Đối mặt với hạn hán và nguy cơ cháy rừng ở mức cao

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh gánh chịu hậu quả nắng hạn gay gắt nhất cả nước, có những ngày nhiệt độ lên tới 40-410C nên nhiều nơi đã phải đối mặt với hạn hán. Chúng tôi đã có chuyến thị sát tại một số vùng và cảm nhận được rằng, nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng và nguy cơ xảy ra nhiều vụ cháy rừng là rất lớn.

Vụ cháy rừng ở Sơn Giang đêm 16-6-2010. Ảnh Minh Lý
Vụ cháy rừng ở Sơn Giang đêm 16-6-2010. Ảnh Minh Lý

Vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp có kế hoạch gieo cấy 40.855 ha lúa, 11.000 ha đậu xanh, 1.990 ha ngô, 908 ha lạc, 1.370 ha vừng, 1.367 ha khoai lang và hơn 1.866 ha rau đậu thực phẩm các loại. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 38.700 ha lúa và đã chuyển đổi 3.000 ha ruộng lúa sang trồng cây trồng cạn. Thời gian qua nắng nóng kéo dài và thường xuyên mất điện nên đã gây ảnh hưởng 6.000-7.000 ha lúa và trên 5 nghìn ha đậu, lạc; nhiều diện tích đã gieo cấy đến nay không có nước nên cây sinh trưởng, phát triển kém, có nguy cơ mất mùa... Một số huyện như Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân… tình trạng hạn hán đã xảy ra trên diện rộng.

Là địa phương luôn dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích cây vụ đông và luôn hoàn thành tốt kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp nhưng vụ hè thu này là lần đầu tiên huyện Hương Sơn không thực hiện đạt chỉ tiêu, vì hạn hán. Đang lặn lội giữa ruộng đồng để chỉ đạo công tác chống hạn, anh Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn gạt mồ hôi, nói: “Vụ hè thu năm nay huyện Hương Sơn đặt kế hoạch gieo cấy 2.450 ha lúa nhưng không thực hiện đạt vì thiếu nước sản xuất (chỉ đạt 94% kế hoạch). Đến nay huyện đã gieo cấy được 2.250 ha lúa, 2.210 ha đậu và 105 ha lạc, nhưng trong đó có 639 ha đang bị hạn nặng. Đa số diện tích cây màu đã gieo trồng cũng đều bị hạn, tỷ lệ mọc mầm kém, sinh trưởng và phát triển chậm. Tại một số vùng như Sơn An, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Quang, Sơn Trà..., huyện chỉ đạo tổ chức bơm “nước chết” ở các hồ đập hoặc bơm chuyền từ sông Ngàn Phố lên để gieo cấy. Tuy nhiên, do thiếu nước cộng với nguồn điện không ổn định nên các vùng cuối kênh không thể gieo cấy được. Hiện có khoảng 200 ha ruộng lúa không có nước gieo cấy, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cây màu các loại.

Nhiều diện tích lúa hè thu ở Hương Sơn đã bị nứt nẻ...Ảnh: CT
Nhiều diện tích lúa hè thu ở Hương Sơn đã bị nứt nẻ...Ảnh: CT

Tuy nhiên, do quá khô hạn nên hiệu quả của chuyển đổi có thể sẽ không cao”. Các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà, Nghi Xuân... tình hình hạn hán cũng hết sức căng thẳng. Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều diện tích ruộng đất đã gieo cấy nhưng đất đai nứt nẻ, bạc trắng, sức sống của hoa màu rất yếu ớt; nhiều nơi xảy ra hiện tượng lúa bắt đầu khô cháy; sâu bệnh cũng xuất hiện nhiều. Xã Đức Giang (Vũ Quang) được coi là địa phương thuận lợi nhất vì nằm ở vùng trũng nhưng cũng không tránh khỏi khô hạn. Vụ hè thu này xã đặt mục tiêu sản xuất 40 ha lúa nhưng đến nay mới chỉ mới cấy được 13 ha; các diện tích còn lại xã phải chuyển đổi sang các cây trồng cạn khác. Đến ngay như huyện Đức Thọ, nơi được xem là vựa lúa của tỉnh cũng phải chung cảnh sống dở chết dở vì thiếu nước, thiếu điện bơm nước. Anh Nguyễn Hoài Đức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ nói: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới phải chịu đợt nóng khắc nghiệt như thế này. Trời nắng nóng gay gắt kéo dài lại thường xuyên mất điện nên ruộng đồng thiếu nước trầm trọng. Một số nơi có nước nhưng cũng không biết làm sao vì điện cứ bị cắt thường xuyên, các trạm bơm cũng không thể hoạt động được. Chúng tôi hiện có gần 2.000 ha bị hạn nặng, nhưng nếu cứ đà nắng nóng gay gắt và cắt điện thường xuyên như hiện nay thì diện tích bị hạn chắc chắn sẽ còn tăng thêm”.

Những hệ luỵ mà đợt nắng nóng gần nửa tháng qua gây ra không chỉ ảnh hưởng đến vụ sản xuất hè thu của bà con nông dân, mà còn làm cho tình trạng cháy rừng trở nên phức tạp; nguy cơ xảy ra nhiều vụ cháy lớn là rất lớn. Từ đầu tháng 6 đến nay, “giặc lửa” đã thiêu trụi trên 100 ha rừng các loại. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã đã vào cuộc để phòng, chống cháy rừng. Mới đây, đích thân các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã phải trực tiếp cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình hạn hán, PCCCR để có biện pháp chỉ đạo phòng chống hiệu quả nhất. Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu, ngành điện phải ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm 24/24 giờ để bơm nước phục vụ cho sản xuất vụ hè thu; các huyện chỉ đạo bà con nông dân chủ động trong việc chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa bị hạn sang trồng các cây trồng khác khi không chủ động được nước; các huyện phải tuyên truyền sâu sát đến các cơ quan, đoàn thể và từng hộ dân thực hiện tiết kiệm điện trong thời gian nắng nóng này; công tác BVR-PCCCR phải được chỉ đạo, giám sát chặt chẽ với phương châm phòng là chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lâm luật; chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để khi xảy ra cháy rừng huy động lực lượng ứng cứu kịp thời.

Tranh thủ lúc có điện và có nước, các trạm bơm được phát huy hết công suất bơm tưới cho lúa. Ảnh: CT
Tranh thủ lúc có điện và có nước, các trạm bơm được phát huy hết công suất bơm tưới cho lúa. Ảnh: CT

Ông Trần Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm cho biết: “Thời gian này chúng tôi đang tập trung cao độ cho công tác PCCCR. Ngoài việc chỉ đạo giám sát thực hiện tốt phương án PCCCR, chúng tôi còn tăng cường trực gác ở các cửa rừng, nhất là vùng trọng điểm. Các vùng có rừng thông như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Hồng Lĩnh... là các “kho xăng” mà chúng tôi lưu tâm số 1. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác PCCCR.

Chảo lửa Hà Tĩnh vẫn đang được hâm nóng mỗi ngày nên nguồn nước dành cho sản xuất đang ngày càng khan hiếm, diện tích hạn hán nguy cơ sẽ tăng cao; nguy cơ cháy rừng và cháy lớn là rất lớn. Các cấp ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo sản xuất, chống hạn và chống cháy rừng để đối phó hiệu quả trước tình trạng hạn hán gay gắt này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast