Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh sát với thị trường

Quan điểm của Bộ Tài chính là kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tuy nhiên lộ trình, liều lượng phải thích hợp

Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ được chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán theo xu hướng thị trường. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện Nghị định này, việc điều hành xăng dầu vẫn còn nhiều điểm chưa sáng tỏ.

Nghị định 84 được xem là bước tiến lớn trong công tác quản lý thị trường xăng dầu vì quy định cơ chế giám sát minh bạch hơn, tạo ra sự chủ động hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, định hướng điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ là đúng và cần thiết.

Để điều hành thị trường xăng dầu và kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng: “Nếu điều chỉnh nửa tháng, 1 tháng mà giá có tăng thì người dân dễ chấp nhận hơn. Tất nhiên sẽ có phàn nàn nhưng không phản ứng dữ dội. Tôi nghĩ rằng, cần quay lại thực hiện Nghị định 84 mà chưa cần sửa đổi gì cả. Không nên giữ giá xăng dầu một thời gian quá dài như hiện nay”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có 2 loại quản lý giá: Đối với hàng hóa còn độc quyền thì Nhà nước phải định giá, kiểm soát giá bằng cách định khung giá ở mức trần, mức sàn. Còn đối với hàng hóa đã có cạnh tranh, Nhà nước nên để thị trường tự quyết định giá. Hiện nay, thị trường xăng dầu ở Việt Nam do Petrolimex chiếm 55% thị phần nên vẫn là mặt hàng độc quyền, không thể trao quyền định giá cho doanh nghiệp.

Ông Long khẳng định, giá xăng dầu đang được điều hành trái quy luật kinh tế thị trường. Không quốc gia nào để doanh nghiệp định giá sản phẩm độc quyền, nhất là sản phẩm chiến lược. Vì thế để tạo thị trường cạnh tranh thực sự thì nên tách Petrolimex thành 2 công ty nhằm giảm sự độc quyền.

“Phải theo dõi nghiên cứu giá trong nước và thế giới để có cơ chế điều hành. Nếu ta định giá không đúng thì doanh nghiệp thu lợi rất nhiều. Theo tôi, Nghị định 84 còn nhiều vấn đề bất cập, sự bất cập luôn theo cơ chế thị trường nhưng cơ chế quản lý giá lại không tuân thủ theo cơ chế thị trường, có nghĩa là còn để doanh nghiệp độc quyền quyết định giá đó”, ông Ngô Trí Long nói.

Trước những ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, phải kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên lộ trình, liều lượng phải thích hợp với mục tiêu của Nhà nước và kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở minh bạch về chính sách và minh bạch về thông tin.

Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành quản lý giá xăng dầu theo hướng sát với Nghị định 84 của Chính phủ, nhưng sẽ không thả nổi thị trường xăng dầu hoàn toàn, ít nhất trong thời điểm hiện nay.

“Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng trên cơ sở minh bạch và rõ ràng. Vướng đến đâu, chúng ta giải quyết đến đó. Nhà nước hoàn toàn đủ lực lượng để xử lý việc này để chuyển dần sang thực hiện theo Nghị định 84. Doanh nghiệp nào làm quá mức sẽ kiểm tra, xử phạt và công bố thông tin. Trước bối cảnh kinh tế như thế này, chưa thể buông giá ngay được. Tăng giá dưới 5% Bộ Công thương quyết định, còn trên 5% là do Bộ Tài chính quyết định, nhưng trên cơ sở doanh nghiệp phải báo cáo trung thực”, ông Vương Đình Huệ nói.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ rà soát lại toàn bộ các cơ chế như: có nên dùng giá thành phẩm tại Singapore để tính giá cơ sở ở ta? Có nên để lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít? Các chi phí định mức đã hợp lý chưa?...

Bộ Tài chính khẳng định bù lỗ cho doanh nghiệp, nhưng chỉ bù đắp những chi phí hợp lý. Trường hợp vì lý do khách quan, doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu bị lỗ, Nhà nước sẽ giải quyết và yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ, lưu thông bình thường theo nhiệm vụ được giao để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và an ninh năng lượng./.

Theo Vovnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast