Cuộc chiến với sâu bệnh gây hại cây trồng vụ đông xuân

Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng vụ đông xuân 2010 - 2011 đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ chưa đầy một tháng toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có gần 10 nghìn ha lúa và lạc bị nhiễm rầy và sâu phá hoại. Trước nguy cơ đe dọa nghiêm trong về chất lượng cây trồng thì sự vào cuộc quyết liệt cả cả hệ thống chính trị lúc này là hết sức cần thiết.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở Cẩm Xuyên
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở Cẩm Xuyên

Theo báo cáo hiện này trên địa bàn tỉnh có gần 1300 ha lúa đông xuân đang thời kỳ làm đòng , trổ bông bị nhiễm rầy nâu với mật độ rầy trung bình 1200 – 1500 con/m2, cá biệt có nơi mật độ trên 10000 con/m2. Qua kiểm tra cho thấy sự phát dục của rầy ở các địa phương không đồng đều,có sự chênh lệnh về thời gian và gối lứa nhưng chủ yếu rầy đang ở tuổi 4, tuổi 5, trưởng thành cánh ngắn, mật độ trứng cao và có xen, gối lứa ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ.... Riêng Cẩm Xuyên có 900ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh đang ở độ tuổi 2, tuổi 3 đã ra rộ. Chủ yếu các giống lúa IR1820, XY 23, XY 30 bị nhiễm rầy trên phương thức gieo thẳng.

Gần đây thời tiết liên tục nắng nóng, xen kẽ với mưa rào tạo độ ẩm đồng ruộng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn hại lúa phát sinh trên diện rộng. Hiện toàn tỉnh có 5.890 ha lúa bị nhiễm bệnh với tỉ lệ trung bình 10 – 15%,nơi cao 25%. Với cây lạc sâu khoang cũng gây hại cho 180 ha diện tích tại các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên mật độ 5 - 10 con/m2, nơi cao 15 - 20 cục bộ ổ 50 - 120 con/m2 tuổi 5, tuổi 6, nhộng. Bên cạnh đó còn nhiều đối tượng khác gây hai cho cây trồng vụ Đông xuân như sâu cuối lá, sâu đục thân, chuột...nhưng với mức độ nhẹ.

Rầy nâu và bệnh lùn xoắn lá trên lúa

Sau khi kiểm tra phát hiện sâu bệnh gây hại cây trồng Chi cục BVTV tích cực đôn đốc chỉ đạo các địa phương, bà con nông phát động phong trào toàn dân kiểm tra đồng ruộng. Mặt khác tuân thủ hướng dẫn kỷ thuật của các trạm BVTV phòng trừ cụ thể các đối tượng gây hại, trọng tâm là rầy nâu và sâu hại lạc, đồng thời tiếp tục truyền tải các thông tin đến tận người dân về tình hình sâu bệnh để phát hiện kịp thời phòng trừ hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng hiện nay gặp nhiều khó khăn do sự chủ quan của người dân. Có mặt tại xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) đa số người dân vẫn còn thờ ơ với sâu bệnh gây hại. Mặc dù được cán bộ khuyến nông xã khuyến cáo, chính quyền địa phương thông báo nhiều diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nhưng trên cánh đồng chỉ lèo tèo vài hộ tiến hành phun thuốc diệt rầy. Chị Phan Thị Thuyên – Trưởng ban khuyến nông xã Cẩm Dương cho biết: Ý thức của người dân về phòng trừ sâu bệnh ở đây chưa cao, chỉ khi nào bị nhiễm nặng rồi mới sốt sắng mua thuốc về phun. Theo chị với mật độ rầy nâu ở đây có nơi 2000 con/m2 nếu không phòng trừ kịp thời thì có thể bị nhiễm nặng gây cháy. Vì vậy, bà còn nông dân cần bám sát đồng ruộng, kiểm tra tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

Theo nhận định tình hình sâu bệnh gây hại vẫn đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ đông xuân năm 2010 - 2011. Với tình hình trên nêu không có biện pháp

Cán bộ khuyến nông xã kiểm tra tỷ lệ rầy nâu trên cây lúa
Cán bộ khuyến nông xã kiểm tra tỷ lệ rầy nâu trên cây lúa

phòng trừ kịp thời rầy sẽ gây cháy vào thời điểm 20 – 30/5 trở đi, trùng với giai đoạn trổ rộ - chín sữa, chín sáp. Vì vậy, ngay từ lúc này các cấp ngành cùng các địa phương cần tập trung phòng trừ quyết liệt để hạn chế thiệt hại trên đồng ruộng. Cơ quan chuyên môn cần tiếp tục điều tra kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại, đồng thời làm tốt công tác dự tính, dự báo để tổ chức phòng trừ. Thời điểm này cần đặc biệt tập trung phòng trừ rầy nâu và bệnh khô vằn hại lúa. Trước tiên vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra phát hiện kịp thời diện tích bị nhiễm rầy. Qua đó, đánh giá và phòng trừ phòng trừ khi rầy đang ở độ tuổi còn nhỏ nhằm giảm thiểu thiệt hại và hạn chế cho lứa tiếp theo. Khi phát hiện rầy tiến hành xử lý bằng các loại thuốc hóa học như: Chess 50WG, Bassa 50 EC, Excel Basa 50 ND, Victory 585 EC, Dragon 585 EC....

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Chỉ cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh lưu ý” Trong quá trình phun phải rẽ lúa thành những băng, luống 0,5 – 0,6 m, tuyết đối không để cạn nước. Khi phun phải cho thuốc tiếp xúc với toàn bộ cây lúa và đảm bảo nộng độ, liều lượng, lượng nước theo quy định. Mặt khác, bà con nông dân cần tiến hành phun thuốc trừ sâu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trường hợp sau khi phun gặp mưa rào lớn thì phải tiến hành phun lại nhưng có thể trộn 2 loại thuốc trừ rầy và trừ khô vằn với nhau để phun. Đối với bệnh khô vằn hại lúa cũng cần phát hiện kịp thời và tiến hành phun sớm khi bệnh chớm xuất hiện. Tiếp tục theo dõi phòng trừ sâu khoang hại lạc. Những nơi có mật độ sâu thấp có thể tiến hành bắt sâu bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Những diện tích có mật độ sâu cao cần tập trung phòng trừ ngay bằng biện pháp hóa học nhằm hạn chế tối đa sâu gây trụi lá.

Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuân cần được đặt lên hàng đầu. Các địa phương cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc công tác phòng trừ sâu bệnh. Cơ quan chức năng tăng cường công tác tập huấn, khuyến cáo cho bà con nông dân về các loại thuốc phòng trừ và quản lý tốt chất lượng thuốc trừ sâu trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast