Diệt trừ triệt để, nhanh gọn rầy nâu để bảo vệ năng suất lúa đông xuân

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh, từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ trung bình từ 28 – 350C có những ngày nắng nóng 36 - 38oC, ẩm độ không khí thấp và có mưa rào nên thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển nhưng cũng tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại phát triển mạnh.

Hiện nay, lúa trà xuân sớm, xuân trung giai đoạn trổ rộ - chín sữa, trà xuân muộn dự kiến sẽ trổ sau 25/5, cá biệt có một số diện tích gieo cấy lại sau rét sẽ trổ sau 30/5; đối với cây lạc, trà lạc đồi bãi vùng Hương Sơn, thượng Đức Thọ giai đoạn vào chắc, trà lạc muộn giai đoạn phát triển củ.

Tuy nhiên, các đối tượng sâu, bệnh như: rầy nâu, khô vằn, đỏ đuôi lươn đang phát sinh và gây hại. Đối với rầy râu, diện tích nhiễm bệnh toàn tỉnh hiện là 1.750 ha, trong đó Cẩm Xuyên 900 ha, Thạch Hà 500 ha, Lộc Hà 22 ha, Can Lộc 233 ha, Đức Thọ 50 ha, TX Hồng Lĩnh 29 ha, Hương Sơn 15 ha; mật độ rầy trung bình 2.000 – 3.000 con/m2, nơi cao 8.000 – 10.000 con/m2, cá biệt có những ổ rầy mật độ từ 15.000 – 20.000 con/m2; cục bộ đã có hiện tượng cháy lúa và có nguy cơ thành dịch trên diện rộng như: Cẩm Trung (Cẩm Xuyên), Thạch Khê, Thạch Văn (Thạch Hà), Tùng Lộc (Can Lộc)…

Sử dụng thuốc hóa học đúng cách là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ rầy nâu đang bùng phát và gây hại mạnh như hiện nay
Sử dụng thuốc hóa học đúng cách là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ rầy nâu đang bùng phát và gây hại mạnh như hiện nay

Dự báo rầy lứa 3 sẽ gây cháy trong khoảng 25/5 - 10/6 nếu không phòng trừ tốt ngay từ thời điểm này.

Ngoài rầy, Hà Tĩnh hiện có 6.805 ha lúa đông xuân bị nhiễm bệnh khô vằn, tỷ lệ trung bình 10 – 15%, nơi cao 25% và dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, xen kẻ mưa rào tạo độ ẩm đồng ruộng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh trên diện rộng.

Bên cạnh đó, bệnh sinh lí (đỏ đuôi lươn) cũng gia tăng với 130 ha bị nhiễm, tỷ lệ trung bình 7 – 15 %, nơi cao 20 – 25 %, chủ yếu tập trung tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ trên giống IR1820 ở những vùng sâu trũng, đất chua phèn.

Vụ sản xuất đông xuân 2010 – 2011 là vụ sản xuất chính trong năm, đồng thời là vụ sản xuất đầu tiên, bà con nông dân Hà Tĩnh tập trung khôi phục sản xuất sau hậu quả nặng nề của hai trận lũ lịch sử tháng 10/2010.

Nhằm bảo vệ tốt diện tích cây trồng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu lứa 3 gây ra, nhất là trên lúa đông xuân, ngành BVTV Hà Tĩnh khuyến nghị các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn (phòng NN&PTNT, Trung tâm ứng dụng chuyển giao KHCN) phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn huy động tối đa cán bộ bám sát cơ sở nắm chắc diễn biến của rầy, mật độ rầy ở các vùng, trong đó đặc biệt lưu ý với các giống như: IR1820, nhóm giống X để xác định mật độ rầy cần phòng trừ (trên 1.500 con/m2/lứa 3).

Đồng thời với đó là tiến hành cắm vè, hướng dẫn và tổ chức cho nhân dân phòng trừ kịp thời từ 20 – 30/5; chỉ đạo diệt trừ triệt để, nhanh gọn tại các ổ dịch có mật độ rầy cao bằng biện pháp hóa học; trích kinh phí dự phòng để mua thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ phun thuốc hỗ trợ những đối tượng khó khăn dập dịch kịp thời, kiên quyết không để sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng.

Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo các địa phương ở Hà Tĩnh chỉ đạo bà con nông dân đảm bảo đủ nước cho lúa trổ bông và nâng cao hiệu lực của thuốc hóa học trừ rầy; chủ động phát hiện, phòng trừ các loại sâu bệnh khác như: bệnh khô vằn, sâu đục thân, lùn sọc đen, bệnh sinh lý hại lúa, sâu khoang…; thường xuyên thông tin về tình hình sâu bệnh hại trong vụ đông xuân ở địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh để nông dân biết, tích cực chủ động phòng trừ.

Vụ đông xuân 2010 – 2011, tuy sản xuất trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do đồng ruộng bị đất, cát bồi lấp, hệ thống kênh mương thủy lợi nhiều nơi bị phá hỏng do lũ lụt hoành hành, đặc biệt là rét đậm, rét hại kéo dài làm cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, song, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan, đặc biệt là nỗ lực của bà con nông dân tỉnh nhà nên diện tích các loại cây trồng vẫn đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch đề ra.

Tuy thu hoạch muộn hơn vài tuần so với hàng năm nhưng những thành quả mà chúng ta chuẩn bị gặt hái có ý nghĩa quan trọng trong năm đầu tiên của kỳ kế hoạch mới 2011 - 2016. Vì thế, không có lý do gì chính quyền và bà con nông dân lại để sâu, bệnh cướp mất trong tình thế chúng ta hoàn toàn kiểm soát và chủ động xử lý!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast