Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế!

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại các huyện Kỳ Anh , Cẩm Xuyên, Hương Khê làm hơn 13 nghìn gia cầm ốm chết và buộc phải tiêu hủy gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Sau gần một tháng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nỗ lực của ngành chuyên môn cùng với chính quyền các địa phương đến nay dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế.

Kỳ Trinh (Kỳ Anh) là địa phương đầu tiên phát hiện cúm gia cầm sau đó lan rộng ra các xã Cẩm Duệ, Cẩm Hòa, Cẩm Yên, Cẩm Quang ( Cẩm Xuyên) và xã Hương Long ( Hương Khê). Theo giới chuyên môn thì nguyên nhân xẩy ra dịch cúm gia cầm chủ yếu do thời tiết khắc nghiệt, mưa rét kéo dài tạo điều kiện cho mầm bệnh trong môi trường phát sinh. Mặt khác trong năm 2011 đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh không được tiêm phòng bệnh cúm vì không có vácxin….

Ngay sau khi phát hiện dịch cúm gia cầm tỉnh tập trung cao cho công tác phòng chống dịch. Theo đó, hàng loạt chỉ thị, công điện và quyết định của UNND tỉnh được ban hành nhằm triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả. Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng lãnh đạo Sở NN- PTNT nhiều lần trực tiếp xuống vùng dịch đi kiểm tra và chỉ đạo sát sao tại các vùng xẩy ra dịch bệnh.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại xã Thach Vĩnh - Thạch Hà
Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại xã Thach Vĩnh - Thạch Hà

Ngành chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, các địa phương lập các chốt chặn nhằm khống chế không cho dịch lây lan ra diện rộng, các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không buôn bán, vận chuyển , giết mổ gia cầm khi đang có dịch. Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh luôn bám sát địa bàn theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh tại cơ sở, báo cáo và xử lý nhanh khi phát hiện ổ dịch mới.

Từ ngày 7-2 đến nay, tổng số gia cầm bị mắc bệnh cúm A ( H5N1) bị ốm, chết, buộc phải tiêu hủy 13.246 con, trong đó 5.274 gà, 7.800 vịt, 172 ngan, bồ câu của 33 hộ (Cẩm Xuyên 9.845 con; Hương Khê 703 con; Kỳ Anh 2.698 con).

Trong thời gian xẩy ra dịch cúm gia cầm, Chi cục Thú y kịp thời cấp 2.142 lít hóa chất và 29,1 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng vùng dịch và phân bổ 13.100 lít hóa chất để các địa phương thực hiện đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trên toàn tỉnh. Để công tác dập dịch hiệu quả, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm bị dịch tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định. Mặc dù nguồn vác xin cúm gia cầm hiện nay rất khó khăn nhưng Chi cục Thú y vẫn liện hệ với Cục Thú y Trung ương hỗ trợ 1.200.000 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1. Ngay sau đó, các địa phương trên đồng loạt tổ chức tiêm bao vây các ổ dịch và vùng nguy cơ cao với 585.011 con gia cầm. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch, buôn bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương.

Theo ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tiêm vắc xin cho đàn gia cầm thuộc vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng có nguy cơ cao, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch. Từ 29 -2 đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới và không có gia cầm ốm, chết phải tiêu hủy thêm. Có thể nói dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, trong thời gian tới thời tiết mưa rét kéo dài sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh, nguy cơ xẩy ra các ổ dịch mới là rất có thể. Vì vậy, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời liện hệ với Công ty cung ứng tiếp nhận 300.000 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1 đểtiếp tục tiêm cho số gia cầm chưa được tiêm phòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast