“Điện, than không phải muốn tăng giá bao nhiêu cũng được”

Để theo thị trường, giá điện có thể được đề nghị tăng tới 30- 40% nhưng Cục trưởng Cục quản lý giá cho rằng, nếu thị trường hóa ngay như vậy thì rất nhiều ngành sẽ không chịu nổi.

Trước Tết Nguyên đán luôn là thời điểm mà các ngành hàng chưa theo thị trường như điện, than, v.v… bàn tính chuyện tăng giá cho năm mới. Sau câu chuyện của ngành xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính đã tiếp tục trao đổi với VEF xung quanh áp lực tăng giá năm 2011.

Nhiều ngành không chịu nổi nếu giá điện, than theo thị trường ngay

PV: Thưa ông, vừa qua, các doanh nghiệp điện, than, xăng dầu đều quyết liệt xin tăng giá theo thị trường. Đến nay, kế hoạch tăng giá năm 2011 đã được Bộ bàn tính thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không phải, cứ nói theo cơ chế thị trường là các doanh nghiệp muốn tính tăng thế nào cũng được, muốn tăng bao nhiêu cũng được. Ở đây, còn có rất nhiều lợi ích đan xen trong đó mà chúng ta phải tính.

Nếu tự do thị trường, cho tất cả điện, than, xăng dầu thị trường một lúc thì rất nhiều ngành sẽ không chịu nổi, vì sức cạnh tranh với quốc tế của doanh nghiệp trong nước còn kém.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Nhà nước với vai trò điều khiển chung sự phát triển nền kinh tế sẽ phải tính toán việc tăng giá áp dụng vào thời gian nào là hợp lý, mức độ tăng bao nhiêu để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 là 7%. Việc xử lý giá những mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế cần tính toán rất kỹ.

PV: Thưa ông, đề xuất của Tập đoàn than là tăng giá 40-45% cho điện, bằng mức giá thành 2010 và tăng giá 30% cho xi măng, phân bón, giấy. Ý kiến của ông như thế nào?

- Thủ tướng đã có chỉ đạo là than bán cho 4 hộ xi măng, phân bón, giấy, điện sẽ theo lộ trình tăng giá của 4 mặt hàng đó. Còn than bán cho các hộ tiêu dùng lẻ khác sẽ bằng 90% giá xuất khẩu.

Với tinh thần đó, chúng tôi đang dự kiến đề nghị là chí ít, giá than bán cho điện, xi măng năm nay sẽ bằng giá thành của năm 2009 mà kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán.

Nghĩa là, giá than tăng đối với điện, xi măng, phân bón, giấy sẽ là vào khoảng trên 20% một chút thôi. Đó là giới hạn tối đa để chúng tôi xem xét.

Chúng tôi đang chờ Bộ Công thương gửi các phương án giá than sang thì mới tính toán được mức tăng cụ thể.

Không thể tăng giá điện tới 1.400-1.500 đồng/kWh

PV: Về giá điện năm 2010, Bộ Tài chính đã ủng hộ phương án cao thứ 3 của EVN, tăng hơn 10%, nhưng Chính phủ chỉ phê duyệt tăng 6,8%. Tuy nhiên, năm 2011, đã ý kiến cho rằng, nếu theo thị trường thì giá điện có thể được đề nghị tăng tới hơn 30%. Ông nghĩ sao về mức tăng này?

Giá điện năm 2011 sẽ phải tăng ở mức phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế(theo hanoipc)

Giá điện năm 2011 sẽ phải tăng ở mức phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế(theo hanoipc)

- Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được các phương án cụ thể về việc tăng giá điện để thẩm định. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, tư tưởng của Bộ Tài chính là nhất quán điều hành giá điện thực hiện theo lộ trình thị trường.

Vấn đề quan trọng là thời gian nào, mức độ nào để áp dụng?

Trong đó, nổi cộm nhất là chúng tôi sẽ phải tính kỹ tác động giá đầu vào của ngành điện như chênh lệch tỷ giá những năm vừa qua, giá than, giá khí tăng cho điện.. bao nhiêu, giá dầu tăng ra sao khi phụ thuộc giá thế giới, rồi việc đàm phán mua điện của Trung Quốc, của các dự án điện BOT như thế nào?

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lương cho hay, Bộ Công thương dự kiến tăng giá điện hàng quí. Vào mùa mưa, thủy điện dồi dào thì giá điện tăng ít hơn, còn nếu vào mùa khô, thủy điện cạn kiệt, hoặc phải tăng nguồn nhiệt điện than, khí, đổ dầu phát điện thì giá điện tăng cao hơn.

Năm 2009, giá điện bình quân tăng 8,92%,tương ứng mức 948,5 đồng/kWh. Năm 2010, giá điện bình quân tăng 6,8%, bình quân 1.058 đồng/kWh. Giá bán điện bình quân thực hiện được của EVN năm 2010 đạt 1.060,63 đồng/kWh, cao hơn 2,93 đồng/kWh so với giá bình quân đã phê duyệt.

Những năm qua, dựa trên tổng hòa cơ cấu giá của nguồn thủy điện, nhiệt điện, nguồn mua ngoài của Trung Quốc, mua của nhà máy BOT mà chúng tôi tính ra giá điện bình quân mới, nhưng đó là mức giá tính trên kế hoạch.

Nhưng thực tế mỗi năm, tình hình khách quan tác động với giá điện rất khác so với kế hoạch, điển hình là năm 2010 vừa qua. Do hạn hán, thủy điện sụt giảm sản lượng rất lớn trong khi, đây là nguồn có giá rẻ nhất.

Năm 2011, theo dự báo thời tiết, hạn hán còn rất phức tạp, tỷ trọng nguồn thủy điện giá rẻ trong cung ứng điện có thể sụt giảm nên giá điện 2011 sẽ phải được tính toán trên hiện trạng đó.

Tôi nghĩ rằng, dù giá điện được đề nghị tăng hơn 30%, hay mấy chục phần trăm, thì khi có phương án chính thức gửi sang, chúng tôi sẽ rà soát cụ thể, làm thế nào đảm bảo lộ trình tăng giá điện ấy ít ra cũng có thể bù đắp các chi phí đầu vào theo kế hoạch của ngành điện. Đồng thời, tất cả các ngành sử dụng điện có thể đảm bảo được sức cạnh tranh trong nước và thế giới.

PV: Giờ, mới có Hiệp hội năng lượng chính thức đề nghị tăng giá điện lên 48%, lên mức 1.400-1500 đồng/kWh. Ông có đánh giá thế nào?

- Đề xuất đó của Hiệp hội Năng lượng là dựa trên việc cân đối mà tôi cho là còn tùm lum, chưa rõ, nhưng có thể, đó là một tương lai giá điện Việt Nam sẽ phải như thế.

Hiệp hội có thể nói rằng, do giá điện các nước như thế, thì muốn ngành điện phát triển bình thường phải để cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy giá điện của Việt Nam là được, thì mới vào đầu tư, hoặc các tổ chức trong nước có vốn thì vào đầu tư.

Nhưng có phải ngay một lúc mà mình làm được như vậy đâu?

PV: Năm qua, thiếu điện rất trầm trọng và năm 2011 còn có thể thiếu điện gấp 3-4 lần năm nay. Cái lý mà EVN đưa ra giá điện thấp, thiếu vốn? Ông nghĩ sao?

- Thực sự, năm 2010, ngành điện khó khăn thực sự. Do tác động chênh lệch tỷ giá do ta mua điện của nhà máy BOT tính bằng USD hòa đồng vào, cộng với sự sụt giảm của thủy điện nên ngành điện âm 22.500 tỷ đồng. Giờ, để giúp ngành điện phát triển là rất khó.

Nếu giữ mãi giá điện như hiện nay, vẫn phải bù chéo thì tôi cho rằng, việc khuyến khích tiết kiệm sử dụng điện là có vấn đề, nâng cao hiệu quả sử dụng điện là có vấn đề. Nhiều nước tính 0,2- 0,3kWh là cho ra 1 đồng GDP, còn Việt Nam thì là hơn 2kWh mới cho ra 1 đồng GDP.

Việc thiếu điện là do tổng sơ đồ điện có vấn đế về đầu tư nguồn, mạng, lưới, cả hệ thống. Giá như, nền kinh tế cho phép làm kinh tế thị trường như Hiệp hội Năng lượng nói thì FDI vào ngành điện cũng sẽ có lợi, họ sẽ đầu tư vào nguồn, lưới và phần cung ứng điện sẽ khá hơn.

Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast