"Chưa phải quá lo lắng về tái lạm phát cao"

"Chưa có gì quá lo lắng và phải nói nhiều là lạm phát cao đang trở lại, nhưng tất nhiên cũng không được chủ quan", ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định với báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/3.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hai ngày qua, vấn đề nguyên nhân, giải pháp đối phó với nguy cơ lạm phát đã được bàn thảo. Theo ông Thúy, nguy cơ lạm phát cao chưa đến mức phải lo ngại, tuy nhiên do gần đây xuất hiện tâm lý hoang mang trong xã hội vì giá cả Tết tăng cao nên Chính phủ phải dành trọn 1 ngày để bàn vấn đề này.

Lạm phát do "tâm lý"

"Chưa phải quá lo lắng về tái lạm phát cao" ảnh 1

Ông Lê Đức Thúy. Ảnh: Lê Nhung

Tại cuộc họp báo, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông Lê Đức Thúy đã phân tích chi tiết tình hình giá cả, nguy cơ lạm phát.

Theo đó, kinh tế nước ta 2 tháng đầu năm vẫn tiếp tục đà phục hồi với những tăng trưởng tốt. Mức tăng trưởng tuy chưa trở lại được so với tốc độ trước thời gian suy giảm nhưng đang có chiều hướng đi lên.

Dư luận gần đây bàn nhiều về nguy cơ bùng nổ lạm phát, nhưng xét trong tương quan bảy năm trở lại đây, thì chỉ số tăng giá tháng Tết vừa qua "không có gì đột biến".

So với tháng 1/2010, CPI tháng 2 tăng 1,96%.

Nếu loại trừ 2 năm có diễn biến bất thường là năm 2008 lạm phát cao, năm 2009 kinh tế suy giảm, CPI tháng 2 của các năm 2003-2007 lần lượt tăng là 2,25; 3%, 2,5%, 2,1% và 2,2%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,35%, tương ứng với mức tăng chỉ số giá của các giai đoạn trước đó (CPI 2 tháng đầu năm giai đoạn 2003-2007 lần lượt tăng 3,1%; 4,1%; 3,6%; 3,3% và 3,2%).

Khẳng định "chưa có căn cứ để phải lo lắng về nguy cơ tái lạm phát cao trở lại", nhưng ông Thúy cũng cho hay, "Chính phủ vẫn xác định không thể chủ quan".

Việc điều chỉnh tỷ giá chính thức VND/USD, tăng giá bán lẻ xăng dầu, giá điện... sẽ có tác động nhất định.

Về CPI tháng 3, ông Thúy nói, theo quy luật các năm sẽ là giảm.

Nhưng năm nay Chính phủ nhận định CPI tháng 3 sẽ tăng cao hơn bình thường. Có thể tăng từ 0,5-1%, dẫn đến CPI của quý 1 có thể tăng tới 4%. Nếu điều hành không tốt, CPI cả năm có thể lên tới 8-9% (vượt chỉ tiêu của Quốc hội).

Giá thép tăng theo giá điện: Hết sức vô lý

Đối với giá điện, đây sẽ là lần điều chỉnh giá duy nhất, sẽ giữ nguyên giá điện từ nay cho đến hết năm 2010.

Theo Bộ Tài chính, thị trường tiền tệ về cơ bản ổn định, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm (- 5,94%) do tăng đầu tư. Tiền gửi của dân cư tăng (+ 5,57%) biểu hiện lòng tin của người dân với chính sách kinh tế. Tín dụng biến động tăng 1,4% phù hợp với tính quy luật của những tháng đầu năm.

Nhận định tình hình như vậy, song hiện nay, đang có hiện tượng “té nước theo mưa”.

Theo ông Thúy, việc giá thép rục rịch "đòi" tăng từ 5-10% theo giá điện tăng là “hết sức vô lý”.“CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vấn đề là điều hành. Nếu hoang mang sẽ tạo cơ hội lợi dụng tăng giá”, ông Thúy nói.

Đây là dịp để Chính phủ rút kinh nghiệm về công tác về quản lý giá cả, quản lý thị trường vì đã để cơ hội cho một số hộ kinh doanh, hộ sản xuất đẩy giá lên cao bất hợp lý.

“Công tác kiểm soát, quản lý giá vừa qua tuy tích cực nhưng chưa tính toán hết, đẩy giá lên quá mức so với thị trường cho phép. Giá xăng dầu tăng liên tục 5 lần, độ dày cao trong khi giá xăng thế giới tăng thấp hơn. Tới đây, Chính phủ sẽ làm tốt hơn công tác quản lý giá”, ông Thúy nói.

Sắp tới, Chính phủ sẽ xem xét lại cơ chế tăng giá xăng dầu, không để tăng liên tục như thời gian qua và tiến tới điều chỉnh giá xăng dầu nhưng không làm ảnh hưởng đến các loại giá khác.

Hàng loạt các giải pháp điều hành giá cũng đã được đưa ra.

Chẳng hạn, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tránh các hiện tượng “neo giá” để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý bất chấp giá giảm trên thị trường thế giới hoặc “đông giá” ở thị trường trong nước quá thấp trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bổ sung: “Thủ tướng khẳng định ta đủ khả năng kiểm soát lạm phát, không coi thường nhưng không lo lắng, hoàn toàn đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, hiện Chính phủ không đặt ra việc điều chỉnh chỉ tiêu kiềm chế lạm phát”.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng xem xét dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, dự án sẽ được trình Quốc hội với tổng đầu tư lên tới 56 tỷ USD.

Chính phủ cũng xem xét đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Đồ án dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên.

Đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3 m2/người lên 10-15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị.

Nguồn: Vnn.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast