Đảm bảo an toàn nghề cá trong mùa mưa bão

Hà Tĩnh hiện có khoảng 3.777 tàu đánh cá với tổng công suất 73.723 CV, trong đó tàu có công suất dưới 20CV chiếm 80%. Do tàu thuyền có công suất nhỏ, chất lượng thấp, vùng hoạt động lớn từ Bạch Long Vĩ tới Bà Rịa Vũng Tàu nên nguy cơ xẩy ra tai nạn khá cao. Năm 2009, toàn tỉnh xẩy ra 10 vụ tai nạn nghề cá do lốc tố bất thường làm 1 người chết và ước thiệt hại về tài sản trị giá gần 1 tỷ đồng.

Tàu thuyền neo đậu tại cảnh Cửa SótT (Thạch Kim)
Tàu thuyền neo đậu tại cảnh Cửa SótT (Thạch Kim)

Thực tế hiện nay ở Hà Tĩnh, nhiều tàu công suất dưới 90CV vẫn hoạt động ở vùng biển xa bờ. Riêng về hệ thống thông tin liên lạc, điện thoại, trang bị phao cứu sinh cũng chưa được các chủ tàu quan tâm chuẩn bị đầy đủ cho các chuyến biển. Chỉ có khoảng 47% chủ tàu cá có trang bị điện thoại tại nhà, nên việc phối hợp với gia đình chủ tàu để yêu cầu thuyền trưởng điều động tàu cá PCLB-TKCN, cung cấp thông tin về lao động trên tàu… không được thuận lợi; khoảng 19% thuyền viên lao động trên tàu được trang bị đầy đủ phao cứu sinh cá nhân. Toàn tỉnh có 4 của lạch thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán và sản xuất nhưng thời gian gần đây một số cửa lạch bị bồi đắp nên việc đI lại tránh bão của tàu cá trong mùa mưa bão rất khó khăn.

Ông Hà Văn Trà - Trưởng ban quản lý các dự án khu neo đậu tàu cá cho biết: Hiện tại đã hoàn thành âu trú bão cho tàu thuyền tại Cửa Sót (Thạch Kim), song do sự bồi lắng mực nước bị cạn so với hàng năm nên tàu thuyền vào ra phải phụ thuộc nước thủy triều lên. Xuân Hội ( Nghi Xuân) là địa địa phương có số lượng tàu thuyền khá lớn, nhất là tàu đánh bắt xa bờ cũng gặp không ít khó khăn trong việc neo đậu cho tàu thuyền tránh bão. Khi xẩy ra mưa bão chính quyền địa phương phảI chỉ đạo điều động tất cả các tàu thuyền tránh bão tại một số bãI ngang của các địa phương Hưng Hoà (Nghệ An) , Xuân Hồng, Xuân Giang, Tiên Điền ( Nghi Xuân)…vì ở đây chưa hoàn thành xong âu trú bão.

Tồn tại hiện nay trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá là việc cung cấp thông tin hai chiều giữa tàu cá đang hoạt động trên biển. Đa số các tàu cá đều trang bị máy thông tin liên lạc nhưng khi có gió bão không mở máy thường xuyên, hoặc mở máy chỉ nghe nhưng không trả lời hoặc do sự cố của mạng điện thoại nên các cơ quan chức năng khó nắm bắt thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo.

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và các chủ tàu hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ đối với việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện tàu cá. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý về việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá của ngư dân. Hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển theo ngành nghề và khu vực đánh bắt hải sản và xây dựng phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, lũ hoặc tại nạn trên biển. Giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển; chấp hành nghiêm các quy định về cứu nạn, cứu hộ của lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Thiết lập chế độ thông tin liên lạc giữa các tàu, các tàu với các đài ICOM cộng đồng và giữa đài ICOM cộng đồng với các cơ quan PCLB& TKCN khi có bão lũ xảy ra.

Mùa mưa bão đang đến rất gần, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast