Đất đồi Sơn Lộc nở hoa

Sơn Lộc là xã bán sơn địa, nằm về phía Tây Nam của huyện Can Lộc. Người dân nơi đây vẫn thường đùa rằng, hai tiếng Sơn Lộc mà ông cha đặt nên địa danh này có nghĩa là lộc của trời. Nghiệm vào các vùng đồi Sơn Lộc từ năm 1998 lại nay - thời điểm mà chủ trương phát triển kinh tế vườn đồi của xã được ban hành - quả không sai tí nào.

Nguyễn Trí Đức là một trong những thanh niên dám nghĩ, dám làm nên việc quanh quẩn với mấy sào ruộng khoán chưa bao giờ làm anh thỏa mãn ý chí làm giàu của mình.

Trang trại gia đình anh Nguyễn Trí Đức tại vùng Chà Chẩm, xã Sơn Lộc cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm
Trang trại gia đình anh Nguyễn Trí Đức tại vùng Chà Chẩm, xã Sơn Lộc cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm

Năm 1998, sau khi chủ trương giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế vườn rừng được Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Lộc thông qua, Đức xung phong vào khai hoang vùng Chà Chẩm (xóm 14) - giáp ranh với mạn Truông Bát (Hương Khê).

Với 7 ha đất rừng nhận được, Đức chia 2 ha làm trang trại tổng hợp, 5 ha còn lại dành riêng cho việc trồng keo nguyên liệu. Từ những vạt chuối, củ khoai, nương sắn, đồi chè thuở nào, đến nay, trang trại của Đức đã có 400 gốc cam chanh, 100 con gà, hàng chục con gia súc với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lộc - Thái Hữu Vinh tự hào bảo: "Ở Sơn Lộc bây giờ, người có thu nhập gần trăm triệu bạc như trang trại anh Đức không phải là ít".

Theo ông Vinh, toàn xã Sơn Lộc có trên 300 ha đất đồi rừng (chiếm 30% diện tích tự nhiên), tập trung ở các vùng Chà Chẩm, Khe Tre và Vạc Nâu - đều thuộc mạn giáp ranh Truông Bát.

Sau hơn 10 năm tiến hành giao đất, giao rừng, đã có 143 hộ dân lên các vùng đồi rừng nói trên phát triển kinh tế trang trại, hộ nhiều thì diện tích lên tới 15 ha, hộ ít cũng gần 1 héc.

Đa phần trang trại nơi đây đều gắn trồng rừng với phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp (vườn - ao - chuồng). Hiệu quả nhất trên vùng đồi rừng này vẫn là cây cam chanh với sản lượng từ 4 - 5 yến/gốc/vụ.

Về chăn nuôi, ngoài lợn là đối tượng nuôi truyền thống (thu nhập chưa thật cao nhưng ổn định), gần đây, các chủ hộ đã nuôi thêm các đối tượng mới như: hươu, ong lấy mật.

Về lâm nghiệp, keo lai vẫn là đối tượng cho thu nhập khá nhất. Khảo sát mới nhất của UBND xã Sơn Lộc cho thấy, năm 2009, giá trị thu nhập từ các mô hình trang trại của địa phương đạt 3,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 250 lao động.

"Nội lực của dân cả chứ chính sách của xã gần như chưa có gì. Ngoài tạo điều kiện về giao đất, giao rừng, những năm qua, xã cũng tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ thêm các mô hình giống cây, giống con, tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp các chủ trang trại nâng cao kỹ thuật sản xuất để chủ động trong việc áp dụng các đối tượng nuôi, trồng mới" - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Ngụ cho biết thêm.

Từ thực tiễn hơn một thập kỷ thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vườn rừng, tháng 9 - 2009, Sơn Lôc đã xây dựng "Đề án phát triển kinh tế trang trại đến năm 2015 và những năm tiếp theo".

Nét nổi bật của đề án là trên cơ sở đánh giá hiện trạng, phân tích thế mạnh và điểm yếu, đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu cho các trang trại là phải phát triển có quy hoạch và mang tính bền vững.

Trong xây dựng mô hình, xã khuyến khích sản xuất đa cây - đa con nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của những vùng đất đồi rừng.

Xã cũng linh động để các hộ không có nhu cầu, hoặc thiếu điều kiện đầu tư có thể chuyển nhượng lại cho các hộ có nhu cầu sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Về chỉ tiêu cụ thể, Sơn Lộc phấn đấu đến năm 2015, giá trị thu nhập từ các trang trại lên đến 10 tỷ đồng, trong đó, trang trại vườn rừng phải đạt mức thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/trang trại/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 250 - 400 lao động.

Để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đó, xã sẽ tập trung làm tốt quy hoạch; làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các chủ hộ; tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; lồng ghép các chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT để nâng cao trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi cho các chủ trang trại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast