Công nghiệp Hà Tĩnh: Thành công từ những lối đi riêng

Để ngành Công nghiệp có kết quả tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm liền, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư hoạt động. Gần 200 dự án trong nước, quốc tế đến đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh với số vốn đăng ký lên hàng chục tỷ USD trong 3 năm đã chứng minh sức hút của vùng đất Hà Tĩnh giàu tiềm năng.

Trên công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Trên công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Với những cách làm năng động này, suốt từ năm 2007 đến hết 2009, Hà Tĩnh luôn lọt vào tốp đầu cả nước về mức độ gia tăng giá trị sản xuất Công nghiệp- tiểu thủ Công nghiệp (CN-TTCN). Bước sang năm 2010, một lần nũa CN- TTCN Hà Tĩnh lại có mức tăng trưởng khá ấn tượng khi tổng giá trị sản xuất trong toàn ngành (tính hết đến quý I năm 2010) ước đạt 476,44 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2009 (cả nước tăng gần 14%). Trong đó, khu vực Công nghiệp nhà nước ước đạt 79,2 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2009, khối doanh nghiệp nhà nước Trung Ương đạt 58,4 tỷ đồng, tăng 7,2 %, khối doanh nghiệp địa phương ước đạt 20,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2009. Khu vực Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 45,6 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2009. Khu vực Công nghiệp ngoài nhà nước cùng có mức tăng trưởng khá ổn định (đạt 351,6 tỷ đồng, tăng 19,3%).

Bí thư Tỉnh ủy thực địa tại khu vực khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ chốt như chế biến thuỷ sản, sản xuất mộc cao cấp, vật liệu xây dựng, chế biến quặ,ng may mặc... đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2009. Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng này, ngành Công thương Hà Tĩnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế khai thác tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế đồng thời có sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác thông tin, dự báo tình hình giá cả, rà soát các chi phí cho sản xuất, kinh doanh cũng được ngành Công thương Hà Tĩnh chú trọng. Mặt khác, ngành đẩy mạnh xây dựng và triển khai thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành CN-TTCN mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp khai khoáng, chế biến nông hải sản... Ngoài ra, ngành tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để phát triển CN-TTCN ở các địa phương có lợi thế như Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên... Ngành Công thương Hà Tĩnh còn chủ động khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác giữa các ngành và giữa các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất xã hội, tránh tình trạng khép kín, lãng phí trong đầu tư sản xuất.

Tàu Hoàng Hóa 68 chuyên chở gỗ băm dăm chuẩn bị xuất bến

Công tác phát triển các khu, cụm CN-TTCN tập trung cũng được ngành Công thương Hà Tĩnh hết sức quan tâm. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có hàng chục khu, cụm công nghiệp lớn, thu hút được hàng trăm dự án với tổng vốn đầu tư thực hiện lên hàng chục tỷ USD. Điển hình là các dự án: Dự án luyện cán thép của Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh (số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng) Dự án luyện cán thép và cảng biển của tập đoàn Fomosa (gần 8 tỷ USD) dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng gần 1,7 tỷ USD... Bên cạnh đó, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thời gian gần đây cơ bản đã đi vào nền nếp, nhiều địa phương đã coi công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương để khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Đồng hành với các hoạt động CN-TTCN ,tình hình Thương mại, dịch vụ những tháng đầu năm 2010 cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu từ dịch vụ tính đến cuối tháng 4 năm 2010 đạt hơn 2.641 tỉ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2009. Song song với các hoạt động thương mại dịch vụ, dẫu phải đối mặt với những khó khăn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã xuất hiện nhiều yếu tố không thuận lợi, song hoạt động xuất khẩu của tỉnh những tháng đầu năm 2010 vẫn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng năm 2010 ước đạt trên 8,89 triệu USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu đạt được mức tăng trưởng cao và khá toàn diện, song phải thấy rằng trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh, vẫn còn khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực. Thực trạng này không dễ vượt qua khi nguồn lực để đầu tư cho việc đổi mới thiết bị, công nghệ và khả năng quản lý của một bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh còn hạn chế. Chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức bằng những lối đi riêng trên cơ sở những tìm tòi sáng tạo vẫn là bài tóan đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước và trước từng doanh nghiệp ở Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ mới của Đảng bộ Tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast