Chuyển đổi ruộng đất - tiền đề xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Quy hoạch, chuyển đổi ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã mở ra cho nông dân Hà Tĩnh nhiều cơ hội về phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập và là tiền đề để xây dựng nông thôn mới....

Nông dân Tùng Lộc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, làm đất. Ảnh: VH

Nông dân Tùng Lộc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, làm đất. Ảnh: VH

Sau công cuộc chuyển đổi ruộng đất lần thứ nhất, ruộng đồng Hà Tĩnh đã giảm bớt sự manh mún, phân tán. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, một cuộc “cách mạng ruộng đất” lần thứ 2 được phát động triển khai trên toàn tỉnh với quyết tâm và khí thế mạnh mẽ. Theo đó, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cấp ngành và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, phân loại, thực hiện chuyển đổi các thửa đất manh mún thành các thửa đất lớn phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị. Riêng Sở Tài nguyên môi trường, ngoài việc là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất và là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành thống kê, đo đạc bản đồ địa chính, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành cấp tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đôn đốc các địa phương kiểm tra, thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Ông Võ Tá Đinh- Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh cho biết: Để thực hiện tốt chuyển đổi ruộng đất thì trước hết phải xây dựng được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và từng bước điều chỉnh quy hoạch một cách phù hợp thực tế nhằm tạo cơ sở cho việc chuyển đổi và ngược lại thực hiện tốt công tác chuyển đổi chính đó là từng bước triển khai công tác quy hoạch, làm tốt công tác giao thông, thuỷ lợi nội đồng chính là cơ sở thuận lợi cho việc chuyển đổi, thực hiện tốt việc chuyển đổi ruộng đất chính là cơ hội cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, muốn thực hiện tốt công tác giao thông, thuỷ lợi nội đồng: trước hết là phải có lịch trình, kế hoạch và chọn thời cơ, thời vụ sản xuất để ra quân đồng loạt phát động có tính thời điểm, thời vụ. Đồng thời phải biết tạo ra phong trào để huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận, phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân… tạo thành một phong trào thi đua trong thôn xóm, vừa vận động, thuyết phục, vừa động viên, sau đó gắn vào tiêu chuẩn và nhiệm vụ của mỗi người bằng chỉ tiêu số lượng để tham gia thực hiện từ đó nhân dân ý thức được đó là việc của mỗi người dân.

Với những đóng góp lớn của Ban thường trực chuyển đổi ruộng đất mà cụ thể là Sở TNMT Hà Tĩnh, công tác chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 6-2011, toàn tỉnh có 172/226 xã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, đạt gần 70% tổng số xã tham gia chuyển đổi. Điển hình là các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Can Lộc đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Huyện Can Lộc là một trong những đơn vị chuyển đổi ruộng đất sớm nhất và thành công nhất. Đúc rút kinh nghiệm từ lần chuyển đổi trước đó, huyện đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện đề án chuyển đổi ruộng đất lần thứ hai. Theo đó, Can Lộc đã lập quy hoạch chuyển đổi ruộng đất nhằm giảm triệt để sự phân tán, manh mún, phấn đấu mỗi hộ còn 1-2 vùng sản xuất để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Kết quả là sau khi chuyển đổi, huyện đã tập trung đất công ích về vùng trung tâm các xã để nâng cao hiệu quả sử dụng, quy hoạch đồng bộ. Song song với công tác chuyển đổi, huyện còn chỉ đạo các xã hoàn thiện mạng lưới giao thông liên xã, liên xóm, giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu lâu dài cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, huyện còn đầu tư thêm 900 máy cày phục vụ sản xuất. Để thuận lợi hơn cho mục tiêu nâng cao sản lượng nông sản, hệ thống kênh mương tưới tiêu cũng được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc chuyển đổi ruộng đất phải dân chủ, tự nguyện, công khai, minh bạch, thực hiện chuyển đổi phải triệt để, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, AN-QP. Chuyển đổi ruộng đất ở Can Lộc còn gắn liền với việc tổ chức đo đạc, lập thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để người dân ổn định, yên tâm đầu tư phát triển. Thông qua chuyển đổi ruộng đất, UBND các xã tổ chức huy động nhân lực, ngày công lao động hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn.

Với 5 sào trang trại lúa-cá-vịt-lợn, hộ anh Mai Khắc Hoa ở Khánh Lộc

thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm. Ảnh: VH

Đến Thời điểm này, huyện Can Lộc đã có 23/23 xã trong toàn huyện hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2. Nhiều địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như các xã: Xuân Lộc, Khánh Lộc, Vĩnh Lộc, Thiên Lộc... Trong đó nhiều cách làm hay, sáng tạo được các lãnh đạo xã triển khai, tiêu biểu như ở xã Xuân Lộc. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần 2. Ngay khi có chủ trương của huyện, UBND xã Xuân Lộc đã tiến hành họp dân để quán triệt tư tưởng, vận động người dân triển khai dồn điền đổi thửa. Nhận thức đúng đắn và sâu sắc lợi ích khi ruộng đất được quy hoạch về một vùng, có điều kiện tốt để sản xuất hàng hóa, nhiều hộ gia đình đồng ý phá một phần ruộng lúa để đào đất đắp bờ vùng bờ thửa. Không để người dân phải chịu thiệt thòi, xã vận động người dân trong từng xóm đóng góp hỗ trợ cho các gia đình có diện tích trồng lúa bị hư hỏng. Đến nay, Xuân Lộc đã đào đắp được 5,4km giao thông nội đồng, lắp đặt được 140/250 cống các loại, điều chỉnh đường trục chính rộng 6m, đường trục phụ kiêm bờ vùng rộng 5m đảm bảo cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng được thuận lợi. Nhờ cách làm sáng tạo này, các thửa ruộng manh mún đã được thay thế bằng những ruộng lúa rộng vài nghìn m2. Từ đây người dân đã hướng tới mục tiêu sản xuất lương thực hàng hóa, làm trang trại, hiện thực hóa giấc mơ đổi đời, làm giàu từ ruộng đồng.

Năng suất, ngày công và thu nhập của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh ta đang ngày càng được nâng lên nhờ thành công bước đầu của chủ trương quy hoạch, chuyển đổi ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, Sở tài nguyên môi trường đã lên kế hoạch chỉ đạo các phòng TNMT huyện tiếp tục phối hợp triển khai công tác chuyển đổi ruộng đất ở các xã còn lại, phấn đầu hoàn thành vào cuối năm 2011. Đối với các xã đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, sở chỉ đạo các phòng chuyên môn hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh, triển khai xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn đảm bảo chất lượng và tiến độ, phấn đấu đến hết năm 2011 phải phê duyệt xong các đề án này cho 100% số xã xây dựng nông thôn mới và chọn một số việc làm trước như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, một số mô hình, chính sách để triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc quy hoạch, chuyển đổi ruộng đất không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập mà còn là tiền đề để toàn tỉnh thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới. Bài toán về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang được giải bằng sự nỗ lực của các cấp ngành và chính quyền địa phương. Trong đó, với vai trò là Ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất và là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Sở TNMT Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công chủ trương lớn này của tỉnh.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast