Chương trình 224 góp phần khai thác hiệu quả diện tích đất hoang hóa

Là khẳng định của lãnh đạo ngành NN&PTNT, các địa phương và đông đảo hộ dân tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển NTTS (gọi tắt là Chương trình 224) do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ chủ trì vào sáng ngày 22-7.

Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đê bao, cống chính, tiến bộ kỹ thuật, công tác khuyến ngư, phòng ngừa dịch bệnh, trong 10 năm triển khai chương trình, toàn tỉnh đã chuyển trên 3.000 ha diện tích đất hoang hóa, đầm lầy sang NTTS; 256 trang trại NTTS có quy mô từ 2 ha trở lên, 20 doanh nghiệp và HTX NTTS được ra đời, kéo theo đó là 26 ngàn lao động đã trực tiếp tham gia làm nghề.

Hạ tầng thiếu đồng bộ là trở ngại khi các hộ dân hưởng lợi từ Chương trình 224 muốn đầu tư thâm canh nhằm tăng giá trị trên diện tích nuôi trồng

Hạ tầng thiếu đồng bộ là trở ngại khi các hộ dân hưởng lợi từ Chương trình 224 muốn đầu tư thâm canh nhằm tăng giá trị trên diện tích nuôi trồng

Các vùng chuyển đổi sang NTTS cơ bản phát huy hiệu quả so với trồng lúa và làm muối.

Tính đến năm 2010, diện tích NTTS toàn tỉnh đạt 7.800 ha, tăng 4.520 ha so với năm 2000; tổng sản lượng NTTS đạt 15 ngàn tấn, tăng 12.205 tấn so với năm 2000.

Phát huy kết quả đạt được, ngành NN&PTNT phấn đấu đến năm 2015, nâng tổng diện tích NTTS lên 8.500 ha (nuôi nước ngọt 5.700 ha, nuôi mặn - lợ 2.800 ha), sản lượng nuôi trồng đạt 19 ngàn tấn (tăng 26,7% so với hiện nay), giá trị sản xuất đạt 620 tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2010).

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung công tác quy hoạch; đầu tư và tổ chức lại hệ thống sản xuất, ương nuôi giống; tăng cường hợp tác, chuyển giao KH&CN nhằm hoàn thiện quy trình nuôi; kiện toàn, đổi mới công tác khuyến ngư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại...

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất cao với đánh giá của ngành NN&PTNT trong 10 năm triển khai chương trình nhưng cũng băn khoăn khi hạn mức đầu tư của chương trình còn ít, mới tập trung vào đê bao, cống chính nên không đồng bộ về hạ tầng nuôi dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ yêu cầu ngành NN&PTNT, các ngành liên quan, cùng các địa phương cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch để kịp thời bổ sung thiếu sót nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình trong thời gian tới.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu lập kế hoạch phát triển các vùng nuôi mới dựa trên ưu thế của từng địa phương; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ kỹ thuật; quản lý tốt việc sản xuất và cung ứng giống thủy sản, dịch bệnh, các dịch vụ thức ăn; tiếp tục xây dựng các mô hình hiệu quả để nhân rộng sản xuất.

Sở TN&MT có trách nhiệm chỉ đạo tốt việc giao đất ổn định theo hướng thấp nhất từ 10 năm, cao nhất 30 năm để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển NTTS.

Các ngành liên quan cần nghiên cứu phương án lồng ghép các dự án giao thông, điện nhằm giúp các địa phương hoàn thiện hạ tầng các vùng NTTS.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast