Để sông Nghèn tỏa nước khắp dòng kênh…

Cống Đò Điệm hoàn thành, con sông Nghèn mặn chát từ bao đời đã bị chinh phục. Nước sông Nghèn đã được ngọt hóa nhưng hàng ngàn hộ dân vùng Lộc Hà vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngửa cổ chờ trời để chắt từng giọt mưa phục vụ sản xuất và dân sinh chỉ với lý do hết sức đơn giản là chưa có hệ thống kênh trục để dẫn nước về. Yêu cầu đó một lần nữa giục giã những người làm công tác thủy lợi tỉnh nhà bắt tay vào trận địa mới với không ít khó khăn, phức tạp.

Là tư lệnh trên mặt trận thủy lợi tỉnh nhà, hơn ai hết, ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thấu hiểu ước mơ ngàn đời của người dân vùng hạ Can Lộc, Bắc Thạch Hà và 6 xã vùng ven biển Lộc Hà là có một công trình thủy lợi đủ tầm để tưới tắm cho vùng đất tử địa “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” này.

Chỉ khi có hệ thống kênh trục, nước ngọt từ thượng lưu cống Đò Điệm mới phát huy tác dụng tưới cho hàng ngàn héc ta đất sản xuất vùng "tử địa" Lộc Hà. Ảnh: VH

Chỉ khi có hệ thống kênh trục, nước ngọt từ thượng lưu cống Đò Điệm mới phát huy tác dụng tưới cho hàng ngàn héc ta đất sản xuất vùng "tử địa" Lộc Hà. Ảnh: VH

Bởi thế, từ những năm đầu thập niên 2000, khi chủ trương xây dựng cống Đò Điệm trên sông Nghèn được chấp thuận, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã khéo léo trình thêm vào đó dự án đầu tư hệ thống kênh trục sông Nghèn. Tuy nhiên, do thời điểm đó, nguồn vốn có hạn, nên Bộ NN&PTNT chỉ đồng ý đầu tư cống Đò Điệm trước và gác dự án đầu tư hệ thống kênh trục sông Nghèn mãi đến tháng 10 – 2009 vừa qua mới phê duyệt lại.

Theo Quyết định 2906/QĐ-BNN-XD ngày 13 – 10 – 2009 của Bộ NN&PTNT, với hai cụm hạng mục công trình chính là cống Đức Xá (Đức Thọ) và hệ thống kênh cùng các công trình trên kênh, Dự án kênh trục sông Nghèn có nhiệm vụ: hỗ trợ tưới cho 12.183 ha đất canh tác ven sông Nghèn gồm các xã vùng hạ Can Lộc, Bắc Thạch Hà và 6 xã ven biển của huyện Lộc Hà (Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Bắc, Thạch Mỹ, Mai Phụ và Thạch Kim).

Được Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tin tưởng, Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC) và Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh trở thành các liên danh khảo sát, thiết kế - bản vẽ thi công dự án.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Quốc Hùng cho biết, hệ thống kênh trục sông Nghèn không chỉ làm nhiệm vụ chuyển tải nguồn nước tưới mà còn có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho hàng ngàn ha trong vùng. Do hệ thống kênh trục nằm trên vùng đất rộng lớn, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn hết sức phức tạp nên ngày từ khi đặt đầu bài cho Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị tư vấn phải dày công nghiên cứu, khảo sát thực tế kỹ lưỡng trên nhiều tiêu chí như: vùng tưới, lưu vực tiêu, hướng các tuyến kênh trục, vị trí các trạm bơm, khảo sát địa chất – địa hình – thủy văn dòng chảy… nhằm đưa công trình đạt được hiệu quả cao nhất.

Xác định trọng trách được giao, từ cuối năm 2009 đến nay, tập thể cán bộ, kỹ sư Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã tập trung trí tuệ, dồn sức vào việc thiết kế thi công công trình. Nhận thấy, giai đoạn thiết kế kỹ thuật – bản vẽ thi công không chỉ dựa vào các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật từ dự án đầu tư mà phải được xem xét, đánh giá lại một cách chính xác, cụ thể hơn trên cơ sở khảo sát hiện trường và tổng hợp ý kiến góp ý của người dân vùng hưởng lợi, tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với chính quyền, người dân các xã có tuyến kênh đi qua để tìm được sự đồng thuận giữa các bên liên quan.

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh phấn khởi chia vui: "Với cách tiếp cận “lấy dân làm gốc” trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân tình từ lãnh đạo và nhân dân các địa phương vùng hưởng lợi nên nhiều tuyến kênh trục, vị trí đặt trạm bơm đã được điều chỉnh kịp thời, hợp lý hơn so với giai đoạn dự án đầu tư (làm năm 2000)".

Sau hơn 4 tháng miệt mài lao động, đến nay, việc thiết kế - bản vẽ thi công Dự án hệ thống kênh trục sông Nghèn đã cơ bản hoàn thành khi đã xác định xong các tuyến kênh chính gồm: kênh hạ Can, kênh Hữu Ninh, kênh Vĩnh Tuy, kênh Cổ Ngựa, kênh Thịnh Lộc, kênh Thạch Mỹ, kênh Thạch Kim.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đang đặt ra cho đơn vị tư vấn là địa chất công trình. Theo khảo sát, đánh giá nền địa chất cho thấy, vùng Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Bắc, Thạch Mỹ ở dưới cao độ +0,00m là vùng cát chảy (hiện tượng cát trôi do mực nước ngầm cao). Vì thế, xưa nay, trong vùng chưa hề có một ao hồ hay tuyến kênh mương nào có độ sâu đạt -0,5 m. Thực tế đó cho thấy, với hệ thống kênh trục vùng Lộc Hà có tổng chiều dài 40 km và độ sâu đáy ở cao trình -2 m (như thiết kế cơ sở) nếu không có giải pháp công trình thích hợp, biện pháp thi công phù hợp thì sẽ khó đạt được hiệu quả tối ưu.

Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm thiết kế các công trình thủy lợi trên địa bàn trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh sẽ nỗ lực vượt qua thách thức tạm thời để đưa tiến độ thiết kế công trình về đích đúng kế hoạch (phấn đấu trong tháng 5).

Cống Đò Điệm đã dệt nên kỳ tích trên sông Nghèn. Giờ đây, với hệ thống kênh trục sông Nghèn, những người làm công tác thủy lợi tỉnh nhà cũng đang đặt những viên gạch đầu tiên để dệt nên một kỳ tích mới – xây kênh mương trên vùng cát chảy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast