FORMOSA – dự án động lực của KKT Vũng áng

Trong số hơn 100 DN, nhà đầu tư trong nước và quốc tế được UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban Quản lý KKT Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư thì dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) là dự án lớn, trọng điểm có tầm chiến lược quốc gia. Đây là dự án được hy vọng là nền tảng động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chẳng những cho Hà Tĩnh mà còn có cả khu vực.

Đất nghèo làm công nghiệp

Địa điểm triển khai dự án FORMOSA trải dài trên địa bàn 5 xã, là Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi (Kỳ Anh) là vùng đất có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Bởi nơi đây đất cằn sỏi đá, chua mặn, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi rất thấp, cư dân bỏ mặc cho “cỏ cây chen đá”, sống dựa vào rừng và biển. Bởi vậy, khi nghe tin KKT Vũng áng mở ra, những dự án lớn như FORMOSA đổ vào, bà con rất phấn khởi, háo hức chờ mong.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mà trực tiếp lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Quản lý KKT Vũng áng Võ Kim Cự chỉ đạo, vấn đề an sinh xã hội được đặt lên hàng đầu khi tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) cho các hộ phải di dời.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp FRMSA kiểm tra tiến độ xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp FRMSA kiểm tra tiến độ xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân.

Để có mặt bằng sạch bàn giao hơn 3.000 ha cho nhà đầu tư, huyện Kỳ Anh phải tiến hành bồi thường, hỗ trợ di dời dân TĐC với số lượng hàng ngàn hộ. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, giao ban, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện rất cụ thể, sát thực. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực tiếp lãnh đạo, giải quyết công việc có liên quan được huy động để thực hiện đúng quy trình, theo các quy định của pháp luật; triển khai dự án một cách hài hòa giữa lợi ích lâu dài và trước mắt của Nhà nước và người dân, tạo sự phát triển bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm xây dựng các khu tái định cư hơn hẳn nơi ở cũ với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt và vượt các tiêu chí nông thôn mới, theo hướng trở thành đô thị trong tương lai.

Trong cuộc cách mạng đưa người nông dân từ nông nghiệp lạc hậu đi lên công nghiệp hiện đại còn nhiều thử thách, khó khăn, đương nhiên không tránh khỏi khuyết điểm, có khi là sai lầm. Nhưng ở huyện Kỳ Anh kể từ khi Dự án FORMOSA vào, khá đông bộ phận dân đã đổi đời. Anh Nguyễn Văn Thành (SN 1969), chị Trần Thị Nhung (SN 1971) quê xóm Thắng Lợi, xã Kỳ Phương chuyên làm nghề buôn gà vịt cung cấp cho các cửa hàng ăn uống của khu công nghiệp. Năm 2008, nhận 1,9 tỷ đồng tiền đền bù đất cộng với tiền buôn bán, gia đình đã xây được ngôi nhà 3 tầng, cộng cả trang bị nội thất 3,4 tỷ đồng. Hai năm nay nhà chị cho người nước ngoài thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Nhà còn mua chiếc xe 7 chỗ gần 1 tỷ đồng cho thuê chở khách. Chị Nhung mở thêm dịch vụ bán hàng hóa, có nguồn thu mỗi tháng khoảng 80 triệu đồng. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Thùy Trang đang theo học Đại học Tài chính - Ngân hàng ở Hà Nội. Con thứ 2 Nguyễn Thị Thùy Giang năm nay lên lớp 12. Quan điểm của chị Nhung và nhiều bà con là phải quyết tâm cho các con học hành để sau này tự chủ trong công việc làm ăn với nước ngoài. Nhiều gia đình như Lê Văn Chương, Hoàng Xuân Huỳnh, Nguyễn Trung Thành… đều có nhà cao cửa rộng. Khu tái định cư của xã hiện có khoảng 50 xe ô tô vận tải, 7 máy xúc, 12 xe con chạy dịch vụ. Các trường học, trạm xá đến trụ sở Đảng ủy, ủy ban xã đều được xây dựng khang trang.

Gần đây nhất, khi được chị Nguyễn Thị Cúc – Phó Bí thư Đảng ủy xã dẫn vào thăm bác Nguyễn Xuân Liễu (thường gọi là bác Thanh) tại khu TĐC xã Kỳ Liên, chúng tôi càng hiểu hơn giá trị không chỉ về kinh tế mà dự án đã mang lại cho những người dân nghèo. Trong căn nhà vững chãi, lợp ngói, tường xây, người cán bộ về hưu đã ở tuổi 83, nhìn lên bàn thờ, trân trọng nói với chúng tôi: “Tôi thay mặt tổ tiên, cha ông và cả linh hồn những người lâu nay sống vất vưởng ở chân núi, bìa rừng, nay được quy tập về nghĩa trang khang trang của khu TĐC, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn dự án. Nhờ dự án mà người sống được đổi đời, người nằm xuống có mồ yên mả đẹp. Dân chúng tôi an tâm với cuộc sống mới rồi”. Bác Liễu cười, hỏi lại chúng tôi: “Các chú có biết bà con ở đây nói gì không? Bà con nói nên thay câu thơ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” thành: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại vinh quang”!

Một chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững cho người dân vùng dự án đã được tỉnh đặt ra ngay từ đầu. Số lao động trong vùng được phân loại để có chính sách hợp lý. Đối với thanh niên có sức khỏe, trình độ văn hóa được cam kết ưu tiên tuyển vào các nhà máy trong KKT Vũng áng. Với độ tuổi 40-45 có thể tham gia lao động phổ thông tại các nhà máy và tại dự án chăn nuôi, trồng rau an toàn ở hồ Tàu Voi – Kỳ Thịnh. Ngoài ra, một dự án đào tạo nghề, học nghề TTCN và các ngành nghề dịch vụ khác, học ngoại ngữ cho lao động đi xuất khẩu…, dành riêng cho Kỳ Anh đã được tỉnh phê duyệt và sẽ sớm đi vào hoạt động. Số người hết tuổi lao động được tỉnh trợ cấp mỗi tháng 15 kg gạo trong nhiều năm liền.

Triển vọng tốt đẹp

Lần đầu tiên ở Việt Nam có một dự án tầm cỡ đến gần 8 tỷ USD (giai đoạn một) do FORMOSA đầu tư vào Hà Tĩnh. Đây là dự án đa ngành, từ luyện thép, cảng nước sâu, hóa dầu, nhiệt điện đến các ngành công nghiệp khác. Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, tạo bước đột phá phát triển công nghiệp, tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực; là cơ hội và điều kiện tốt nhất để Hà Tĩnh cơ cấu lại lao động, khu dân cư theo hướng CNH-HĐH.

Nhà thầu Jan De Nual (Vương quốc Bỉ) hút cát từ vịnh Sơn Dương để phục vụ thi công cảng

Nhà thầu Jan De Nual (Vương quốc Bỉ) hút cát từ vịnh Sơn Dương để phục vụ thi công cảng

Đến thời điểm này, phía Dự án đã hoàn thành công tác khoan thăm dò địa chất trên đất liền, trên biển; hoàn chỉnh 5,2km đê bao quanh khuôn viên dự án, triển khai hút cát san nền 300 ha mặt bằng (giá trị gói thầu lên tới 400 triệu USD). Hiện tại, mặt bằng đã cơ bản san lấp xong, đang triển khai xây dựng khu hành chính. Sau san lấp xong 150 ha khu vực quy hoạch xây dựng cảng, Công ty đang tiến hành xây dựng bến 1 cảng Sơn Dương, hoàn thành xong đường trục chính trung tâm dự án nối QL1A đến cảng Sơn Dương, đồng thời với việc thi công khu nhà 5 tầng cho 6.000 ngàn chuyên gia, cán bộ ở và làm việc (giá trị gói thầu 50 triệu USD) Chuẩn bị các mặt cho thi công đường ống dẫn nước ngọt dài 15 km từ thượng nguồn Sông Trí về phục vụ dự án, với giá trị gói thầu 45 triệu USD.

Đề án xây dựng 10 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.500 MW cung cấp cho dự án đã hoàn thành về thiết kế kỹ thuật, đang hoàn thiện thủ tục để triển khai xây dựng tổ máy số 1. Phía Dự án đã chuyển trả 69 tỷ đồng tiền thuê đất và cho Hà Tĩnh tạm ứng 30 triệu USD để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Dự án còn xây dựng 2 ngôi trường tiểu học giá trị 65 tỷ đồng tặng 2 xã Kỳ Phương và Kỳ Long phục vụ cho con em vùng TĐC. Nhà đầu tư đã tập trung các nguồn lực, huy động hàng ngàn chuyên gia và công nhân triển khai một cách tích cực các hạng mục dự án, đảm bảo đúng tiến độ cam kết.

Việc triển khai tích cực dự án FORMOSA đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư vào KKT Vũng áng và vùng phụ cận. Đến nay, đã có hàng chục dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, nhà hàng, dịch vụ thương mại, sản xuất thực phẩm, rau sạch, đào tạo nghề… đã và đang được tích cực triển khai, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nay là Chủ tịch Quốc hội, đã từng dự báo rất thực tế: không xa là bao, giai đoạn một, ngân sách Hà Tĩnh sẽ từ 1.000 tỷ đồng hiện nay lên 5.000-7.000 tỷ đồng. Khi 4 tổ máy nhiệt điện của KKT Vũng áng hoạt động sẽ có thêm nguồn thu vài, ba ngàn tỷ đồng vào ngân sách. Giai đoạn hai đến năm 2015 là giai đoạn nền kinh tế Hà Tĩnh cất cánh vượt bậc toàn diện, nguồn thu ngân sách sẽ trên mươi ngàn tỷ đồng/năm.

Có lẽ nhà thơ Cù Huy Cận đã dự đoán đúng. Năm 1988 với tư cách là đai biểu Quốc hội , trong một lần về tiếp xúc cử tri với bà con ở đây, ông đã nói vui: “Bà con đừng ngại quê mình khó. Đến lúc nào đó lại có người than thân trách phận sao bố mẹ mình không sinh ra ở đất Kỳ Anh nhỉ?”.

Phía trước còn nhiều trở ngại, khó khăn. Song với sự triển khai tích cực của nhà đầu tư cộng với việc đồng thuận cao của chính quyền, nhân dân các cấp, chắc chắn Dự án FORMOSA Hà Tĩnh sẽ thành công và sớm phát huy hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast