Hà Tĩnh đảm bảo an toàn nghề cá trong mùa mưa bão

Mùa mưa bão đang đến gần. Việc bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển là hết sức cần thiết. Từ bài học kinh nghiệm trong xử lý tình huống, khắc phục khó khăn, Tiểu ban Aan toàn nghề cá đang tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân.

Hà Tĩnh có 3.790 tàu cá, trong đó số tàu có công suất dưới 20CV (chiếm 79,46%); tổng số lao động trên tàu là 13.717 người. Nhìn chung công suất tàu ở Hà Tĩnh khá nhỏ, chất lượng thấp hoạt động trên các vùng biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, chủ yếu tập trung tại vùng biển Hà Tĩnh. Tuy có bờ biển dài 137 km với 4 cửa lạch thuận lợi cho việc giao lưu, sản xuất, nhưng gần đây một số cửa lạch trên địa bàn tỉnh đang bị bồi lắng gây khó khăn cho hoạt động tàu cá và tránh trú bão.

Tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim (Lộc Hà)
Tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim (Lộc Hà)

Trong mùa mưa bão năm 2010, xẩy ra 7 vụ tai nạn tàu cá làm 3 người chết, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lốc tố bất thường xảy ra gây tai nạn với các tàu cá khi đang hoạt động trên biển. Mặt khác, một số tàu cá thiếu ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển dẫn đến tai nạn chết người. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá còn hết sức hạn chế. Khi xẩy ra bão tố, nhiều tàu cá vào tránh trú bão tại các cửa lạch gặp nhiều khó khăn do bị mắc cạn...

Thực tế cho thấy, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để có những giải pháp cụ thể, sát đúng phù hợp mang lại hiệu quả cao. Trước hết là thường xuyên nắm bắt thông tin tàu cá để chỉ đạo sản xuất và triển khai phương án phòng tránh thiên tai trên biển, đặc biệt là trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xẩy ra. Mặt khác, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai trên biển, đồng thời tăng cường phương tiện và cơ sở hạ tầng và triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCBL.

Công tác tuyên truyền, tập huấn đến nay được triển khai thực hiện dưới mọi hình thức đến tận ngư dân về các quy định an toàn tàu cá, đặc biệt hướng dẫn phương pháp neo đậu tàu khi tránh bão và cách xử lý khi có sự cố xẩy ra. Không những thế, ngư dân còn được hướng dẫn thành lập các tổ đội khai thác trên biển, đặc biệt là thành lập các tổ đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như xử lý tai nạn. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên để nâng cao kỷ năng xử lý trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới xẩy ra; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các qui định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cỏ của ngư dân, trong đó, xử lý nghiêm khắc đối với loại tàu cá có công suất từ 20CV/chiếc trở lên vi phạm các quy định về hoạt động tàu cá trên biển, do không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn và mọi loại giấy tờ cần thiết theo quy định.

Thông tin liên lạc có vai trò hết sức quan trọng nhất là những ngày có bão xẩy ra. Do đó, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đã phân công người túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin kịp thời, chính xác để chỉ đạo ngư dân triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Hải Phòng tăng cường công tác nắm bắt thông tin tàu cá và phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Việc xây dựng phương án tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá theo loại tàu và khu vực được chuẩn bị khá chu đáo. Tiểu ban đã thành lập các đội tàu cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương trọng điểm để triển khai thực hiện tốt "4 tại chỗ". Trong đó, bố trí phương tiện cứu hộ cứu nạn tại phù hợp điều kiện thực tế của tại các địa phương như. Vùng biển Nghi Xuân sử dụng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ; vùng biển Thạch Hà và Lộc Hà sử dụng đội tàu cá công suất trên 20 CV/chiếc thuộc xã Thạch Kim, tàu Kiểm ngư của Chi Cục KT&BVNL Thuỷ sản và tàu Hải đội II Biên phòng; khu vực Cẩm Xuyên sử dụng đội tàu cá công suất trên 20CV/chiếc thuộc xã Cẩm Nhượng và khu vực huyện Kỳ Anh sử dụng đội tàu cá trên 20 CV/chiếc thuộc xã Kỳ Hà và tàu cứu hộ, cứu nạn cảng Vũng.

Đối với tàu cá có công suất trên 20CV/chiếc hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi thì thành lập các tổ đội khai thác trên biển để các tàu hỗ trợ nhau trong việc xử lý tai nạn trên biển cũng như cung cấp, trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường...; cung cấp địa chỉ các đơn vị cứu hộ cứu nạn tại khu vực tàu hoạt động để ngư dân kêu gọi cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Những tàu cá loại nhỏ tại các xã bãi ngang, mỗi xã thành lập các tổ để tổ chức kéo tàu lên bờ khi có bão xẩy ra. Những tàu cá khu vực cửa sông bố trí cho trú vào lạch Đồng Kèn, Trường Lam, Xuân Phổ, Tiên Điền và khu vực Xuân Hồng ( Nghi Xuân). Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót, lạch Hợp Tiến, Thăng Long ( Lộc Hà) và khu vực khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cửa Nhượng, lạch Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) và khu vực Kỳ Hà và Sông Trí (Kỳ Anh).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast