Để nuôi trồng thủy sản vụ Xuân Hè thắng lợi

Nuôi trồng thủy sản mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều doanh nghiệp và hàng nghìn hộ nông dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn gặp khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan...

Còn nhiều thách thức

Năm 2009, diện tích nuôi mặn lợ toàn tỉnh Hà Tĩnh hơn 2600 ha, giảm 568ha do chương trình ngọt hóa sông Nghèn và một số vùng nuôi hiệu quả thấp nên người dân chỉ thu hoạch sản phẩm tự nhiên. Các đối tượng nuôi mặn lợ chủ yếu tôm sú và tôm he chân trắng, đạt sản lượng 1.703,8 tấn. Ngoài ra, nuôi nhuyễn thể (nghêu, vẹm xanh) và một số đối tượng nuôi khác như cua, cá mú, cá chẽm, tôm hùm… diện tích 309ha, đạt sản lượng 1.749 tấn.

Nông dân Thạch Bàn (Thạch Hà) cải tạo ao đầm sản xuất vụ tôm Xuân Hè.

Nông dân Thạch Bàn (Thạch Hà) cải tạo ao đầm sản xuất vụ tôm Xuân Hè.

Phong trào nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh ở một số địa phương Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… và xuất hiện nhiều mô hình nuôi thủy đặc sản đem lại nguồn thu nhập cao cho hộ dân. Tuy nhiên, nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh đang đứng trước những khó khăn. Trước tiên là quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư xây dựng các vùng nuôi còn hạn chế. Một vài nơi phát triển nuôi thuỷ sản còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Môi trường nuôi còn ô nhiễm, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao do hệ thống thủy lợi còn tận dụng cùng với ý thức của người nuôi tự ý tháo nước thải ra môi trường khi tôm chết do dịch bệnh làm lây lan sang các khu vực khác đang là thách thức lớn đòi hỏi có sự cộng đồng trách nhiệm giữa các hộ nuôi và địa phương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại một số địa phương, nhiều hộ nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, chất lượng con giống không đảm bảo, cải tạo ao chưa kỹ là nguy cơ rủi ro cao, thiệt hại nặng nề. Con giống sản xuất tại địa phương mới đáp ứng khoảng 10% cho tôm và 50% giống thủy sản nước ngọt so với nhu cầu sản xuất vụ nuôi. Vì vậy, nguồn giống chủ yếu phải đi mua tại các tỉnh khác nên chưa chủ động được về số lượng và mùa vụ, khó kiểm soát được về chất lượng. Cơ sở trang thiết bị, nhân lực cho công tác kiểm dịch, khống chế dịch bệnh thủy sản còn nhiều khó khăn.

Giải pháp đồng bộ

Trước những khó khăn và thách thức đó, trong năm 2010 và giai đoạn tiếp theo, Hà Tĩnh xác định tập trung phát triển vùng nuôi thuỷ sản theo quy hoạch, đảm bảo theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả. Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN-PTTT cho biết, giải pháp trước mắt vẫn là xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh và phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có lót bạt, đây là một hướng tập trung cần phát triển trong năm 2010.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt, nâng cao hiệu quả các công trình đã và đang được đầu tư. Mặt khác tăng cường chỉ đạo phát triển đa dạng hóa các đối tượng nuôi, nhất là các đối tượng có giá trị xuất khẩu. Các vùng nuôi tập trung cần có kế hoạch tiêu thụ thống nhất toàn vùng để tránh bị tư thương ép giá. Đẩy mạnh công tác giám sát môi trường, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức quản lý theo hướng cộng đồng. Sản xuất giống tại chỗ, ương dưỡng nguồn giống có chất lượng từ các tỉnh khác là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Qua đó, từng bước nâng cấp và hoàn thiện các trại giống hiện có bằng chính sách hỗ trợ khuyến khích của tỉnh, đồng thời nâng cao kỹ thuật chọn giống cho người dân và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch con giống nhập vào tỉnh.

Để quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh tốt, ngay từ đầu vụ nuôi ngành chức năng đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản để gắn kết, phối hợp với địa phương tổ chức tốt công tác phòng ngừa. Tổ chức tiêu hủy và xử lý đúng quy trình kỹ thuật các vùng, các điểm mới phát sinh dịch bệnh nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát. Ngoài việc phát triển con tôm sú là chủ yếu, tận dụng ưu thế từng vùng để phát triển nghêu, sò, hến, cua; thủy sản nước ngọt, v.v… Thực hiện tốt lịch thời vụ, tăng cường hoạt động khuyến ngư.

Triển khai đề án thực hiện NTTS vụ Xuân Hè năm 2010, ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo ngành NN-PTNT phải tham mưu kịp thời cho tỉnh về quy hoạch sau khi chuyển đổi ruộng đất, trong đó quan tâm đến NTTS mặn lợ, đặc biệt là nuôi tôm. Sử dụng nguồn vốn từ chương trình 224 của Trung ương để đầu tư tại các vùng nuôi thâm canh đã được quy hoạch, đồng thời giao đất và cho thuê đất đảm bảo để người dân yên tâm đầu tư vào lĩnh vực NTTS. Ngoài ra, các huyện, thị cần cụ thể hóa đề án của ngành sát đúng với điều kiện thực tế của địa phương để chủ động triển khai…

Những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành và nhân dân địa phương thì nuôi trồng thủy sản vụ Xuân Hè sẽ thắng lợi toàn diện và đạt được mục tiêu phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast