Để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển: Cần có sự đồng thuận từ nhiều phía!

“Không thể đòi hỏi nhiều ở Doanh nghiệp (DN) của Hà Tĩnh khi xuất phát điểm thấp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Những thành công trong việc góp phần tăng ngân sách, GQVL cho nhiều lao động của DN trong thời gian qua là cố gắng rất lớn. Thời gian tới tỉnh sẽ có những điều chỉnh về chủ trương chính sách…”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự khẳng định với Hà Tĩnh Online nhân Ngày Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam 13-10.

Hơn 2.200 DN đến thời điểm này có thể chưa phải là con số thực chất. Nhưng nếu so với 978 DN của năm 2005 thì đây là một tín hiệu đáng mừng. Năm 2009, có 443 DN được thành lập. 9 tháng đầu năm 2010, thành lập mới 377 DN và dự kiến đến hết năm 2010 sẽ là 500 DN với tổng số vốn là 3.400 tỷ đồng; riêng Khu kinh tế Vũng Áng có hơn 90 DN và nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư nhiều tỷ USD.

Xây dựng cơ bản đang là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp Hà Tĩnh
Xây dựng cơ bản đang là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp Hà Tĩnh

Bên cạnh những DN lớn, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều DN vừa và nhỏ, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng, khoanh nuôi, chế biến nông lâm, hải sản đạt hiệu quả cao. Lần đầu tiên có mặt trong CLB thu ngân sách 1000 tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực hết mình của DN tỉnh nhà

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, phần lớn hoạt động của hầu hết DN đều thiếu tính chiến lược kinh doanh dài hạn. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng vào các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ xây dựng với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trước mắt, chưa đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật chất mang tính ổn định bền vững, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Công tác quản lý tài chính trong một số doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, số liệu báo cáo còn thiếu tin cậy. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề, tổ chức kinh doanh còn nhiều bất cập.

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh Phan Cao Thanh cho biết: "Cùng với tăng trưởng về số lượng, năng lực hoạt động của các DN cũng đã có sự cải thiện lớn. Chỉ số cạnh tranh của Hà Tĩnh liên tiếp được cải thiện về thứ hạng, năm 2007, xếp thứ 56. Đến năm 2010 giảm xuống, xếp thứ 47. Chưa thực sự nổi bật nhưng đây là một tín hiệu khả quan”.

Vẫn biết, những nguyên nhân trên do xuất phát điểm kinh tế tỉnh ta thấp, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên có nhiều yếu tố bất lợi; kết cấu hạ tầng yếu kém, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và môi trường kinh doanh đang trong thời kỳ xây dựng, hoàn thiện... Song, công bằng thì sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở đối với các DN chưa đúng mức; cán bộ quản lý DN còn thiếu và yếu; đặc biệt thủ tục hành chính còn rườm rà, việc thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp chưa thực sự được coi trọng.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tìm hướng tháo gỡ kịp thời giúp DN phát triển, Sở Kế hoạch & Đầu tư vừa tổ chức buổi tọa đàm giữa các ngành có liên quan với gần 200 doanh nghiệp. Đây là một nét mới, đồng thời khẳng định quyết tâm giúp DN phát triển thời gian tới. Chân tình, cởi mở và không né tránh các vấn đề nhạy cảm là điểm nổi bật đáng ghi nhận trong buổi tọa đàm.

Giám đốc DN Lý Ngân, ông Nguyễn Viết Ngân bày tỏ: “Phần lớn các DN đều thiếu vốn để SXKD. Việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn do có quá nhiều thủ tục. Cạnh tranh trong các DN còn thiếu lành mạnh. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp không có ý định triển khai nhưng vẫn tham gia nộp hồ sơ để “xí phần”; hạ giá thành để thắng thầu dẫn đến nhiều công trình không đảm bảo chất lượng. Đề nghị tỉnh không nên quá chú trọng về những dự án, công trình lớn mà thiếu sự quan tâm đối với các DN vừa và nhỏ”.

Dù chưa mỹ mãn nhưng công tác cải cách hành chính thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. “Trước đây muốn làm thủ tục xuất khẩu, chúng tôi phải ra tận Hải Phòng. Nay tình trạng này không còn, chỉ cần đến thị xã Hồng Lĩnh là có thể giải quyết được mọi thủ tục đỡ mất thời gian, nhưng đôi khi hệ thống mạng của ngành Hải quan gặp sự cố khiến chúng tôi phải chờ đợi. Đó chưa phải là vấn đề đáng ngại. Mặc dù đã làm được thủ tục thông quan nhưng cái khó là ở các ngành khác. Lực lượng Biên phòng nên tạo điều kiện hơn nữa trong kiểm soát hàng hóa. Với doanh nghiệp, thời gian là vàng ngọc” - Giám đốc DNTN Hoàng Anh chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, tỉnh cần tạo điều kiện trong việc cho thuê mặt bằng làm nơi tập kết các phương tiện phục vụ thi công cũng như tập kết hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp cho rằng, vấn đề cho vay vốn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cả DN lẫn cán bộ ngành. Mỗi khi cán bộ ngân hàng đến kiểm tra thì DN lại tránh.

Làm thế nào để DN tỉnh nhà phát triển không chỉ có sự cố gắng của đội ngũ DN, mà về phía cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh lại mình.

“Không đơn thuần là gặp mặt trước ngày kỷ niệm, mục đích của buổi tọa đàm là để DN và các cơ quan liên quan thực sự hiểu nhau và chia sẻ những khó khăn vướng mắc. Ý kiến trên của các DN cũng là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng kịp thời tham mưu cho tỉnh trong việc đề ra những chủ trương chính sách phù hợp” - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh kết luận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast