Giá thịt lợn tăng cao, chuồng nuôi vẫn trống

Chưa hết phấn khởi vì một vụ lúa đông xuân bội thu, mọi người lại có dịp để mừng vui cùng bà con nông dân, đặc biệt là người chăn nuôi khi giá thịt lợn trên thị trường ngày một tăng cao đến chóng mặt. Mang theo niềm vui đó đến với đến với những hộ dân chăn nuôi lợn ở một số địa phương mới biết được rằng, niềm vui có đấy, nhưng chưa trọn vẹn.

Giá lợn hơi bằng mười giá lúa

Xã Thạch Hội (Thạch Hà), một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi với hàng trăm hộ dân tham gia chăn nuôi lợn đàn theo mô hình gia trại. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, nghề chăn nuôi lợn đàn phát triển nhanh chóng. Đàn lợn tăng nhanh theo từng năm, đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân xã thuần nông.

Chăn nuôi lợn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh
Chăn nuôi lợn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh

Những năm qua, mặc dù thường xuyên phải nằm trong vùng dịch và chịu thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhưng đàn lợn Thạch Hội luôn phục hồi nhanh và vẫn là một trong những địa phương cung cấp lợn thịt lớn hàng đầu của tỉnh. Người nông dân đã thực sự sống được với nghề nuôi lợn. So với nhiều nghề khác, nghề nuôi lợn thường phải trải qua những thăng trầm với biên độ khá lớn.

Như đã theo quy luật, cứ sau mỗi giai đoạn khó khăn, sa sút đến chạm đáy, nghề nuôi lợn lại đạt đến một thời kỳ hưng thịnh. Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ giá lợn lại đạt đến kỷ lục như thời gian vừa qua. Một thời gian khá dài, giá lợn hơi cầm chừng từ 25 - 30 ngàn đồng/kg. Rồi bỗng nhiên, giá nhảy vọt theo từng ngày.

Trong những ngày qua, 01 kg lợn hơi đã lên đến 58 - 60 ngàn đồng. Giá thịt lợn trên thị trường vì đó cũng phi lên từ 120 ngàn đồng/kg thịt ngang; thịt nạc giá 140.000 đồng. Theo bà con nông dân, trong hàng chục năm qua, nếu lấy giá lúa làm chuẩn so sánh, khi cao nhất, 01 kg lợn hơi xấp xỉ 4-5 kg lúa, thì hiện nay giá 01 kg lợn hơi đã đạt 9 - 10 kg lúa và đang có xu hướng tăng lên.

Giá lợn tăng cao, đồng nghĩa với sự khan hiếm hàng chưa từng diễn ra đối với ngành chăn nuôi trong nhiều năm gần đây. Trên địa bàn các xã như Thạch Hội (Thạch Hà), Cẩm Bình, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)… mỗi ngày, có hàng chục chuyến ô tô lùng sục thu mua lợn. Nhiều người ở đây đã ví địa phương mình như một cửa khẩu, bởi tấp nập phương tiện vào ra.

Tuy nhiên trong mấy ngày gần đây, xe thu mua lợn cũng thưa vắng dần, bởi không còn hàng, thảng hoặc có một vài chiếc xe tải nhỏ luồn lách trong các hang cùng ngõ hẻm để vét nốt những con lợn thịt còn lại.

Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm thịt lợn, không chỉ đối với tỉnh ta, được kể đến trước tiên, đó là do ảnh hưởng trực tiếp của các đợt dịch tai xanh gần đây. Còn sâu xa hơn, là do thực trạng giá lợn bị cầm chừng ở mức thấp trong một thời gian dài (đầu năm 2009 đến gần cuối năm 2010), làm người nuôi bị thua lỗ nặng nề và nhiều người phải bỏ nghề nuôi lợn hoặc đầu tư nhỏ, hệ quả là làm mất cân bằng giữa cung và cầu.

Chuồng trại vẫn bỏ không

Điều này nghe có vẻ như là một nghịch lý. Tuy nhiên đây lại là một thực tế của ngành chăn nuôi trong thời điểm hiện tại. Không phải người chăn nuôi không muốn đầu tư vào đàn lợn, thậm chí nhiều người còn chạy đôn chạy đáo để mua con giống thả nuôi sau khi xuất chuồng đàn lợn với lưng vốn khá lớn đối với người nông dân. Nhưng không phải ai cũng có khả năng hay ít ra cũng may mắn đạt được mong muốn. Đàn lợn thịt hiếm một thì con giống hiếm mười. Giá giống cũng từ đó mà tăng cao ngất ngưởng. Trước đây chỉ khoảng dăm trăm ngàn đồng là có thể mua được một con lợn giống, còn bây giờ phải trên một triệu đồng mới có một con giống, mà phải có mối quan hệ quen biết hoặc phải đặt cọc cả tháng trời mới mong mua được.

Khu chuồng lợn của gia đình ông Nguyễn Minh Lưu đã trở thành chuồng vịt

Khu chuồng lợn của gia đình ông Nguyễn Minh Lưu đã trở thành chuồng vịt

Ông Nguyễn Minh Điểm, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạch Hội, một trong những hộ nuôi lớn nhất xã, với đặc trưng công việc của mình, có quan hệ giao dịch với khá nhiều cơ sở sản xuất giống lợn trong tỉnh và một số địa phương ở Nghệ An. Mấy ngày nay, ông đã chi cả khoản tiền lớn cho hàng loạt cú điện thoại hỏi mua giống, nhưng hầu hết đều nhận được những lời hẹn... Khu gia trại của gia đình với cả chục ô nuôi, ông chỉ mới thả được chưa đầy chục con lợn.

Còn ông Nguyễn Minh Lưu ở xóm Nam Thai (Thạch Hội) xuất chuồng 50 con lợn thịt mấy tuần nay, đến nay vẫn chưa nhìn đâu ra nguồn giống để thả nuôi. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng lợn trống trơ với đàn vịt con nháo nhác đòi mồi, ông Lưu cho biết: “Nếu như những năm trước, có giống thả nuôi ngay sau khi xuất chuồng, thì bây giờ đàn lợn của tôi đã tăng được gần chục kg mỗi con. Không có giống mà mua, nhưng tìm được nguồn giống rồi lại lo đủ thứ, nào là giá giống quá cao, nào là giống không rõ nguồn gốc nên sợ dịch bệnh. Vì vậy, hiện tại tôi chưa nghĩ đến chuyện đầu tư cho lứa lợn tiếp theo”.

Cũng như vấn đề thiếu đàn lợn thịt, nguyên nhân khan hiếm giống lợn trên địa bàn toàn tỉnh là do dịch bệnh hoành hành đã làm thiếu hụt nghiêm trọng đàn nái. Ở xã Cẩm Thành, trước đây, với 1.200 con lợn nái cũng chỉ mới cung cấp được khoảng trên 60% nhu cầu giống. Còn hiện nay toàn xã chỉ còn lại 400 con lợn giống, tức là chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, chưa kể đàn lợn nái sót lại sau dịch tai xanh đã có biểu hiện kém chất lượng sinh sản.

Ông Lê Danh Hóa - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: “ Trước khó khăn như hiện nay, người dân địa phương vẫn cố gắng duy trì chăn nuôi lợn nhưng quy mô đã giảm hẳn. Thay vì vài chục con/hộ, hiện nay mỗi gia đình chỉ nuôi nhỏ giọt với số lượng đếm trên đầu ngón tay”.

Đàn lợn giống quý giá đang được các hộ nuôi chăm sóc cẩn thận ngay từ khi mới sinh
Đàn lợn giống quý giá đang được các hộ nuôi chăm sóc cẩn thận ngay từ khi mới sinh

Không chỉ vì vấn đề thiếu giống, nhiều người nuôi lợn đang bỏ chuồng trống không là bởi không đủ sức, hoặc không dám đầu tư. Mặc dù, giá lợn thịt đang rất hấp dẫn, nhưng cùng với giá giống “trên trời”, mặt bằng giá tất cả các loại vật tư chăn nuôi như: thức ăn, thuốc phòng, chữa bệnh gia súc… cũng đều nhảy vọt; lãi suất ngân hàng quá cao… Chung quy, giá thành sản xuất cũng là một bài toán khá hóc búa đặt ra đối với mỗi người chăn nuôi trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hy vọng rằng, thực trạng khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ, ngành chăn nuôi sớm đi vào ổn định và người chăn nuôi luôn có niềm vui trọn vẹn để góp sức đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng nhanh và vững chắc trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.

Giải pháp về nguồn giống phải gắn với chiến lược chăn nuôi bền vững

Sở No & PTNT đã xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó có nhiều nhiều chính sách và giải pháp dài hơi cho công tác phát triển giống lợn. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó có chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các khu chăn nuôi tập trung. Hộ nuôi chú trọng đến việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, nhằm tạo điều kiện cho quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi cũng như thuận lợi cho công tác quản lý và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; thực hiện tốt công tác thú y, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn giống và thực hiện xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm bắt buộc trên đàn lợn đực giống. Quan trọng nhất là phải chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn dịch bệnh thì mới ổn định được con giống và phát triển chăn nuôi lợn một cách bền vững.

(Nguyễn Khắc Khánh, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở No & PTNT)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast