Chuyện lạc nhịp của giá xăng dầu

Thời gian theo dõi và đối soát giá kéo dài, cộng với sự chậm chân của doanh nghiệp trên sân chơi hàng hóa quốc tế là những nguyên nhân chủ yếu khiến giá xăng dầu tại Việt Nam luôn lạc điệu so với thị trường thế giới.


Tăng 900 đồng tối ngày 20/4, giá bán lẻ xăng A92 tại Việt Nam đã lên mức cao nhất 23.800 đồng một lít. Các loại nhiên liệu khác cũng tăng 400 - 600 đồng lên mức cao chưa từng có. Quyết định này được Liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra sau hàng loạt đơn đề nghị của các doanh nghiệp (kêu lỗ 800 - 1.000 đồng mỗi lít) và thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá nhập thành phẩm tăng cao.

Trong khi nhiều nước trong khu vực giảm thì giá xăng tại Việt Nam lại tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Trong khi nhiều nước trong khu vực giảm thì giá xăng tại Việt Nam lại tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tuy nhiên, cũng tại thời điểm đó, giá dầu thô giao theo các hợp đồng tương lai vừa trải qua một thời gian ổn định và giảm nhẹ, do căng thẳng giữa Iran và phương Tây phần nào dịu bớt. Tại thời điểm Việt Nam tăng giá xăng, dầu thô đã giảm giá xuống dưới 103 USD một thùng sau khi lên tới gần 130 USD một thùng vào đầu tháng 3.

Báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước ngày 25/4 cũng khẳng định cùng với giá dầu thô, giá xăng thành phẩm và nhiều mặt hàng dầu khác tại Singapore (thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) cũng giảm 2 - 3% trong tháng 4. Câu chuyện lệch nhịp của giá xăng dầu trong nước một lần nữa lại được đặt ra sau rất nhiều lần “giá thế giới tăng thì chưa tăng, đến lúc giảm thì lại tăng”.

Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TP HCM - Đặng Vinh Sang cho biết văn bản đề nghị xem xét giá bán lẻ đã được Saigon Petro và một số đơn vị khác gửi tới cơ quan chức từ đầu tháng 4, khi giá thế giới tăng chóng mặt. Tuy nhiên, đến ngày 20/4, quyết định điều chỉnh mới chính thức được đưa ra. Đến lúc đó, thị trường thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Việc điều chỉnh giá do vậy chậm hơn thế giới nên khiến dư luận hiểu không chính xác, nhiều ý kiến không đồng tình”, ông Sang nhận định. Trong khi đó, theo một ví dụ được vị Tổng giám đốc này nhắc tới thì tại thị trường Singapore, chỉ cần giá thế giới lên xuông 4 cent, giá bán lẻ đã được điều chỉnh theo.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng dầu trong nước hiện được điều chỉnh bằng Nghị định 84. Đây là văn bản được thiết kế vừa nhằm đảm bảo điều hành giá vừa theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo bình ổn thị trường, không gây ra biến động lớn khi giá thế giới biến động phức tạp. Do vậy việc có điều chỉnh giá hay không được thực hiện trên cơ sở so sánh giá bình quân 30 ngày (tính đến ngày điều chỉnh) so với 30 ngày trước đó.

“Nếu điều chỉnh giá hằng ngày, một tuần hay 10 ngày một lần thì đã không còn là Nghị định 84”, ông Thỏa cho biết. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng thừa nhận tại điều chỉnh giá bán trong nước, đúng là giá thế giới có giảm trong một vài ngày. Tuy nhiên, tính trung bình 30 ngày thì giá cơ sở vẫn cao hơn so với 30 ngày trước đó và buộc phải điều chỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa thì hiện hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam đều thực hiện theo các hợp đồng giao ngay. Cũng có một số trường hợp thực hiện hợp đồng tương lai, nhưng chủ yếu là chốt về khối lượng chứ “chưa dám” chốt giá với đối tác. Do vậy, giá giao dịch các hợp đồng tương lai về xăng dầu trên thế giới gần như không đủ cơ sở để tính toán giá nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổ Điều hành thị trường trong nước, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 4 đạt khoảng 702.000 m3 tấn xăng dầu các loại, đồng thời tiêu thụ 661.000 m3tấn từ Dung Quất. Tồn kho (dự trữ - lưu thông) tính đến hết 31/3 đạt 1,45 triệu m3tấn.

Chia sẻ quản điểm nêu trên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - Nguyễn Văn Năm cho biết việc tính toán giá xăng dầu trên cơ sở bình quân 30 ngày chưa phản ánh tức thì diễn biến thì trường thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, nó lại phù hợp và phản ánh đúng giá nhập thực tế, vì cũng theo Nghị định 84, doanh nghiệp phải đảm bảo việc dự trữ, lưu thông xăng dầu trong vòng 30 ngày. “Việc so sánh với giá thế giới tại cùng thời điểm chỉ đúng nếu nhập ngày nào, bán ngày đó. Còn nếu phải đảm bảo tồn kho 30 ngày thì không có cách nào khác là tính giá bình quân”, ông Năm cho biết.

Trao đổi với VnExpress.net, bản thân Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận Nghị định 84 vẫn còn nhiều “điểm gợn”. Liên bộ Công Thương - Tài chính đang nghiên cứu để chỉnh sửa văn bản này theo chỉ đạo của Thủ tướng: “Việc chỉnh sửa sẽ đảm bảo thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn, các điều kiện tính giá cần được tính toán lại với mục tiêu chủ yếu là kiên định theo giá thị trường”, ông Thỏa cho biết.

Cũng theo đại diện cơ quan quản lý, với tư cách chủ trì, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc tổng kết thực hiện Nghị định 84. Bộ Tài chính sau đó sẽ có ý kiến và cùng với Bộ Công Thương thành lập tổ công tác để tiến hành sửa đổi.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu được giữ đến hết năm, sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,364%. Trong đó, tác động ở vòng một (trực tiếp) là 0,104%, vòng 2 (gián tiếp lên các lĩnh vực sử dụng xăng dầu) là 0,26%. Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, để đánh giá một cách đầy đủ tác động của việc tăng giá các mặt hàng cơ bản lên đời sống, cần xét đến những đối tượng cụ thể. Lý do là cơ cấu chi tiêu của người có thu nhập thấp rất khác so với người có thu nhập cao.

Theo ông Thành, người nghèo là đối tượng chịu thiệt thòi gấp đôi trong mỗi lần tăng giá điện, xăng dầu. “Điều đó tương đương với việc nếu tăng giá xăng, giá điện một đồng thì người nghèo phải nhận được thêm 2 đồng mới có thể duy trì mức sống cũ”, ông Thành cho biết.

Theo Phó tổng giám đốc Petrolimex - Nguyễn Văn Năm, sau khi điều chỉnh giá vào ngày 20/4, so sánh giữa giá cơ sở và giá bán lẻ thì kinh doanh xăng dầu đã có lãi (mức độ tùy thuộc vào từng mặt hàng). Tuy nhiên, nếu áp dụng chi phí kinh doanh định mức mới (860 đồng thay vì 600 đồng một lít đối với xăng) thì mức lãi không đáng kể.

Một số đơn vị kinh doanh xăng dầu khác cũng thừa nhận bắt đầu có lãi nhưng gánh nặng từ khoản lỗ trước đó vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện khoảng 5.000 tỷ đồng và chưa có hướng xử lý.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast