Công tác PCLB còn nhiều lỗ hổng

Những năm gần đây, Hà Tĩnh luôn phải hứng chịu sự khốc liệt của thiên nhiên. 2 trận lũ khủng khiếp năm 2010 gây tổn thất rất lớn về người và tài sản. Làm thế nào để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra khi mùa mưa lũ đến gần?. Vấn đề này trở nên cấp bách và nóng bỏng khi vẫn còn khá nhiều lỗ hổng trong công tác phòng chống lụt bão.

Ẩn họa đằng sau những tiềm năng và lợi thế

Nằm ở “khúc ruột” miền Trung, Hà Tĩnh là địa phương có địa hình phức tạp, với núi non hiểm trở; hệ thống sông suối dày đặc và bờ biển dài 137 km với 4 của lạch thông ra biển. Dọc theo bờ biển từ Cửa Hội đến Đèo Ngang có 31 xã bãi ngang, 3.800 tàu thuyền với hơn 35.000 hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản. Toàn tỉnh có 32 tuyến đê với chiều dài 318km rải đều khắp các địa phương. Mặc dù trong những năm qua, hệ thống đê điều đã được củng cố nhưng thật khó để đảm bảo an toàn trong điều kiện BĐKH đang là vấn đề thách thức toàn nhân loại.

Mùa mưa bão đang đến gần nhưng nhiều công trình phòng chống lũ lụt đang dở dang
Mùa mưa bão đang đến gần nhưng nhiều công trình phòng chống lũ lụt đang dở dang

345 hồ đập lớn nhỏ với dung tích 786 triệu m3 đủ để cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của hơn 1,3 triệu dân. Nhưng, phần lớn các hồ đập đều được đầu tư xây dựng từ thập niên 80 thế kỷ trước. Đáng ngại nhất là các hồ đập hiện đang bị xuống cấp và hầu hết các hồ chứa nước lớn chưa có tràn sự cố. Vị trí địa lý và những lợi thế về điều kiện tự nhiên sẽ là điều kiện thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng là điểm yếu trong việc chế ngự thiên nhiên. Hàng năm người dân vùng biển thường xuyên bị bão lũ uy hiếp vì nước biển dâng trong khi người dân miền núi lại canh cánh với nỗi lo lũ quét và sạt lở đất. Tình trạng ngập lụt vùng ngoài đê La Giang, ngập úng vùng nội đồng Đức Thọ- Can Lộc, hạ du hồ chứa Kẻ Gỗ đang là nỗi lo khắc khoải của người dân trong mùa mưa lũ.

Dấu ấn lớn nhất đọng lại trong ký ức của người dân cả nước nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng là trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào tháng 9/2002, trận lũ lịch sử tháng 8 năm 2007; đặc biệt gần đây nhất là 2 trận lũ khủng khiếp chồng lên nhau vào tháng 9 và tháng 10 năm 2010. 51 người chết, 175 người bị thương, 151.033 nhà bị ngập sâu dài ngày trong lũ, tổng mức thiệt hại lên đến 6.400 tỷ đồng chính là hậu quả từ vị “khách” không mời mà đến.

Phòng chống lụt, bão: Nghĩ mà lo

“Nhất thủy nhì hỏa”, ông cha ta đúc rút từ ngàn đời nay cho thấy mức độ thiệt hại do thiên nhiên gây ra lớn như thế nào. Trận sóng thần đổ bộ vào Nhật Bản vào ngày 11-3 đã khiến hơn 30.000 người chết và mất tích, nhiều thành phố làng mạc bị xóa sổ khiến thế giới bàng hoàng. Có vẻ như thảm họa đó chỉ xảy ra ở…xứ người, bởi cho đến nay công tác PCLB trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập

Chi cục Phó Chi cục QLĐĐ&PCLB Hà Tĩnh Nguyễn Khoa Thanh phàn nàn: “Diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan khó lường trong khi đó các điều kiện kinh phí, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác PCLB lại bất cập ở nhiều khâu. Một số công trình cầu cống chưa đảm bảo khẩu độ thoát lũ vì vậy không phát huy được tác dụng. Các cơ sở quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn đã xuống cấp, công nghệ lạc hậu nên dự báo chưa kịp thời và chưa chính xác…”

Thực tế, những gì xảy ra thời gian qua cho thấy công tác điều hành ứng phó với thiên nhiên tại một số địa phương còn lúng túng; nhiều địa phương và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tính chất khốc liệt của thiên nhiên do đó tồn tại tư tưởng lơ là chủ quan và ỷ lại ở cấp trên. Công tác quản lý vận hành hồ chứa ở công trình thủy điện chưa tốt. “Cháy nhà ra mặt chuột”. Sự cố hồ chứa Hố Hô cho thấy chất lượng, độ an toàn của công trình này như thế nào?. Phòng chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ” có vẻ như mới chỉ tồn tại trên lý thuyết. Tại nhiều địa phương khi xảy ra tình huống cụ thể nhưng rất lúng túng bởi không có phương tiện, nếu có thì phương tiện không đảm bảo.

Mặc dù toàn tỉnh có 3.800 tàu thuyền hoạt động trên ngư trường rộng nhưng hệ thống thông tin liên lạc còn thiếu và lạc hậu khi tình huống xấu xảy ra tính mạng tài sản của họ chỉ biết trong chờ vào…may hay rủi mà thôi.

Mùa mưa bão đến gần. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo của các cấp các ngành; của chính quyền địa phương và người dân trong việc triển khai và thực hiên các giải pháp ứng phó kịp thời chắc rằng sẽ không tránh khỏi những tổn thất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast