Doanh nghiệp tư nhân Hà Tĩnh: Lượng, chất bất đồng hành!

Từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp đến nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có những bước phát triển ngoạn mục. Tuy nhiên, để trở thành đầu tàu trong nền kinh tế tỉnh nhà, DNTN ở Hà Tĩnh còn phải nỗ lực nhiều mới có thể khắc phục được tình trạng: lượng, chất bất đồng hành như hiện nay.

Tăng nhanh về số lượng

Điểm nổi bật nhất của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh những năm qua là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng.Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, trong năm 2009, có đến 443 DN được thành lập trên địa bàn tỉnh. 9 tháng đầu năm 2010, con số này đã là 377 DN, đưa số doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) toàn tỉnh lên con số 2.172 DN, chiếm 97,9% số DN của tỉnh (tỷ trọng chung của cả nước là 95,2%). Đây thực sự là sự tăng trưởng "thần tốc" về số lượng, bởi theo số liệu từ Cục Thuế Hà Tĩnh, đến năm 2005, cả tỉnh mới chỉ có 209 DN và tính chưa đầy10 năm qua, số DN trên địa bàn Hà Tĩnh tăng lên khoảng 20 lần.

Những con số hết sức ấn tượng trên không chỉ thể hiện sức vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng bằng chính năng lực của doanh nhân Hà Tĩnh mà còn cho thấy điều kiện, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể và đang có sức hấp dẫn đối với doanh nhân.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh liên tiếp được cải thiện về thứ hạng (năm 2007, xếp thứ 56; năm 2008, xếp thứ 49; năm 2009, xếp thứ 47 và năm 2010, theo thông tin sắp được công bố sẽ xếp thứ 43). Đến hết tháng 9 năm 2010, tổng số vốn đăng kí của các DNNQD trên địa bàn đạt 14.500 tỷ đồng, bình quân đạt 6,7 tỷ đồng/ DN (trung bình của cả nước là 5,2 tỷ đồng).

Đi cùng với tăng trưởng về số lượng, năng lực hoạt động của các DNTN trong tỉnh được đánh giá là đã có sự cải thiện lớn.

Thành tích trên góp phần đưa tổng mức vốn đầu tư của các DN nói chung trên địa bàn tăng đến gần 100 lần (từ 2.317 tỷ đồng vào năm 2005 lên tới 209.264 tỷ đồng vào tháng 9 năm 2010)!

Nhiều chủ DNTN khi trao đổi - dù không đưa ra những số liệu cụ thể - nhưng đều thừa nhận: Quy mô vốn chủ sở hữu của các DN ngày càng tăng đã giúp cho mức tăng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản trong giai đoạn 2000 - 2010 của họ tăng lên nhiều lần. Tổng tài sản, lợi nhuận tăng nhanh theo từng năm đã giúp DNTN trong tỉnh nâng cao đáng kể khả năng tạo lợi nhuận trong thời gian qua.

Trung bình một DNTN chỉ có thể tạo ra được khoảng 54 triệu đồng lợi nhuận/năm vào năm 2000 thì nay con số này đã tăng lên gấp 5 lần. Một DNTN hiện nay cũng có mức tài sản trung bình là 14 tỷ đồng và mức doanh thu thuần trung bình là 17 tỷ đồng, tăng hơn rất nhiều so với những năm đầu thập kỷ

Đó là những số liệu chung về DNTN của cả nước. So với những số liệu chung đó và tình hình tăng trưởng của DNTN tỉnh thời gian qua, một số chuyên viên ở lĩnh vực kinh tế trong tỉnh cho rằng, DNTN của tỉnh cũng không nằm ngoài mức trung bình trên?. Nếu nhận định trên chính xác thì đây quả là một điều rất đáng phấn khởi trước sự vươn lên của DNTN Hà Tĩnh.

Góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, ngành và sự vượt khó vươn lên, DN nói chung, DNTN Hà Tĩnh nói riêng đã có những đóng góp to lớn vào sự ổn định và phát triển của địa phương. Nhờ thực hiện tốt việc duy trì tăng trưởng, đầu tư có hiệu quả đã giúp doanh thu từ khối doanh nghiệp dân doanh đạt 6.423,2 tỷ đồng, chiếm 67,5%/9.523 tỷ đồng tổng doanh thu của các DN trên địa bàn(DN nhà nước đạt 3.099,8 tỷ đồng, chiếm 32,5%).

Theo Cục Thuế Hà Tĩnh, năm 2009, trong 1.141 tỷ đồng thu từ thuế và phí trên địa bàn, các DNNQD và hộ kinh doanh đã nộp được 257,20 tỷ đồng (DNNN nộp 225 tỷ đồng). Kết quả đó góp phần đưa Hà Tĩnh gia nhập Câu lạc bộ thu ngân sách 1000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế đạt 8%, cao hơn mức trung bình của cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 9,3 triệu đồng...

Qua tìm hiểu, cho thấy, các DNTN trên địa bàn còn là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất so với các thành phần kinh tế khác. Tính đến nay, các DN trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 45.000 lao động, trong số đó có khoảng gần 40.000 người đang làm việc tại các DNTN. Mức thu nhập bình quân hàng năm của người lao động tăng nhanh qua từng năm và đến nay lương bình quân ước đạt trên 2.200.000 đồng/người/tháng. Năng suất lao động trong các doanh nghiệp dân doanh cũng đã được cải thiện đáng kể.

Quy mô nhỏ và thiếu cạnh tranh

Tăng trưởng ngoạn mục về số lượng, tuy nhiên, khi tiếp xúc với một số chủ DNTN được xem là mạnh nhất trong tỉnh, họ đều thừa nhận: DNTN Hà Tĩnh quá nhỏ bé so với DN các tỉnh bạn. Số DN có doanh thu từ 50 tỷ đồng/năm trở lên, sử dụng trên 100 lao động chỉ tính trên đầu ngón tay; còn số có doanh thu 2-3 tỷ đồng/năm, nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng thì…nhiều không tính hết. Số các DNTN trong tỉnh được coi là nhỉnh hơn chút ít là nhờ một số lợi thế đáng kể từ DNNN chuyển sang cổ phần hóa.

Gỗ băm dăm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh nhưng chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài

Gỗ băm dăm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh nhưng chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài

Mới đây, trong lần trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Những thành tích mà DNTN tỉnh nhà đạt được kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như: xuất phát điểm thấp, hoạt động bó hẹp trong tỉnh nhỏ, trình độ mọi mặt còn nhiều hạn chế, một số DN sớm biểu hiện sự thoả mãn… nên nhìn chung DNTN của tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Do chưa có sự liên kết, liên doanh, hợp tác giữa các DN một cách xứng tầm nên đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có DN thực sự mạnh, đủ năng lực cạnh tranh, đầu tư một cách mạnh mẽ để vươn lên sản xuất kinh doanh lớn. Trước các dự án lớn, DNTN tỉnh nhà thường không đảm trách được; tỷ lệ DN tham gia sản xuất vật chất còn rất nhỏ bé…

Thực tế trên đã được một nhóm doanh nhân cùng kinh doanh một mặt hàng thừa nhận: "Đã có lần chúng tôi tổ chức ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung nhưng không thành và rồi mạnh ai nấy làm. Tình trạng "chia nhỏ để phân cho đủ" ở hầu hết các dự án, công trình trong tỉnh rồi xin được đấu thầu hạn chế trong thời gian qua không chỉ làm yếu đi những doanh nghiệp có năng lực mà còn là lí do để hàng loạt các DN "tí hon" "mọc lên như nấm sau mưa".

Dù luôn phàn nàn là bị tỉnh thu 5% để tiết kiệm là quá cao nhưng hầu hết các DN trong tỉnh lại tìm mọi cách để được trúng thầu!.

"Hình thức này không chỉ vi phạm luật định mà còn làm cho chất lượng dự án thiếu đồng đều bởi cách tổ chức sản xuất, quản lí của từng DN là khác nhau"- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, khẳng định.

Một chủ DNTN thuộc hàng đầu của tỉnh, ta thán: "Sự phát triển của DNTN là rất gian nan, phần lớn DN thời gian qua phát triển nhanh chóng là nhờ vào cơ hội kinh doanh thuận lợi, chọn đúng ngành hàng, thời điểm chứ chẳng có chiến lược dài hạn. Nói đúng hơn, phần lớn DN còn làm ăn theo lối tự phát, manh mún; DN có đủ máy móc, thiết bị thì thường bị lãng phí do không có công trình, vì vậy không dám đầu tư lớn…".

Nhiều chủ DN còn cho rằng, dù đã có sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành nhưng vẫn còn có những phân biệt đối xử giữa DNNN với DNTN, sự cạnh tranh thiếu bình đẳng dẫn đến DNTN thường chịu thiệt thòi; một số cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước cấp địa phương chưa có sự thân thiện cần thiết với DNTN. Qua khảo sát còn cho thấy, phần đông các chủ DNTN trên địa bàn tỉnh có trình độ học vấn thấp; quản lí, điều hành DN theo kiểu gia đình…

Môi trường kinh doanh cũng như trình độ quản trị, điều hành, vốn, công nghệ… là những nguyên nhân khiến cho các DNTN trên địa bàn tỉnh khó có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những công ty (chưa dám nói là tập đoàn) mạnh làm đầu tàu cho nền kinh tế tỉnh nhà. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ cho các DN mà còn rất cần được các cấp, các ngành có sự quan tâm đúng mức càng sớm càng tốt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast