Dịch sâu cuốn lá nhỏ: Chủ động phát hiện sớm để xử lý triệt để!

Sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên cây lúa là lẽ tự nhiên. Song, việc bùng phát thành dịch trong gần hai tuần qua thì chỉ vụ hè thu này mới có. Dẫn đến hiện tượng này, ngoài yếu tố thời tiết còn do tâm lí chủ quan của người nông dân vốn thấy lúa đương xanh tốt đã không kịp thời phòng ngừa khi sâu còn tuổi nhỏ...

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, tính đến ngày 25 - 6, toàn tỉnh đã có 9.126 ha lúa hè thu bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, rải đều ở 12 huyện, thành, thị nhưng tập trung nhiều nhất ở các địa phương như: Cẩm Xuyên 2.500 ha, Đức Thọ 2.200 ha, Can Lộc 1.345 ha, Thạch Hà 1.200 ha, thị xã Hồng Lĩnh 450 ha, Kỳ Anh 400 ha...; mật độ sâu trung bình 50 - 70 con/m2, nơi cao từ 150 - 300 con/m2, cá biệt có nơi mật độ trên 500 con/m2.

Phun thuốc BVTV phòng chống dịch sâu trên trồng vụ hè thu
Phun thuốc BVTV phòng chống dịch sâu trên trồng vụ hè thu

Qua quan sát của cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV) các địa phương cho thấy, chỉ ít ngày sau đợt mưa lớn gây lụt cục bộ ở một số địa phương, sâu cuốn lá nhỏ bắt đầu hình thành, từ ngày 12-14 - 6, sâu non bắt đầu rộ lên và đạt độ tuổi 1, tuổi 2, đến thời điểm này thì đa phần đã thành nhộng để kết thúc lứa 1 và chuẩn bị khởi phát lứa 2.

Kỹ sư Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh cho biết, việc sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên cây lúa là lẽ tự nhiên nhưng khác với các vụ hè thu trước, năm nay, sâu xuất hiện sớm hơn.

Có 2 nguyên nhân giải thích cho vấn đề này.

Một là, vụ đông xuân 2009 - 2010 kết thúc sớm hơn dự kiến, cộng với giai đoạn thu hoạch thời tiết rất thuận lợi nên bà con đã gặt sớm hơn, đo đó, tiến hành gieo cấy lúa hè thu sớm hơn.

Thứ hai là sau đợt mưa lớn vào ngày 2 - 6 đã gây úng ngập cục bộ làm cho môi trường có sự thay đổi đột ngột nên hình thành kiểu khí hậu nóng - ẩm; theo đó, đồng ruộng từ khô khén cũng chuyển sang ẩm ướt nên rất thuận lợi cho sâu cuốn lá đẻ trứng và nở con.

Do sâu phát sinh vào thời điểm lúa còn non, lượng thức ăn ít nên diễn biến gây hại khá nhanh. Những diện tích chậm được phát hiện và phòng trừ bằng thuốc hóa học không hiệu quả đã bị trắng lá.

Việc chậm phát hiện sâu cuốn lá nhỏ là do tâm lí bà con nhìn thấy lúa xanh nên chủ quan không kiểm tra kỹ dẫn đến không xử lý kịp thời; trong trường hợp chần chừ phun phòng thì sẽ trở tay không kịp do áp lực sâu lớn vì thiếu thức ăn.

Thực tế công tác phòng chống dịch sâu cuốn lá nhỏ thời gian qua ở một số địa phương đã cho thấy, nơi nào phát hiện sớm, xử lý triệt để thì ruộng bị sâu phá vẫn còn xanh và ngược lại.

Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống dịch nên đã hạn chế rất nhiều thiệt hại do sâu cuốn lá nhỏ gây ra.

Liên quan đến việc một số hộ dân cho rằng, dù đã phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng sâu không chết, kỹ sư Thanh khẳng định: một là do phun khi sâu đã lớn tuổi (tuổi 4, tuổi 5), sức kháng thuốc của sâu tăng lên nên hiệu lực của thuốc bị giảm sút rất nhiều; hai là pha thuốc không đúng nồng độ (pha loãng quá) và phương pháp phun không khoa học (phun vào thời điểm năng nóng, gió Lào thổi mạnh, ẩm độ đồng ruộng thấp).

Từ thực tế này, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện việc phòng ngừa sâu theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc (chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV nằm trong danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng như: Ammate 30WG, Ammate 150SL, Proclaim 1.9EC, Angul 5WDG, Tasieu 1.9EC, Dylan 2EC...), đúng giai đoạn (khi sâu còn nhỏ nên dễ mẫn cảm với thành phần thuốc), đúng nồng độ và liều lượng (theo hướng dẫn sử dụng in trên nhãn thuốc hoặc văn bản hướng dẫn của ngành chức năng) và đúng thời điểm (phun vào những lúc trời mát, gió nhẹ, ẩm độ lớn, tức là vào tờ mờ sáng hoặc nhá nhem tối).

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, sâu hại sớm thì năng lực phục hồi sẽ cao hơn. Để khôi phục những diện tích bị sâu cuốn lá lứa 1 gây hại trong thời gian qua, biện pháp tiên quyết lúc này là phải duy trì lượng nước hợp lý trên từng chân ruộng kết hợp với chăm bón đầy đủ dưỡng chất, nếu có điều kiện thì nên bổ sung phun qua lá nhằm tạo điều kiện để lúa hồi phục nhanh.

Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán bắt đầu gia tăng như hiện nay, việc khôi phục thiệt hại ở những vùng không chủ động nước sẽ không dễ gì thực hiện được.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời điểm trưởng thành sâu cuốn lá lứa 2 sẽ rộ vào khoảng 30 - 6 tới, đối với sâu non tuổi 1, tuổi 2 sẽ rộ lên từ ngày 5-10 - 7 (tức là sẽ rơi vào giai đoạn các trà lúa đẻ nhánh rộ và chuẩn bị phân hóa đòng).

Để tránh bị động, lúng túng trong việc phòng, chống dịch, ngay lúc này, các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, cảnh báo kịp thời để xử lý dứt khoát khi sâu còn nhỏ.

Bên cạnh sâu cuốn lá, hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã phát sinh, gây nhiễm trên 930 ha lúa hè thu (tập trung ở các huyện: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà và Thạch Hà).

Để tránh hiện tượng rầy gây cháy lúa, nhất là phòng bệnh lùn sọc đen, các địa phương cần duy trì mực nước trên đồng ruộng ở mức từ 3 - 5cm trở lên, đồng thời tiến hành phun trừ khi rầy tuổi nhỏ bằng các loại thuốc hóa học nhóm nội hấp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast