Hà Tĩnh đánh thức tiềm năng phát triển rừng sản xuất

Hà Tĩnh có hơn 171.000 ha rừng sản xuất, chiếm gần 47% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Với vai trò, trách nhiệm của mình, ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh đang thực hiện một lộ trình có tính chiến lược lâu dài để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển rừng nói chung, rừng sản xuất nói riêng, nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân và từng bước góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái…

Có một thời gian dài, cả khu vực rộng lớn ở vùng trà sơn Can Lộc mênh mông đất trống, đồi trọc. Đặt chân đến đâu cũng chỉ thấy cây hoang, cỏ dại lúp xúp chen nhau mọc. Thay vì khai thác tiềm năng đất đai trên quê hương mình để xây dựng cuộc sống mới thì bà con lại đua nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp theo kiểu di dân tự do.

Rừng sản xuất ở Cẩm Xuyên phát triển tốt
Rừng sản xuất ở Cẩm Xuyên phát triển tốt

Nhưng rồi đất Tây Nguyên bao la hùng vĩ với sức hấp dẫn của những nương rẫy cà phê, hồ tiêu, hạt điều... cũng không còn chỗ cho người dân tứ xứ đổ về ngày một gia tăng. Nhiều hộ dân ven dãy Trà Sơn, Can Lộc ý thức được điều đó. Rồi một điều kiện thuận lợi lớn đã đến. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, khoán rừng, hàng trăm hộ dân của các xã Thượng Lộc, Gia Hanh, Trung Lộc, Đồng Lộc… đã mạnh dạn đến với trà sơn. Kẻ trước, người sau đua nhau lập nghiệp trên vùng đất mới đầy tiềm năng. Đất có chủ, dần dần đã hồi sinh những cánh rừng vốn có và hình thành những trang trại trù phú.

Vùng đất trà sơn một thời trơ trọi, bây giờ đã phủ màu xanh ngút ngàn của keo, bạch đàn và cây bản địa. Chỗ nào cũng ken dày cây lâm nghiệp, nhất là keo ở khu vực đầu nguồn hồ Vực Trống. Giống cây ngoại lai này có đặc tính dễ thích nghi với mọi loại đất, địa hình và phát triển nhanh nên trang trại của hộ dân nào, keo cũng chiếm phần lớn diện tích. Nhiều hộ có đến hai ba ha keo và đã khai thác đến lứa thứ hai. Nhìn những chiếc xe chở đầy keo, bạch đàn lên đường vào các nhà máy băm dăm ở Khu kinh tế Vũng Áng, tôi hiểu rằng, người dân nơi đây đã có sản phẩm mà nói như cán bộ trong ngành lâm nghiệp, đó là hiệu quả của phát triển rừng sản xuất. Chỉ riêng xóm 12 - một xóm mới của xã Gia Hanh, với hơn 60 hộ dân đã phát triển rừng sản xuất lên đến hơn 100 ha.

Khái niệm rừng sản xuất, hay trang trại lâm nghiệp kiểu như vùng trà sơn Can Lộc không còn xa lạ với người dân ở nhiều nơi trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi hoàn thành quy hoạch lại ba loại rừng thì nhiều diện tích đất trống đồi trọc đã nhường chỗ cho các loại cây lâm nghiệp. Hương Sơn, Vũ Quang và Cẩm Xuyên là những địa phương đều đạt diện tích trên 5.000 ha rừng trồng theo qui hoạch. Hương Khê đã trồng được gần 19.000 ha và nhiều nhất là Kỳ Anh, với 24.000 ha.

Hà Tĩnh còn hàng ngàn ha đất chưa có rừng
Hà Tĩnh còn hàng ngàn ha đất chưa có rừng

Tính chung, đến nay, tại 384 tiểu khu thuộc địa bàn 169 xã của 11 huyện, thị xã ( trừ thành phố Hà Tĩnh) trong toàn tỉnh đã trồng được gần 73.000 ha. Qua con số này cho thấy, tốc độ phát triển rừng sản xuất khá nhanh. Nhờ đó, bình quân mỗi năm tổng diện tích rừng trồng cho khai thác khoảng 300.000 m3 gỗ, cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy băm dăm xuất khẩu và xây dựng nhà cửa.

Theo giá thị trường hiện tại thì 1m3 gỗ nguyên liệu (tương đương với 1 - 1,2 tấn) dao động ở mức trên dưới 700.000 đồng. Với khối lượng gỗ khai thác mỗi năm khoảng 300.000 m3 thì ít nhất đã đưa lại một nguồn lợi kinh tế lên đến 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập bằng các khoản khác cho hơn 10.000 hộ gia đình với khoảng 40.000 lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Không những thế, do diện tích đã được qui hoạch và có chủ nên sau khi khai thác hết lứa này, người dân lại tái đầu tư trồng lứa khác, có tác dụng lớn trong việc chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Một trong những thuận lợi cơ bản hiện nay để đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất là nhu cầu về nguyên liệu của các nhà máy băm dăm xuất khẩu rất lớn. Có nghĩa là đầu ra của rừng sản xuất ít gặp trở ngại như sản phẩm ở các lĩnh vực khác. Tiềm năng lớn đã mở nhưng nếu được quan tâm đúng mức hơn thì hiệu quả từ diện tích rừng sản xuất chưa dừng lại ở đó.

Trước hết, có thể thấy là công tác giao đất khoán rừng cho hộ gia đình tại nhiều địa phương thực hiện còn chậm, cá biệt có nơi còn lộn xộn, dẫn đến sử dụng sai mục đích. Chính sách hỗ trợ cho người trồng rừng chưa đáp ứng, nhất là nguồn vốn. Phần lớn các hộ dân ít được tiếp cận với công tác khuyến lâm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây lâm nghiệp. Chất lượng nguồn giống chưa tốt nên dẫn đến năng suất, sản lượng gỗ nguyên liệu chưa cao. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư nâng cấp, xây dựng nhiều là “lực cản” lớn nhất trong quá trình phát triển lâm nghiệp xã hội.

Ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Hà Tĩnh cho biết, Sở NN&PTNT đã có Đề án phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến 2020. Theo đó, mỗi năm phải phấn đấu thực hiện đạt kế hoạch đề ra để từng bước khép kín diện tích đất lâm nghiệp đã được qui hoạch, bởi hiện tại toàn tỉnh đang còn hơn 36.000 ha chưa có rừng. Để những vùng đất trống đồi trọc còn lại sớm phủ màu xanh, hơn ai hết, ngành lâm nghiệp và bà con hưởng lợi chỉ biết trông mong vào sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước bằng chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast