Doanh nghiệp Hà Tĩnh đang có môi trường hoạt động thuận lợi

Có thể khẳng định sự bứt phá rõ nét của nền kinh tế Hà Tĩnh trong những năm gần đây là mảnh đất giàu tiềm năng và cơ hội cho hoạt động doanh nghiệp (DN) phát triển. Tuy nhiên, dẫu đường rộng đã mở, DN tỉnh nhà vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn của một lực lượng đầu tàu trong nền kinh tế. PV Hà Tĩnh Online đã có cuộc trao đổi với vị lãnh đạo luôn gắn bó và tâm huyết với DN - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự về những trăn trở đó.

- Đánh giá của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy Hà Tĩnh có lợi thế về sự năng động của đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Lợi thế này đã mang lại cho DN môi trường hoạt động như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Kim Cự: Môi trường để phát triển không chỉ cho DN, mà tất cả các thành phần kinh tế phải dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Xây dựng hạ tầng cơ sở lại bắt đầu từ công tác quy hoạch. Tỉnh đã coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Tập đoàn Monitor của Mỹ có mặt tại Hà Tĩnh trong những năm qua đang giúp chúng ta thực hiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược đến năm 2050. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có quy hoạch khu, cụm công nghiệp; quy hoạch vùng miền; quy hoạch phát triển kinh tế ven biển; quy hoạch rừng; quy hoạch đất đai… Đây chính là những con đường rộng được mở để DN tìm cơ hội phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH chế biến gỗ và thương mại Hào Quang
Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH chế biến gỗ và thương mại Hào Quang

Có thể nhìn cơ hội lớn cho phát triển DN từ các dự án lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực đã và đang được tích cực triển khai. Đây là môi trường “kéo” và “đẩy” cho đội ngũ DN phát triển. Vốn và cơ chế được “rót” về Hà Tĩnh cũng nhờ những dự án này. Như năm 2011 này, lạm phát làm nguồn vốn đầu tư nhiều nơi bị cắt giảm nhưng riêng Hà Tĩnh, các công trường lớn nhỏ vẫn rộn rịp.

Cũng không nhiều địa phương mà việc phát triển DN được coi là nhiệm vụ thường xuyên và được đặc biệt quan tâm như Hà Tĩnh. Hàng tuần tỉnh nắm chắc tình hình, kết quả qua Ban đổi mới và phát triển DN, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN một cách phù hợp, hiệu quả cho từng giai đoạn... Tôi nghĩ, DN tỉnh nhà đang có một môi trường hoạt động rất tốt trong thời điểm hiện nay.

- Thưa ông, liệu DN có tiếp cận một cách thuận lợi và phát huy được những lợi thế đó?

Ông Võ Kim Cự: Phải nói rằng cho đến nay, cơ chế chính sách để phát triển DN đã khá đồng bộ. Chi phí đầu tư hỗ trợ của tỉnh dành cho thành phần kinh tế quan trọng này đã lên đến đến nhiều tỷ đồng. Chủ trương trên là vậy, nhưng thẳng thắn mà nói thì không phải không có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Hạch sách, nhũng nhiều, gây phiền hà là những hạn chế ở một số cơ quan công quyền đã gây không ít khó khăn cho DN; từ đó khiến niềm tin của DN đối với chính quyền bị giảm sút. Vấn đề này từ tỉnh đến huyện, xã, phường còn có những hạn chế thiếu sót.

Đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) cho thấy, nhiều ý kiến DN Hà Tĩnh phàn nàn về thủ tục vay vốn; các thủ tục hành chính; nguồn nhân lực; tiếp cận đất đai... Đây là những nhận định hết sức khách quan mà chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và thay đổi để tiếp tục cải thiện môi trường hoạt động của DN và cũng là môi trường thu hút đầu tư của tỉnh nhà.

Công ty CP XD - TM Xuân Hồng, một trong những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Công ty CP XD - TM Xuân Hồng, một trong những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh trên địa bàn huyện Kỳ Anh.

- Tỉnh ta có 3.357 DN & HTX, trong đó tỷ lệ đơn vị khá giỏi chỉ chưa đầy 20%, yếu kém từ 15-20%. Số còn lại nằm ở mức trung bình. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Ông Võ Kim Cự: Bên cạnh những thuận lợi đã nói ở trên thì không phải DN không có những khó khăn. Xuất phát điểm về kinh tế tỉnh ta còn thấp. Cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn đang trong tốp đầu của tỉnh nghèo cả nước. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiên nhiên khắc nghiệt. Song, căn nguyên lại ở chỗ, phần lớn các DN chưa nhận thức được một cách đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực tới nền kinh tế trong nước và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh dài hạn. Không có chiến lược đương nhiên là không thể có kế hoạch về vốn và nguồn nhân lực. Và, có không ít doanh nghiệp làm ăn theo lối chụp giật, chỉ tính lợi ích trước mắt mà không chú trọng hiệu quả bền vững. Đó là chưa kể đến công tác quản lý tài chính, kỹ thuật, nhân sự không chuyên nghiệp, chủ yếu dựa trên… chủ nghĩa kinh nghiệm mà không theo một trình tự bài bản nào cả. Và, như thế ít doanh nghiệp khá, giỏi cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên.

- Thưa ông, ông nghĩ gì khi trục tam giác: Hội DN nhỏ và vừa, Hội DN trẻ, CLB nữ doanh nhân không ở thế “kiềng 3 chân” như kỳ vọng của nhiều DN. Vậy nên làm như thế nào và bắt đầu từ đâu?

Ông Võ Kim Cự: Tôi đã đi nhiều tỉnh thành, dự rất nhiều cuộc hội thảo của Hội DN nhỏ và vừa, Hội DN trẻ với tâm huyết xây dựng những tổ chức hội mạnh, thể hiện tiếng nói và khẳng định vai trò của DN trong mọi hoạt động. Bởi vậy, tôi thực sự trăn trở trước kết quả hoạt động của các tổ chức hội DN tỉnh ta trong thời gian qua. Tỉnh đã có chủ trương sẽ kiện toàn lại các tổ chức này dưới tập hợp chung là Hội DN. Mặt bằng xây dựng trụ sở, kinh phí hoạt động của tổ chức này sẽ được tỉnh quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên điều quan trọng nữa là cần sự sắp xếp, tổ chức thực sự khoa học, hiệu quả. Đặc biệt là phải có những người đầu tàu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tâm huyết và trách nhiệm để mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của Hội DN.

- Hà Tĩnh là địa phương “hút” nhiều dự án lớn trong thời gian qua, với sự có mặt của những DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy làm thế nào để DN tỉnh nhà có thể hòa nhập và không trở nên “lép vế”? Thưa ông?

Ông Võ Kim Cự: Thử suy nghĩ xem việc “hút” nhiều dự án và nhà đầu tư lớn trong nước, đặc biệt là nước ngoài chúng ta được những gì? Công nghệ tiên tiến, phương thức sản xuất tiên tiến, điều hành và quản lý tiên tiến… DN chúng ta cần chủ động đón luồng gió mới này để học hỏi và hòa nhập. Công khai minh bạch, đảm bảo công bằng cho sân chơi là yếu tố bắt buộc cho tất cả các DN. Bởi vậy, DN tỉnh nhà buộc phải đổi mới, phải lớn lên để sinh tồn khi xung quanh mình là cả đại ngàn.

Nhiều người băn khoăn là không nên phát triển DN nữa. Bởi chúng ta đã có 2.850 DN trong khi “lượng chất bất đồng hành”. Vậy nên cần phải chú trọng và nâng cao chất lượng. Tôi lại cho cả lượng và chất phải song hành phát triển. Và quy luật đào thải tự nhiên sẽ khiến kẻ yếu phải bỏ cuộc nhường sân chơi cho những người chiến thắng. Để không lép về, trước hết DN chúng ta phải nghiêm túc “soi” lại mình. Cần khắc phục những khiếm khuyết, nắm bắt cơ hội để từ đó xây dựng chiến lược phát triển dài hơi. Đặc biệt, các DN cần sớm có sự liên danh liên kết với nhau để nâng quy mô, nâng tầm các DN Hà Tĩnh thành những công ty, tổng công ty và tiến tới tập đoàn lớn đủ mạnh, không để thua ngay tại sân nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast