Hà Tĩnh đi lên cùng cảng biển

Nếu xem giao thông là huyết mạch của nền kinh tế thì vận tải biển như những kinh mạch chủ trong việc lưu thông hàng hóa đến các vùng miền khác nhau. Vùng miền nào kết nối với kinh mạch chủ đó thì KT-XH và các mặt đời sống khác phát triển thuận lợi.

Cảng biển như mảnh đất mặt tiền trên tuyến đường hàng hải quốc tế. Trên mảnh đất mặt tiền đó, lợi thế thương mại là vô tận, giống như một “mỏ quặng” lớn, nhưng càng khai thác nó càng phình to, càng nhiều “quặng” hơn. Đất nước Singapore nhỏ bé nhưng đã giàu mạnh nhờ cảng biển. Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là những ví dụ gần gũi hơn.

Nhờ cảng biển, Vũng Áng đã hình thành nên một Khu kinh tế đầy triển vọng
Nhờ cảng biển, Vũng Áng đã hình thành nên một Khu kinh tế đầy triển vọng

Cuối thế kỷ 20, Hà Tĩnh chỉ có cảng Xuân Hải - cửa ngõ duy nhất bằng đường biển. Cảng Xuân Hải nhỏ, nằm bên bờ sông Lam, cửa sông bị bồi lắng nhiều, chỉ có thể tiếp nhận tàu dưới 2.000 DWT nên chức năng của cảng chưa thể hiện đầy đủ.

Sang thế kỷ 21, cảng nước sâu Vũng Áng ra đời, nền kinh tế Hà Tĩnh như bừng tỉnh, ước mơ giàu mạnh của miền quê “chảo lửa, túi mưa” với gió Lào rát bỏng dần trở thành hiện thực. Cụm Cảng Vũng Áng – Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5 - 35 vạn DWT, với vùng hấp dẫn giàu tài nguyên gồm các tỉnh Bắc Trung bộ, khu vực Trung - Nam nước bạn Lào và 7 tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan. Vùng đất sau cảng rộng lớn, tương đối bằng phẳng, dân cư thưa, đất đai khó canh tác nông nghiệp nên thuận lợi cho việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết.

Nói chức năng định vị công nghiệp của cảng biển là vì các nhà máy, xí nghiệp gần cảng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí vận chuyển nguyên, nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Cảng Vũng Áng đi vào hoạt động dẫn đến việc hình thành Khu kinh tế Vũng Áng với tổng diện tích quy hoạch 22.781 ha, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ gắn liền với các khu đô thị hiện đại. Đến nay, khu kinh tế có trên 100 dự án được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 11 tỷ USD. Điển hình là Dự án khu liên hợp Gang thép và cảng biển Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 7,9 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có tổng mức đầu tư 1,56 tỷ USD; Dự án khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng 78,6 triệu USD…

Với vai trò thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh trong những năm qua tăng đột biến, kim ngạch nhập khẩu năm 2011 tăng khoảng 1300 %. Từ đầu năm đến giữa tháng 10 – 2011 này, ngành Hải quan Hà Tĩnh thu nộp ngân sách 641,7 tỷ đồng, gấp 5,21 lần cùng kỳ năm 2010. Các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ cũng phát triển theo nên tổng thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác cho ngân sách tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng (ước thực hiện cả năm đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng).

Cảng Xuân Hải dù quy mô và khả năng tiếp nhận tàu cỡ nhỏ nhưng đã và đang thể hiện rõ chức năng của một cảng biển. Cảng là một trong những điều kiện tiên quyết để hình thành Khu công nghiệp Xuân An có quy mô dự kiến 350 ha (100 ha đã được quy hoạch chi tiết). Công nghiệp đóng tàu được ưu tiên phát triển đầu tiên (tháng 10 vừa qua, Nhà máy đóng tàu Bến Thủy đã bàn giao con tàu 7.000 DWT; từ nay đến cuối năm 2011, bàn giao tiếp tàu trọng tải 4.000 DWT; các dự án tiếp theo sẽ đóng những con tàu trọng tải trên 10.000 DWT). Cùng đó, hoạt động xuất nhập khẩu ở hải cảng này cũng ngày một phát triển mạnh, lượng dăm gỗ xuất khẩu hàng năm tăng khoảng 40%. Nhu cầu vận tải biển tăng nên trong hơn 1 năm qua, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã đầu tư 5 tàu hàng loại 1.000 DWT hoạt động chuyên tuyến từ Cảng Xuân Hải đi Trung Quốc.

Áp dụng thủ tục hải quan điện tử tại các cảng biển tạo sự tiện lợi và nhanh gọn trong việc thông quan hàng hóa
Áp dụng thủ tục hải quan điện tử tại các cảng biển tạo sự tiện lợi và nhanh gọn trong việc thông quan hàng hóa

Cảng biển phát triển là tiền đề quan trọng để vận tải biển phát triển, đội tàu có nhiều cơ hội về nguồn hàng; các ngành dịch vụ vận tải cũng tự nhiên hình thành và phát triển như một tất yếu; vận tải đường bộ và đường sắt trong khu vực hấp dẫn của cảng cũng phải phát triển theo. Các ngành nghề kinh doanh gắn với cảng biển đều thu về lượng ngoại tệ lớn, là những ngành xuất khẩu ngay tại cửa khẩu cảng biển. Trong tương lai, khi các nhu cầu liên quan đến vận tải container, vận tải đa phương thức và logistic hình thành, các loại hình dịch vụ sau cảng phát triển thì con em Hà Tĩnh càng có nhiều cơ hội để đầu tư làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Với nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại các cảng biển và luồng hàng hải thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh, trong 11 năm qua, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh luôn đặt công tác cải cách thủ tục hành chính lên hàng đầu nên luôn đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong khi vẫn tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động hàng hải, đầu tư mở rộng cảng, sản xuất kinh doanh tại cảng.

Sau khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 55/2002/QĐ-TTg ngày 23/04/2002 về thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ đã chủ động từng bước áp dụng thành công tại các cảng Vũng Áng và Xuân Hải. Cải cách hành chính tốt, các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp nhịp nhàng, doanh nghiệp hoạt động thanh thoát, tàu thuyền ra vào thuận lợi, các bên liên quan đều chủ động tuân thủ theo pháp luật.Cảng vụ cũng đề xuất nhiều ý kiến tham mưu có hiệu quả lớn về quy hoạch phát triển cảng; cải tạo nâng cấp tăng năng lực tiếp nhận tàu, thu hút hàng hóa thông qua cảng; đón tiếp các đoàn khách ngoại giao và doanh nghiệp của nước bạn Lào và Thái Lan đề xúc tiến nguồn hàng quá cảnh.

Bến Vũng Áng hiện có 2 cầu cảng, tổng chiều dài 550,5m. Bến chuyên dụng xăng dầu vũng Đình Chùa đưa vào hoạt động từ tháng 10/2010 đã đón tàu chở dầu có trọng tải đến 15.000DWT, tàu chở khí hoá lỏng có trọng tải đến 3.000DWT. Bến cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2 hiện đang đầu tư xây dựng. Bến nhập than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 cho cỡ tàu đến 30.000DWT với công suất 3,3 triệu tấn/năm. Bến nhập than cho nhà máy nhiệt điện Vũng áng 2 cho cỡ tàu đến 90.000DWT, công suất 4,6 triệu tấn/năm; dự kiến đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2013.

Khu bến Sơn Dương khởi công xây dựng ngày 26/7/2008, hiện đang triển khai xây dựng giai đoạn I - bến cho khu công nghiệp gang thép. Quy mô xây dựng gồm 13 bến (3 bến cho tàu 300.000DWT, 2 bến cho tàu 200.000DWT, 6 bến cho tàu 50.000DWT, 2 bến cho tàu 30.000DWT) với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 911 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2014. Sau khi xây dựng xong, năng lực thông quan khu bến này đạt 126 triệu tấn/năm.

Bến Xuân Hải và Cửa Sót cho tàu đến 2000 DWT là vệ tinh của Cảng Vũng Áng – Sơn Dương.

Phát huy lợi thế riêng có, Hà Tĩnh đang đi lên cùng cảng biển. Là cánh tay nối dài của ngành hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh tiếp tục quên mình cho bến cảng, cho những con tàu chở tình yêu bốn phương về với Hà Tĩnh.

Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast