Đồng muối chờ gió mới

Trung tuần tháng 5, trời vẫn chưa “rành nắng” để diêm dân bám đồng muối cho một mùa vụ mới. Dẫu đã vào chính vụ, nhiều diện tích sản xuất muối vẫn thưa thớt bóng người, có nơi đồng muối đã biến thành đồng cỏ. Có phải vụ muối mới còn chờ gió phơn Nam năm nay về muộn? Hay bởi diêm dân còn chờ một luồng gió mới từ chính sách cho nghề muối, từ sự cải thiện của giá cả thị trường để có thể mưu sinh được bằng nghề của cha ông?

Ước gì diêm dân không phải tha phương

Trở lại xã Hộ Độ với thông tin giá muối năm nay có nhích lên so với đầu vụ muối năm 2010, chúng tôi mang theo hi vọng về một không khí sôi nổi vào vụ mới ở vựa muối của huyện Lộc Hà. Vậy nhưng, đón chúng tôi là vẫn là những diện tích muối còn nguyên sơ những cỏ cây, bùn đất.

Trên các ô nại ở Hộ Độ thưa thớt bóng người sản xuất muối

Dừng chân ở đồng muối xóm Tân Xuân - vùng sản xuất trọng điểm ở Hộ Độ, chúng tôi gặp vợ chồng ông bà Lê Quang Lân - Phạm Thị Lân đang cần mẫn hoàn thành nốt việc cải tạo 2,5 sào đất để chuẩn bị làm muối mới. Ở gia đình diêm dân gốc này, tất cả lực lượng lao động chính của đại gia đình gồm ông và 5 đứa con đều đi làm thuê ở miền Nam, ở nhà chỉ có bà và 3 đứa cháu nhỏ.

Năm nào cũng vậy, cả nhà chỉ sum họp vào dịp tết, còn ông thì có thêm chuyến về nhà vào đầu vụ muối để giúp bà cải tạo ô nại. Xong rồi là giao đồng muối cho bà cháu để tiếp tục đi làm thuê. “Ông bà chúng tôi đều trên tuổi 60 cả rồi, có muốn bươn chãi làm ăn xa xứ làm chi. Ước gì giá muối không lên xuống thất thường và xuống dốc đến thế để ít nhất là những diêm dân già như tôi không còn phải tha phương” - ông Lân than thở.

Một thực tế là khi nền kinh tế phát triển ngày càng sôi động, nhu cầu về lao động ở các thành phố, các khu công nghiệp lớn dần thì người nông dân cũng có được những cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn. Trong khi nghề làm muối mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 3 tháng, công việc hết sức cực nhọc, giá cả hạt muối làm ra lại thấp và không ổn định, thì việc diêm dân rời bỏ đồng muối, tìm đất kiếm sống là điều dễ hiểu.

Thậm chí ở những địa phương đất sản xuất ít ỏi, lao động thiếu việc làm rất lớn như xã Thạch Bàn (Thạch Hà) thì người dân cũng chặng mặn mà gì với nghề muối. Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Châu cho biết, năm nay xã đã vận dụng nguồn vốn chương trinh 106 đầu tư nạo vét 6 km kênh cấp nước mặn cho đồng muối; Chi cục Phát triển Nông thôn cũng vừa thực hiện mô hình cải tiến chạt lọc cho đồng muối với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, nhưng bước vào vụ muối vẫn rất khó vận động diêm dân ra đồng.

Vụ muối năm 2010 đã có 400 lao động bỏ nghề, năm nay con số đó khả năng sẽ lớn hơn. Những ngày cuối tháng 5 này, trong khi hầu hết các địa phương làm muối đã có sản phẩm đầu mùa thì phần lớn diện tích đồng muối Thạch Bàn vẫn còn xanh cỏ.

Chỉ cần 1 tạ muối = 1 yến gạo

Từ bao đời nay, người làm muối thường đưa ra bài toán: 1 tạ muối = 1 yến gạo làm tiêu chí và cũng là mong muốn của diêm dân về giá muối trên thị trường. Hàng chục năm qua, phép tính đó cơ bản gần như được cân bằng, giúp người làm muối vượt qua những vất vả, cực nhọc để gắn bó với nghề. Những năm thịnh vượng, 1 tạ muối còn đổi được 2 yến gạo (năm 2008-2009) đưa nghề muối trở lại nhịp điệu sản xuất sôi động như thời kỳ hoàng kim của các HTX những năm 1980.

Tuy nhiên, năm 2010, giá muối đột ngột đi xuống, chỉ còn bằng chưa đầy ½ so với năm 2009. Đến năm 2011, khi giá cả hầu hết tất cả các loại sản phẩm đều leo thang do lạm phát kinh tế, thì giá muối cũng chậm chân, chẳng chạy kịp với sự thay đổi của thị trường. Đầu vụ muối năm nay, giá chỉ cầm chừng ở mức 850- 1.000 đồng/kg, nếu cộng với mức độ trượt giá trong 2 năm thì vụ muối năm nay, diêm dân lại tiếp tục chấp nhận mức giá thấp tận đáy trong lịch sử làm muối.

Theo kế hoạch của Chi cục Phát triển nông nghiệp, năm 2010, toàn tỉnh sản xuất 241 ha muối. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi cho nghề muối do rét kéo quá dài. Nhiều diêm dân kỳ cựu trong nghề nhận định, nếu lấy mức bình quân mỗi mùa muối có 100 ngày nắng để sản xuất thì năm nay từ khi hết rét đến mùa bão lụt, thời gian sản xuất chỉ đạt khoảng 80 ngày.

Thời gian sản xuất bị rút ngắn cộng với giá muối vẫn không được cải thiện nên ở nhiều nơi diêm dân không muốn đầu tư công sức và kinh phí để cải tạo diện tích sản xuất cho mùa vụ mới. Diện tích và sản lượng sản xuất năm nay vì vậy sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.

Trong xu hướng chung là diêm dân đã dần rời xa đồng muối, thì trên toàn tỉnh có 2 vùng muối là xã Kỳ Hà và xóm Châu Hạ (Thạch Châu) vẫn giữ được diện tích sản xuất khá ổn định. Không rời xa nghề truyền thống, những năm gần đây diêm dân đành chấp nhận thực tế khó khăn và nuôi niềm hi vọng một ngày giá muối sẽ cho họ cuộc sống khấm khá hơn.

Đổ bao mồ hôi, công sức trên đồng muối, bà con diêm dân Kỳ Hà (Kỳ Anh) vẫn chưa hết nỗi lo

Ông Phan Văn Tỵ - xóm trưởng xóm Châu Hạ tâm sự, thời kỳ thịnh vượng của nghề muối, Châu Hạ đã nổi tiếng là vùng muối chất lượng cao của tỉnh Nghệ Tĩnh Trong khi năng suất muối trung bình toàn tỉnh là 4.2-4,5 tạ/sào thì Châu Hạ đạt 8-9 tạ/sào/vụ; muối ở đây sạch và trắng hơn các vùng khác.

Niềm tự hào và niềm tin về nghề truyền thống đã giúp người dân xóm ông kiên trì bám đồng muối. Vụ muối 2011 này, toàn bộ 14 ha sản xuất muối đã được cải tạo từ sau tết và sớm đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm có muối kéo dài đến cuối vụ, sản phẩm đã bị tư thương ép giá ngay trên đồng muối. Hiện nay, muối mới ở Châu Hạ chỉ bán được giá 800-900 đồng/kg.

Vào vụ muối 2011, diêm dân Kỳ Hà (Kỳ Anh) phấn chấn khi dự án Cải tạo nâng cấp đồng muối do Bộ Nông nghiệp đầu tư với tổng trị giá 35 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Sự cải thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trên đồng muối rộng 105 ha đã tiếp thêm động lực để người làm muối bắt tay vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn xã cũng mới chỉ có khoảng 68 ha được đưa vào sản xuất do nhiều diêm dân còn chần chừ chờ giá muối lên cao. Đồng muối Kỳ Hà ngày cao điểm khi chúng tôi tới có gần 2.000 lao động thì phụ nữ và trẻ em chiếm tới trên 90%. Chị Nguyễn Thị Diện xót xa: “Diêm dân chúng tôi suốt ngày đổ mồ hôi trên đồng muối, chỉ mong sao 1 tạ muối có giá trị bằng 1 yến gạo để lo đủ bữa ăn cho gia đình. Vậy mà năm nay, giá gạo đã 13.000đồng/kg nhưng giá muối vẫn chỉ được 10- 11.000 đồng/tạ”.

Chờ gió mới đến bao giờ?

Theo ông Lê Minh Thành - Giám đốc Công ty CP Muối & TMDV, so với giá muối thu mua ở các tỉnh miền Nam hoặc muối nhập khẩu, mức giá Công ty thu mua cho diêm dân Hà Tĩnh đã cao hơn từ 100-300 đồng/kg. Với khung giá từ 800 -1.100 đồng/kg mà đơn vị ký kết với các địa phương sản xuất muối trong tỉnh, Công ty muối đã chấp nhận mức chi phí thu mua nguyên liệu cao hơn để chia sẻ trách nhiệm của một doanh nghiệp với diêm dân tỉnh nhà.

Tuy nhiên, so với các sản phẩm khác, giá muối còn quá thấp bởi vậy cuộc sống của hàng ngàn hộ diêm dân Hà Tĩnh vẫn hết sức khó khăn. Nếu để tình trạng nghề muối dần mai một và diêm dân bỏ quê đi mưu sinh ở những vùng đất khác thì các địa phương làm muối không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế một cách bền vững mà còn nảy sinh thêm những vấn đề xã hội phức tạp khác.

Bởi vậy, tỉnh cần có sự nghiên cứu, xem đây là một lĩnh vực sản xuất đặc thù và có chính sách hỗ trợ diêm dân một cách tích cực, mạnh mẽ hơn, nhất là ở những giai đoạn khó khăn của nghề muối. Các chính sách về vay vốn, hỗ trợ giá để ổn định nghề muối và đào tạo nghề mới, định hướng chuyển đổi nghề một cách bền vững cho cá cần được nghiên cứu và triển khai nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương làm muối.

Dẫu có trễ hẹn, mùa nắng nóng cũng đã về cho diêm dân vào vụ mới. Nhưng đến bao giờ đồng muối mới thực sự có được luồng gió sản xuất hăng say để những sản phẩm từ mặn mòi mồ hôi nước mắt là những hạt muối trắng lấp lánh nụ cười và người làm muối trở về mỗi cuối chiều không còn nặng trĩu nỗi lo cơm áo…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast