Giảm lãi suất, tăng áp lực huy động vốn

Thách thức đặt ra với các tổ chức tín dụng (TCTD) là khi hạ trần huy động vốn (từ 14%/năm xuống 13%/năm), hoạt động huy động vốn sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, để chủ động nguồn vốn đầu tư tín dụng, ngân hàng cần phải thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi. Tín hiệu đáng mừng là trong tuần đầu tiên áp dụng mức lãi suất huy động thấp hơn, với nỗ lực của các TCTD, nguồn vốn huy động trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tăng trưởng khá ổn định.

Tuân thủ hiệu lệnh giảm lãi suất

Ngày 12-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất tiền gửi tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 14%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm giảm xuống 15%/năm; giảm lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm; giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 6%/năm xuống 5%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên từ 14%/năm xuống 13%/năm (riêng với quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm).

Các NHTMCP mới đi vào hoạt động vẫn huy động nguồn vốn khá trong quý 1.
Các NHTMCP mới đi vào hoạt động vẫn huy động nguồn vốn khá trong quý 1.

Ngay sau đó, ngày 13-3, các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đồng loạt niêm yết mức lãi suất huy động mới để khởi động lộ trình giảm lãi suất, tạo cơ sở đẩy mạnh đầu tư tín dụng. Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM có vốn sở hữu Nhà nước lớn như: Ngân hàng No & PTNT, Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV không chỉ nghiêm túc thực hiện trần huy động mới mà nhiều đơn vị còn đồng thời thực hiện giảm lãi suất cho vay thêm một bước.

Giám đốc Ngân hàng No&PTNT, bà Nguyễn Thị Diên cho biết: Giảm lãi suất cũng là mong muốn của ngân hàng trước thực tế đầu tư tín dụng khó khăn như thời gian qua. Chúng tôi đã có sự chủ động về mặt quan điểm cũng như các giải pháp để có thể hạ lãi suất cả huy động lẫn cho vay ngay khi có sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên. Hơn nửa tháng qua, 15 ngân hàng cấp 2 và 40 điểm giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm việc áp dụng lãi suất huy động với mức cao nhất là 13%/năm.

Lần này, bên cạnh những NHTM chủ lực, phần lớn các NHTM cổ phần khác cũng đồng thuận thực hiện chủ trương giảm lãi suất nhằm hướng tới mục tiêu chung là đồng hành với khách hàng để cùng phát triển an toàn, bền vững.

Chủ động đối mặt với thách thức

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến ngày 20-3- 2012, tổng nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn đạt trên 14.935 tỷ đồng, tăng 9,05% so với đầu năm, ước đến cuối quý 1 mức tăng trưởng nguồn vốn cao hơn cùng kỳ năm 2011. Mặc dù ở thời điểm này, lãi suất huy động đã giảm một cách ổn định nhưng hầu hết các TCTD đều tăng trưởng nguồn vốn huy động. Một số đơn vị như Ngân hàng No & PTNT, VPBank, Vietinbank, Vietcombak, BIDV…đạt kết quả huy động vốn cao; kể cả những đơn vị mới đi vào hoạt động như ACB, Maritimebank cũng có tỷ lệ tăng trưởng số dư tiền gửi khá. Điều này cho thấy, lạm phát từng bước được khống chế đang tạo môi trường khá ổn định để ngân hàng thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và mặt bằng lãi suất huy động từng bước giảm dần.

Sau khi Ngân hàng Nông nghiệp thực hiện việc giảm lãi suất huy động và cho vay, cơ sở chế biến thủy sản của bà Phạm Thị Nhơn(Thạch Kim- Lộc Hà) đã được vay vốn với lãi suất thấp hơn.
Sau khi Ngân hàng Nông nghiệp thực hiện việc giảm lãi suất huy động và cho vay, cơ sở chế biến thủy sản của bà Phạm Thị Nhơn(Thạch Kim- Lộc Hà) đã được vay vốn với lãi suất thấp hơn.

Cũng theo khảo sát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tuần đầu tiên (từ 13 đến 20-3) hạ lãi suất huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng, đặc biệt nguồn tiền huy động từ dân cư vẫn tăng 0,73%- tương đương với mức tăng bình quân/tuần trong quý 1 này. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các TCTD đã có sự chủ động trong việc triển khai các giải pháp huy động vốn phù hợp với tình hình mới.

Ông Hoàng Văn Thiệu - Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh cho rằng, lãi suất huy động giảm nhưng thị trường ổn định sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng cạnh tranh một cách lành mạnh bằng uy tín, thương hiệu, tiện ích sản phẩm và chính sách chăm sóc khách hàng. Vietinbank Hà Tĩnh đã có được lợi thế cạnh tranh từ những yếu tố quan trong đó, vì vậy, nguồn vốn huy động và quản lý của Chi nhánh tăng gần 14%, đặc biệt trong 1 tuần đầu hạ lãi suất, nguồn vốn tăng khoảng 6%.

Thu hút nguồn vốn nhàn rỗi bằng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, thái độ và hiệu quả phục vụ khách hàng là giải pháp mà các NHTM đang triển khai tích cực để vượt qua những khó khăn khi lãi suất huy động giảm.

Giám đốc Teachcombank Hà Tĩnh Trần Trọng Thái cho biết: “Hiện nay, Techcombank Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 13% theo đúng quy định của NHNN cũng như chỉ đạo của Tổng giám đốc Techcombank. Mức lãi suất huy động tối đa 13% là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ lạm phát hiện nay của cả nước cũng như trên địa bàn Hà Tĩnh. Chúng tôi xác định, để tiếp tục thu hút khách hàng, ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một cuộc “cạnh tranh” lành mạnh về chất lượng và dịch vụ hiện đại.”

Tuy nhiên, kết quả đạt được mới là bước đầu và lộ trình giảm lãi suất của toàn ngành Ngân hàng đang được tiếp tục thực hiện với quyết tâm cao. Thực tế cho thấy, mặc dù đã giảm một bước nhưng lãi suất hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hạ lãi suất không chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho DN mà còn giúp ngân hàng củng cố nền tảng khách hàng để phát triển bền vững. Bởi vậy, các NHTM đều xác định rõ: những khó khăn, áp lực trong hoạt động huy động vốn thời gian tới dù nặng nề nhưng phải vượt qua để thiết lập một mặt bằng lãi suất mới và một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cả khách hàng và ngân hàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast