Được mùa chớ phụ... giống lúa!

Gác lại những vất vả, cực nhọc của một vụ đông xuân có tới 36 ngày rét đậm, rét hại cùng sự phá hoại của các đối tượng dịch hại trên cây trồng, mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật nông nghiệp và đông đảo nông dân Hà Tĩnh đều có quyền ăn mừng trước một vụ mùa thắng lợi toàn diện với năng suất trên 50 tạ/ha. Nhìn lại vụ mùa bội thu vừa qua, lại thấy vai trò của bộ giống lúa, nhất là các giống ngắn ngày bổ sung khắc phục sau rét là rất quan trọng.

Hiện nay, trong khi nhiều địa phương ở vùng Bắc Trung bộ đã bỏ hẳn trà lúa xuân sớm thì ở Hà Tĩnh, vì nhiều lí do khác nhau nên vụ đông xuân vẫn sản xuất đủ 3 trà lúa (xuân sớm, xuân trung và xuân muộn). Tương ứng với các trà lúa thì cơ cấu và bộ giống chủ lực là: trà xuân sớm gieo cấy 30,34% diện tích với 2 loại giống chính là IR1820 và chiêm nếp địa phương; trà xuân trung gieo cấy 29,72% diện tích với 5 loại giống: NX30, Xi23, P290, IR35366, P6; trà xuân muộn gieo cấy 39,94% diện tích với các giống: lúa thuần, khang dân 18, xuân mai 12, HT1, lúa nếp (N97, N98, IR352), lúa lai (Nhị ưu 838, khải phong 1, TH3-3).

Giống lúa chất lượng HT6 do Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh khảo nghiệm tại xã Kim Lộc cho năng suất 62 tạ/ha
Giống lúa chất lượng HT6 do Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh khảo nghiệm tại xã Kim Lộc cho năng suất 62 tạ/ha

Theo đánh giá chung của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp của Hà Tĩnh, cơ cấu giống lúa như thế là quá nhiều. Thay vào đó, chỉ cần cơ cấu tập trung vào những giống có năng suất, chất lượng cao, bố trí 2 – 3 loại trên một cánh đồng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, từng địa phương để phát huy tối đa các đặc tính của giống và thuận lợi cho việc canh tác, đầu tư thâm canh, đồng thời tiếp tục sản xuất thử các giống mới năng suất, chất lượng, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh để đưa vào sản xuất. Cơ sở nào để đi đến kết luận này?

Xin bắt đầu từ trà xuân sớm với giống chủ lực là IR1820. Đây là giống lúa lâu đời trên địa bàn Hà Tĩnh với thời gian sinh trưởng siêu dài (thường từ 170 – 180 ngày, riêng vụ đông xuân vừa qua từ 185 – 195 ngày). Trên chân đất vàn, thịt nhẹ, độ màu mỡ khá như: Can Lộc, Hồng Lĩnh, giống cho năng suất ổn định (54 – 56 tạ/ha); trên chân đất cát pha ở Cẩm Xuyên, Lộc Hà cho năng suất vừa (48 – 51 tạ/ha); trên chân đất cát nghèo dinh dưỡng như Kỳ Anh, Nghi Xuân thì năng suất rất thấp (42 – 45 tạ/ha). Nhược điểm lớn nhất để loại giống này ra khỏi cơ cấu sản xuất là thường xuyên nhiễm rầy nặng, chịu chua kém, gây đỏ đuôi lươn.

Ở trà xuân trung, nhóm giống chủ lực là X (Xi23, NX30) tiếp tục khẳng định vị trí trong cơ cấu bộ giống dù thời gian sinh trưởng khá dài (160 – 165 ngày) nhưng năng suất lại khá, bình quân từ 52 – 54 tạ/ha, vùng thâm canh đạt 58 – 59 tạ/ha; chất lượng gạo khá. Với giống IR35366, tuy có thời gian tương đương nhóm X, chất lượng gạo ngon, năng suất vừa phải nhưng nhược điểm là nhiễm đạo ôn từ trung bình đến nặng và nhiễm khô vằn. Giống P6 là giống lúa chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn (140 – 145 ngày), năng suất khá (50 – 55 tạ/ha), chất lượng gạo ngon những cũng bị nhiễm rầy từ trung bình đến nặng. Cũng trong nhóm giống trà xuân trung còn có P290, đây là giống mới, năng suất khá (55 – 60 tạ/ha) nhưng thời gian sinh trưởng khá dài (165 – 170 ngày), thời gian trổ kéo dài và nhiễm đạo ôn.

Giống lúa mới PD211 được đề nghị cho mở rộng sản xuất hàng hóa
Giống lúa mới PD211 được đề nghị cho mở rộng sản xuất hàng hóa

Trong trà xuân muộn, ở nhóm lúa thuần thì cả khang dân 18 lẫn khang dân đột biến đã có thể thay thế khi năng suất trung bình (48 – 52 tạ/ha), chất lượng gạo trung bình, chịu rét trung bình nhưng lại nhiễm rầy nâu, khô vằn. Tương tự, xuân mai 12 cũng là giống đã sản xuất khá lâu nên không còn phù hợp khi chất lượng gạo trung bình và năng suất thấp (46 – 48 tạ/ha). Cũng trong nhóm lúa thuần, HT1 vẫn còn giá trị khi chịu rét, chịu chua trung bình, kháng vừa với bệnh đạo ôn nhưng năng suất khá (54 – 57 tạ/ha), còn chất lượng gạo thì thơm và mềm. Ở nhóm lúa nếp, trong khi N97, N98 tiếp tục chứng tỏ ưu thế của mình với khả năng chịu rét khá, chống đổ tốt, năng suất cao (60 – 64 tạ/ha) thì IR352 lại lộ rõ những yếu điểm như: năng suất thấp (48 – 50 tạ/ha), bị phân ly nhiều và thời kỳ mạ lại chịu rét kém. Đối với nhóm lúa lai, cả Nhị ưu 838 lẫn khải phong 1 vẫn chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình khi chịu thâm canh, có khả năng chịu rét, chống thâm canh tốt, năng suất cao (trung bình 60 – 62 tạ/ha, vùng thâm canh 70 tạ/ha).

Vụ đông xuân vừa qua, Hà Tĩnh có hơn 10 ngàn ha lúa phải gieo cấy lại. Các loại giống được bổ cứu sau rét chủ yếu là các giống ngắn ngày thuộc trà xuân muộn như: KD18, PC6, TH3-3, HT1, XM12, Nhị ưu 838, N98, N97… Ngoài các giống quen thuộc bấy lâu còn có sự xuất hiện của giống lúa lai mới là TH3-3.

Theo kỹ sư Nguyễn Đức Thục – Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh, TH3-3 là giống lúa lai 2 dòng được sản xuất trong nước với giá thành hợp lý. Qua các vụ sản xuất, giống TH3-3 cho thấy khả năng chống chịu sâu bệnh lẫn các yếu tố ngoại cảnh khá, năng suất cao (trên 60 tạ/ha); chất lượng gao ngon, cơm dẻo, vị đậm. Từ thành công trong vụ đông xuân vừa qua, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng diện tích trong trà xuân muộn và vụ hè thu các năm tiếp theo.

Đã xưa rồi cái thời “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giờ đây, khi 3 yếu tố kia đã có thể kiểm soát được thì vấn đề giống lúa trong vụ đông xuân và cả hè thu nữa cần tiếp tục được đặt ra, nhất là trong việc “tuốt” lại một bộ giống tinh gọn với năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu rét và sâu bệnh tốt, đặc biệt là sử dụng giống có phẩm cấp từ cấp có xác nhận trở lên, hạn chế trà xuân sớm, tăng trà xuân trung và xuân muộn. Thắng lợi từ vụ đông xuân 2010 – 2011 ở Hà Tĩnh không chỉ để lại những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất mà còn cho thấy sự ưu việt của từng loại giống, nhất là nhóm giống ngắn ngày thuộc trà xuân muộn trong việc khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast