Đưa diện tích trồng cây cao su đạt 20 ngàn ha vào năm 2020

Đó là đích đến của Quy hoạch Phát triển cây Cao su giai đoạn 2010 - 2020, vừa được Sở NN&PTNT Hà Tĩnh công bố vào sáng ngày 14 - 4, trước đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 8 địa phương và các đơn vị nằm trong quy hoạch mở rộng diện tích cây cao su.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao hồ sơ Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 - 2020 cho các đơn vị, địa phương có quỹ đất nằm trong quy hoạch trồng cây cao su

Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao hồ sơ Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 - 2020 cho các đơn vị, địa phương có quỹ đất nằm trong quy hoạch trồng cây cao su

Sau 12 năm phát triển trên địa bàn tỉnh ta, đến nay, diện tích trồng cao su đã đạt 7.195 ha (đã có 1.494 ha đưa vào khai thác mủ) và dự kiến tăng lên 9 ngàn ha trong năm 2010.

Dựa trên các thành công bước đầu đó, ngành NN&PTNT đã hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Phát triển cây Cao su giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu đến năm 2015, diện tích cây cao su đạt 16 ngàn ha (dự kiến khai thác 5.800 ha) và đến năm 2020 sẽ tăng lên 20 ngàn ha (dự kiến khai thác 14 ngàn ha).

Hương Khê là địa phương có nhiều diện tích trồng cao su nhất với 10.369 ha, tiếp đó là: Hương Sơn 2.654 ha, Vũ Quang 1.999 ha, Kỳ Anh 1.906 ha, Cẩm Xuyên 997 ha, Đức Thọ 764 ha, Can Lộc 657 ha và Thạch Hà 655 ha.

Đối tượng đất đưa vào trồng cao su ở tỉnh ta được xác định theo thứ tự ưu tiên: trước hết là đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; tiếp đó là đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất gồm: đất chưa có rừng, đất có rừng trồng, đất rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, đất có rừng gỗ tự nhiên có trữ lượng cây đứng bình quân dưới 50 m3/ha; cuối cùng là đất có độ dốc dưới 250, độ cao dưới 400 m.

Công nhân Công ty Cao su Hà Tĩnh khai thác mủ cao su trên đất Hương Khê

Công nhân Công ty Cao su Hà Tĩnh khai thác mủ cao su trên đất Hương Khê

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 - 2020 dự kiến vốn đầu tư cho việc trồng và chăm sóc khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó, vốn khai hoang và xây dựng cơ sở hạ tầng 300 tỷ đồng, chăm sóc vườn cây 1 ngàn tỷ đồng và xây dựng xưởng chế biến 400 tỷ đồng.

Toàn bộ nguồn vốn trên chủ yếu do Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư thông qua các công ty cao su đóng trên địa bàn tỉnh đảm nhận.

Các đơn vị khác, nếu có đủ điều kiện có thể huy động vốn để phát triển cây cao su trên những diện tích đã quy hoạch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast