Cơ giới hóa góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất

Trên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, bà con nông dân Hà Tĩnh tập trung nhân lực, tranh thủ thời gian để thu hoạch nhanh, gọn lúa đông xuân trong thời gian nhanh nhất, giải phóng sớm diện tích làm đất gieo cấy vụ mới. Một trong những giải pháp quan trọng để bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông xuân và triển khai sản xuất hè thu là tiếp tục đưa máy móc vào đồng ruộng.

Vụ đông xuân năm nay, anh Trần Văn Hào ở xóm 5, xã Bùi Xá (Đức Thọ) làm 9 ha lúa. Bên cạnh đó, anh đầu tư nuôi hàng ngàn con gia cầm và đào ao thả cá, nên khối lượng công việc khá nhiều. Anh Hào còn mạnh dạn đầu tư trên 80 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, mua máy gặt đập liên hợp, trước là để giải quyết khối lượng công việc của gia đình, sau là phục vụ bà con khi có nhu cầu. Đến thời điểm này, chỉ trong thời gian ngắn, anh Hào đã thu hoạch trên 7 ha lúa, năng suất đạt gần 60 tạ/ha.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đông xuân góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đông xuân góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu

Anh Hào cho biết, sử dụng máy gặt đập liên hợp cho hiệu quả thấy rõ. Việc cơ giới hóa trong sản xuất không chỉ góp phần giải phóng sức lao động mà còn giúp gia đình anh có nhiều thời gian để đầu tư mở rộng quy mô trang trại, nâng cao thu nhập. Máy gặt đập liên hợp của anh Trần Văn Hào cũng là chiếc đầu tiên ở Đức Thọ, bên cạnh trên 2.000 máy nông nghiệp khác.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Nhờ nguồn vốn do Hội Nông dân huyện quản lý, bà con nông dân Thạch Hà có điều kiện trang bị thêm máy móc, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.200 máy các loại và nhiều nông cụ có giá trị khác. Máy gặt đập liên hợp cũng đã xuất hiện trên đồng đất Thạch Hà. 80% diện tích sản xuất được cơ giới hóa. Bà con nông dân đang tích cực ra đồng làm đất bắc mạ, gieo cấy trên 50% diện tích lúa hè thu.

Nét mới trong vụ thu hoạch đông xuân ở huyện Cẩm Xuyên là đã xuất hiện nhiều máy gặt đập liên hợp, góp phần hạn chế chi phí thuê nhân công và đặc biệt là chấm dứt tình trạng hao hụt sản lượng do vương vãi trong quá trình cắt buộc, vận chuyển; đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu nhân công khi một lượng lớn lao động nông thôn chuyển ra làm việc ở các khu công nghiệp. Huyện Cẩm Xuyên hiện có 11 máy gặt đập liên hợp, 200 máy gặt nhỏ và trên 600 máy cày. Với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bà con nông dân Cẩm Xuyên đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân và gieo trên 3.000 ha lúa hè thu.

Tại Can Lộc, việc đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là một lợi thế cho địa phương đảm bảo kịp thời vụ cho sản xuất vụ hè thu. Anh Phan Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất được người dân đồng tình hưởng ứng, đặc biệt trong thời điểm bà con đang chạy đua với thời gian để sản xuất hè thu kịp thời vụ, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Xác định một trong những chiếc chìa khóa để nâng cao sức lao động, tăng nhanh vòng quay của đất, tạo ra năng suất lao động cao là đưa cơ giới hóa vào sản xuất, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ bà con đầu tư máy móc nông nghiệp. Đối với máy gặt đập liên hợp, huyện hỗ trợ 30 triệu đồng/máy, đồng thời các xã hỗ trợ bà con thêm 20 triệu đồng/máy.

Hiện nay, toàn huyện Can Lộc có 19 máy gặt đập liên hợp và hơn 2.000 máy nông nghiệp khác góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Vụ đông xuân 2010-2011, Can Lộc được mùa toàn diện và đồng đều; năng suất lúa bình quân đạt 56 tạ/ha. Đến thời điểm này, bà con nông dân Can Lộc đã thu hoạch trên 95% diện tích lúa đông xuân; phấn đấu cuối tháng 6 hoàn thành xuống giống hè thu. Một số xã đã tiến hành bắc mạ đạt 80-90% như: Kim Lộc, Tùng Lộc, Tiến Lộc… đặc biệt, xã Quang Lộc đã cấy được 70% diện tích. Có thể nói, việc cơ giới hóa đã tạo nên nhịp điệu mới trên đồng đất Can Lộc.

Chạy đua với thời vụ với mục tiêu lúa phải trổ trước 20/8, thu hoạch trước 20/9 để tránh lụt bão vào thời điểm thu hoạch, bà con nông dân các địa phương đã chủ động, tự giác, khẩn trương triển khai sản xuất và thực hiện các giải pháp như: đẩy nhanh tiến độ làm đất bằng cơ giới, cày lật gốc rạ, làm đất nhanh để gieo cấy; đảm bảo đủ nước cho công tác làm đất và quá trình sinh trưởng của cây lúa... Hy vọng, với sự đồng tâm, nỗ lực của ngành nông nghiệp cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương và bà con nông dân, vụ hè thu năm nay sẽ thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng trên tất cả các đối tượng cây trồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast