, ổ dịch cũ mang mầm bệnh đã di trú trong môi trường khá lâu, nay gặp khí hậu giao mùa nhiều thay đổi và ẩm ướt là cơ hội để chúng sinh trưởng và bùng phát.

Sau lũ, đàn gia súc tiềm ẩn nỗi lo bùng phát dịch bệnh
Sau lũ, đàn gia súc tiềm ẩn nỗi lo bùng phát dịch bệnh

Điều đáng nói là số gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh được xác định tại huyện Cẩm Xuyên là đều đã hết thời gian miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, trước ngày cơn lũ thứ 2 xảy ra, tỷ lệ tiêm trên đàn trâu bò toàn tỉnh về LMLM đạt 76,3%, tụ huyết trùng đạt 60,7%. Mặc dù đã hết thời gian gia hạn kế hoạch tiêm phòng của tỉnh (đến ngày 15/10) nhưng kết quả tiêm của đàn lợn là khá thấp: LMLM chỉ đạt 17,7%, dịch tả 42,5% và tụ huyết trùng 36,6%. Có những địa phương chưa đạt 1/3 kế hoạch, thậm chí nhiều nơi chưa tiêm một mũi nào cho đàn lợn, nhất là văcxin LMLM. Chẳng hạn như các huyện Nghi Xuân (0%), Can Lộc (0% LMLM, 55% DTL và 27% THT), Hồng Lĩnh (0% LMLM, 29,7% DTL và 29,7% THT)…

Ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Hai tỉnh giáp ranh là Nghệ An và Quảng Bình, dịch tai xanh đã bùng phát trở lại, biến Hà Tĩnh thành vùng bị uy hiếp. Đã vậy, Hà Tĩnh phải gánh chịu liên tiếp hai cơn lũ, số gia súc, gia cầm bị chết theo đó cũng tăng lên, đây chính là nguồn bệnh tiềm ẩn rất dễ bùng phát. Muốn giảm thiểu mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra thì vấn đề tiên quyết là phải tiêm phòng vật nuôi. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ diện đã tiêm so với tổng đàn còn thấp, tốc độ thì ì ạch và thiếu sự chỉ đạo kiên quyết. Đây là điều kiện để dịch bệnh tấn công vật nuôi. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra cũng điêu đứng và khủng khiếp không thua kém gì sức tàn phá của bão lũ”.

Phải nói thêm rằng, nguyên nhân khiến công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi ở những địa phương đạt tỷ lệ thấp còn do chính người chăn nuôi bất hợp tác với cơ quan chuyên môn. Rõ ràng, khi dịch xuất hiện mới “tống” vắc xin vào thì chắc chắn đàn gia súc sẽ không đủ sức đề kháng trước sự hoành hành của vi rút gây bệnh.

Tăng cường công tác phòng dịch, chăm sóc vật nuôi…

Mục tiêu tiên quyết của ngành thú y lúc này là tăng cường công tác phòng dịch, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại môi trường, nhằm hạn chế ở mức thấp nhất khả năng xảy ra dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm. Ngay khi nước lũ rút, lãnh đạo Chi cục Thú y đã xuống tận các địa phương phát động chiến dịch làm vệ sinh môi trường, khắc phục, sửa sang lại chuồng trại, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng đường làng ngõ xóm, chuồng trại.

Khoai lang là nguồn thức ăn cần thiết cho đàn gia súc trong mùa đông
Khoai lang là nguồn thức ăn cần thiết cho đàn gia súc trong mùa đông

Đến thời điểm này, 4.540 lít hoá chất Benkocid đợt III đã được cấp phát đầy đủ về các địa phương. Trung bình mỗi xã/phường/thị trấn được cấp 15 lít hoá chất, riêng tại vùng bị lũ lụt và ngập úng thì được nhận thêm 10 lít. Ngành thú y đã đề nghị tỉnh cần bổ sung thêm hoá chất cho đợt lũ vừa qua, nhằm đảm bảo công tác phòng trừ dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Cùng đó, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung quyết liệt để tiêm phòng đợt 2 đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đây là thời điểm nhạy cảm nhất để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, vì vậy các địa phương cũng cần nâng cao việc giám sát vật nuôi sau lũ, phát hiện sớm và có phương án bao vây, dập tắt mầm bệnh kịp thời.

Về lâu dài, bà con nông dân cần chủ động tiêu úng cho ruộng nhà, chăm sóc diện tích trồng cỏ, thức ăn xanh. Đặc biệt, ưu tiên mở rộng diện tích ngô và khoai lang để dự trữ, chế biến thức ăn cho đàn gia súc vụ Đông kết hợp với việc sửa sang, che chắn lại chuồng trại, nhằm hạn chế sự đói rét, đổ ngã cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, xây dựng các phương án phòng dịch hợp lý; tăng cường quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng phối giống kịp thời, nhân nhanh đàn giống để phục vụ sản xuất chăn nuôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast