Đẩy nhanh tiến độ Dự án cấp nước TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận

Sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) nên Dự án cấp nước TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận (giai đoạn 2) không chịu áp lực lớn về nguồn vốn như nhiều dự án đầu tư công trong nước. Tuy nhiên, trước tác động của lạm phát giá cả, thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là vướng mắc trong đền bù - GPMB nên sau hơn 4 tháng triển khai, tiến độ dự án này chưa như mong muốn.

Dự án cấp nước TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận (giai đoạn 2) là tiểu hợp phần của Dự án cấp nước đô thị Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2004. Kế thừa giai đoạn 1 (công suất 11.000 m3/ngày do Australia tài trợ), dự án giai đoạn 2 được đầu tư gần 185 tỷ đồng (mới được UBND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư) từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng để mở rộng công suất đầu nguồn tại hồ chứa nước Bộc Nguyên; xây dựng mới hệ thống tuyến ống truyền tải nước sạch từ Nhà máy nước Bộc Nguyên về khu tăng áp Đại Nài; đầu tư mới một số thiết bị chủ lực cho bể chứa và trạm bơm tăng áp thành phố...

Các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tốc độ thi công Tuyến ống nước thô DI D600 từ hồ Bộc Nguyên về Nhà máy xử lý nước Thạch Điền
Các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tốc độ thi công Tuyến ống nước thô DI D600 từ hồ Bộc Nguyên về Nhà máy xử lý nước Thạch Điền

Ông Võ Văn Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh kiêm Giám đốc BQL dự án, cho biết: Trước mắt, giai đoạn 2 của dự án triển khai 2 gói thầu: gói 2 (xây dựng công trình nguồn, cải tạo hồ đập và trạm bơm tăng áp) và gói 3 (xây lắp các tuyến ống cấp nước thô, nước sạch và ống mạng cấp 1). Trên cơ sở hồ sơ, kế hoạch được duyệt, ngày 18/7 vừa qua, dự án đã khởi công gói thầu 3 do liên danh Công ty Lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico), Công ty CP quản lý dự án Sena (Hà Nội) và Công ty CP xây dựng Hà Huy (Nghệ An) thi công. Sau hơn 4 tháng triển khai xây dựng, gói thầu này đã thi công 6/9 tuyến ống.

Cụ thể: tuyến ống uPVC D225 đường Quang Trung đã lắp đặt hơn 1.042m trên tổng số 1.288m (tương ứng khối lượng 67,5%) và đã nghiệm thu thử áp lực 500m; tuyến ống uPVC D160 đường Nguyễn Du đã lắp ống ở hơn 1.298m trên chiều dài 1.706m, dự kiến hoàn thành lắp đặt ống và thử áp trong tháng 12 tới; tuyến ống uPVC D160 đường Ngô Quyền đã lắp hơn 4.850/5.405m (đạt 58%), dự kiến hoàn thành lắp đặt trong tháng 11 và thử áp trong tháng 12; tuyến ống HDPE D280 và uPVC D225 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh dài 1.802m đã đúc xong toàn bộ gối đỡ ống, đồng thời lắp đặt ống D280 với chiều dài 565m và ống uPVC D225 với chiều dài 225m, dự kiến tháng 12 hoàn thành thử áp; tuyến ống uPVC D160 đường Hàm Nghi đã lắp hơn 1.280/1.520m (đạt 58%), dự kiến hoàn thành các phần việc trong tháng 12; tuyến ống chuyền tải nước sạch HDPE D560 đường Tỉnh lộ 17 đã lắp hơn 1.166/7.847m (đạt 11%); tuyến ống nước thô DI D600 từ hồ Bộc Nguyên về Nhà máy xử lý nước vừa triển khai, dự kiến hoàn thành lắp đặt và thử áp trong tháng 12...

Ông Lê Xuân Thủy - Phụ trách kỹ thuật Công ty Lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico) chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù nhà thầu tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu từng tuyến một nhưng do thời tiết mưa nhiều, nhất là một số tuyến chưa có mặt bằng sạch nên đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ. Riêng tuyến ống nước thô DI D600 từ hồ Bộc Nguyên về Nhà máy xử lý nước do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài dẫn đến triển khai chậm hơn. Song, thuận lợi của tuyến này là không bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề mặt bằng nên đơn vị thi công dự kiến trong vài ba tuần tới sẽ hoàn thành lắp đặt và thử áp cho 761m chiều dài tuyến ống bằng gang này.

Được biết, tuy thời gian thực thi chưa nhiều, nhưng trước yêu cầu về thời hạn kết thúc hiệp định của nhà tài trợ (30/6/2012) thì tiến độ chung của dự án vẫn chưa như mong muốn. Ngoài thời tiết mưa nhiều dẫn đến không thể chủ động trong việc khai thác cát san lấp thì vấn đề căn cơ nhất vẫn là đền bù - GPMB tại các tuyến: Tỉnh lộ 17, đoạn Hà Huy Tập - Trần Phú, phía Tây QL1A, đường Quang Trung, đường Mai Thúc Loan... còn nhiều vướng mắc khi người dân không chịu nhận tiền đền bù với lý do giá bồi thường quá thấp, hơn nữa còn phải đền bù luôn phần lịch sử để lại từ thời nâng cấp QL1A.

Trước những khó khăn khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, chủ đầu tư đã đề nghị nhà tài trợ chấp thuận cho giãn thời hạn thêm 6 tháng (kết thúc trước 30/12/2012). Nói vậy không có nghĩa các đơn vị thi công được phép chủ quan mà vẫn phải tranh thủ thời tiết thuận lợi để sớm hoàn thành việc lắp đặt và thử áp lực nước trong năm 2011 này nhằm làm cơ sở cho việc triển khai gói thầu 2 trong thời gian gần với các hạng mục chính như: công trình thu nước tự chảy tại vị trí phía Bắc hồ Bộc Nguyên, lắp bơm cấp 2 tại khu xử lý Thạch Điền, xây dựng tram bơm mới tại khu tăng áp Đại Nài, xây dựng bể chứa 2.000m3 tại trạm tăng áp Đại Nài...

Để đảm bảo tiến độ chung của dự án, nhất là với gói thầu 3 đang vào giai đoạn thi công cao điểm như hiện nay, đề nghị các hội đồng GPMB TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo và tuyên truyền, vận động người dân sớm nhận tiền đền bù để bàn giao đất cho các đơn vị thi công. "Về phía chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, thậm chí làm cả ca đêm vì mục tiêu sớm cải thiện nhu cầu dùng nước cho người dân TP Hà Tĩnh và các vùng phụ cận", Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh Võ Văn Vinh nhấn mạnh.

Dự án cấp nước TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận (giai đoạn 2) hoàn thành sẽ đảm bảo cấp nước đạt 100% số hộ nội thành và 60 - 70% số hộ ngoại thành, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các vùng lân cận như: Thạch Hưng, Thạch Đồng, Thạch Môn; hoàn thiện cấp nước cho các xã, phường như: Thạch Trung, Thạch Hạ và Thạch Linh; đảm bảo cấp nước công suất 1.000m3/ngày đêm cho Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh vào đầu năm 2012 cũng như việc cấp nước cho các khu đô thị: Bắc Nguyễn Du, Hàm Nghi, Nam Cầu Phủ...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast