Cơ chế mở cho ngân hàng và khách hàng

Thông tư số 07/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ra đời cho phép ngân hàng và khách hàng được thoả thuận về lãi suất cho vay tiền đồng đối với tín dụng trung - dài hạn theo cung cầu thị trường, thay cho việc kiềm chế mức trần như trước đây. Theo đánh giá của nhiều người trong cuộc, đây là một chính sách cởi mở và phù hợp, mang lại thuận lợi cho cả khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đang thận trọng áp dụng Thông tư 07 để có thể cân đối được chi phí đầu vào với lãi suất đầu ra một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Cán bộ tín dụng Techcombank hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn
Cán bộ tín dụng Techcombank hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn

Mặc dù hiện nay các loại thị trường liên tục biến động trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau khủng hoảng, nhưng trong vòng 5 tháng qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ổn định là 8%/năm. Mức lãi suất cơ bản này đã khiến các NHTM phải khống chế lãi suất đầu vào lẫn đầu ra theo đúng quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời điểm nguồn vốn huy động cực kỳ khó khăn do sức hút từ các thị trường đầu tư hấp dẫn khác, cộng với chính sách thắt chặt đầu tư tín dụng đã đặt các NHTM trước bài toán hóc búa về việc tìm kiếm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vì vậy, mặc dù lãi suất huy động vẫn nằm dưới 10,5%/năm theo quy định, nhưng các NHTM đều đã mạnh tay áp dụng các chương trình khuyển mãi lớn, đẩy lãi suất huy động thực lên khoảng 11- 12%/năm.

Thông tư 07 ra đời đã mở cánh cửa cho ngân hàng có thể tăng chi phí đầu ra một cách hợp lý để bù đắp cho chi phí đầu vào của nguồn vốn hiện đã tăng lên. Cũng từ đó, các NHTM có điều kiện thuận lợi hơn trong công tác huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế đang bức thiết trong thời điểm thắt chặt tín dụng hiện nay.

Ông Đặng Đình Thích- Giám đốc VPBank bày tỏ: “Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên trong hoạt động kinh doanh cũng phải bù đắp được chi phí và phải có lợi nhuận. Thực hiện cho vay thỏa thuận lãi suất, NHTM có thể chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh theo cơ chế thị trường”.

Tuy nhiên sẽ không có cuộc đua tăng lãi suất cho vay như lo lắng của một số người, bởi quan điểm của các NHTM là cùng chia sẻ với khách hàng của mình để phát triển một cách bền vững. Bởi vậy dù Thông tư 07 đã trao quyền tự quyết định giá nguồn vốn cho ngân hàng và khách hàng thì việc đưa ra một mức lãi suất cho vay vừa đảm bảo cho ngân hàng hoạt động vừa tạo điều kiện thúc đẩy khách hàng sản xuất kinh doanh hiệu quả vẫn thực sự là một sự cân nhắc đau đầu.

Ông Võ Văn Chân- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No & PTNT tỉnh chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là muốn phát triển an toàn, bền vững thì phải thực sự chăm lo về quyền lợi cho khách hàng của mình. Bởi vậy khi áp dụng cơ chế thoả thuận lãi suất, Ngân hàng Nông nghiệp cố gắng đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất, có lợi cho cả ngân hàng và khách hàng. Chỉ đạo của ngân hàng tỉnh là: các chi nhánh ngân hàng trực thuộc được linh động áp dụng mức lãi suất thoả thuận phù hợp với tình hình thực tế, nhưng không được đưa ra mức cao hơn các NHTM khác trên địa bàn”.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện lãi suất thoả thuận, lãi suất sẽ tự vận hành theo cơ chế thị trường, cung - cầu vốn sẽ gặp nhau ở đúng giá trị, đúng mặt bằng của nó. Và trong thời điểm hiện nay, vấn đề quan tâm hàng đầu của các ngân hàng là chất lượng tín dụng, vì vậy, ngân hàng phải tính toán khôn khéo về các mức lãi suất thoả thuận cũng như lựa chọn kỹ khách hàng, dự án đầu tư để vừa đảm bảo an toàn , hiệu quả cho đồng vốn vừa giữ chân khách hàng lâu dài.

Vietcombank Hồng Lĩnh đầu tư vốn sản xuất kinh doanh cho Công ty TNHH Trung Nam – Khu Công nghiệp – TTCN Trung Lương.
Vietcombank Hồng Lĩnh đầu tư vốn sản xuất kinh doanh cho Công ty TNHH Trung Nam – Khu Công nghiệp – TTCN Trung Lương.

Trưởng phòng Khách hàng Vietcombank Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Hải Triều cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện Thông tư 07 một cách thận trọng và mức lãi suất thoả thuận cao nhất hiện mới chỉ ở mức trên 14,08%/năm. Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là nếu đưa ra lãi suất thoả thuận cao sẽ làm cho khách hàng phải tăng chi phí đầu vào trong quá trình SXKD, trong khi sự hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ đang sụt giảm thì các khách hàng sẽ có nguy cơ hoạt động kém hiệu quả dẫn đến rủi ro cho cả khách hàng lẫn ngân hàng”.

Còn theo khảo sát của chúng tôi, mức lãi suất cho vay thỏa thuận đối với tín dụng trung, dài hạn trên địa bàn tỉnh ta đang nằm ở mức 14-16%/năm đối với các NHTM nhà nước và 17-18% đối với NHTM ngoài quốc doanh.

Tìm hiểu phản ứng của doanh nghiệp khi tiếp cận với cơ chế lãi suất cho vay thoả thuận, chúng tôi được ông Hoàng Trung Thông - Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh cho biết: “Điều khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm là khi lãi suất cho vay được thiết lập trên cơ sở thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng thì sẽ hạn chế việc các ngân hàng “lách” quy định của Nhà nước về lãi suất trần bằng các loại phí khác, giúp cho hoạt động cho vay công khai, minh bạch. Việc áp dụng lãi suất cho vay theo thoả thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp lớn, có uy tín, những dự án kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tỉnh ta phần lớn có quy mô nhỏ, hoạt động còn nhiều khó khăn, bởi vậy nếu phải chấp nhận nguồn vốn giá đắt, tăng chi phí đầu vào thì khó khăn sẽ chồng chất. Bởi vậy, DN rất mong có sự chia sẻ, tạo điều kiện của các NHTM trên địa bàn”.

Điều mừng là những trăn trở của doanh nghiệp cũng chính là điều các NHTM đang băn khoăn và đang tìm cách giải quyết phù hợp khi thực hiện cho vay thoả thuận về lãi suất theo Thông tư 07. Tiếng nói chung này sẽ là cơ sở cho việc thiết lập một mức lãi suất thoả thuận hợp lý, đồng điệu, mang lại lợi ích chung cho các NHTM và khách hàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast