Hà Tĩnh dồn sức đối phó với giá rét, bảo vệ cây trồng, vật nuôi

Đến nay, Hà Tĩnh đã gieo cấy 8.997 ha trà xuân sớm, 27.793 ha trà xuân trung, 650 ha trà xuân muộn và bắc 232 ha mạ xuân muộn trong vụ đông xuân 2010 - 2011 ở . Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài nên ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng mạ chết, gia súc đổ ngã.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 18/01, Hà Tĩnh đã có 77 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét, tập trung ở các huyện: Hương Khê (67 con), Vũ Quang (8 con) và Hương Sơn (2 con); 59 ha mạ vụ đông xuân bị chết, tập trung nhiều nhất ở Đức Thọ (50 ha), còn lại rải rác ở các địa phương như: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thành phố Hà Tĩnh…

Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài do yếu tố nền nhiệt thấp kéo dài, nguồn thức ăn chăn nuôi thiếu thốn, phải kể đến ý thức của người dân về bảo vệ thành quả lao động của chính mình chưa cao. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt để chỉ đạo bà con thực hiện đúng qui trình kỹ thuật trong phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Dù nhiệt độ dưới mức cho phép nhưng người dân Đức Thọ vẫn gieo cấy
Dù nhiệt độ dưới mức cho phép nhưng người dân Đức Thọ vẫn gieo cấy

Bên cạnh một số địa phương, các hộ dân đã biết thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi như: trùm phủ nilon, rắc tro bếp cho mạ cấy, be bờ đắp nước cho mạ gieo thẳng; chăm sóc về chuồng trại và thức ăn khô cho đàn trâu bò…, một số nơi, trong những ngày thời tiết rét buốt, đàn trâu bò vẫn được bà con chăn thả rông, thậm chí nhiều người còn sử dụng trâu bò làm sức kéo trên đồng ruộng ngập nước.

Trên cánh đồng của hầu hết các địa phương, bà con vẫn ra đồng gieo cấy trà xuân muộn dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, khi nền nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC phải cho đàn trâu bò ở trong chuồng và phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, tuyệt đối không được thả rông đàn gia súc, không để gia súc bị đói; đối với cây lúa, tuyệt đối không được gieo, cấy.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đoàn kiểm tra ở một số địa phương trọng điểm trong tỉnh và đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và mọi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, trước tình hình thời tiết có thể còn rét đậm, rét hại kéo dài.

Nhiều người dân ở một số địa phương của Hà Tĩnh vẫn sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong những ngày giá rét dưới 15oC
Nhiều người dân ở một số địa phương của Hà Tĩnh vẫn sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong những ngày giá rét dưới 15oC

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu để chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; phân công cán bộ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi; không cho nhân dân gieo mạ và cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC; thực hiện các biện pháp che phủ ni lon, bón phân chuồng hoai và tro bếp để giữ ấm cho diện tích mạ đã gieo cấy; thường xuyên giữ mực nước nhất định ở những diện tích lúa đã cấy.

Theo các nhà khoa học, nếu nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 13oC và kéo dài sẽ làm các loại hạt giống rau màu thối hỏng, cây mạ ngừng sinh trưởng thân, lá. Khi nhiệt độ thấp dưới 10oC, rễ mạ ngừng sinh trưởng, không hút được nước và phân; nếu kéo dài trong 7-10 ngày, cây mạ và lúa mới cấy sẽ bị chết. Do vậy bà con nông dân cần bón phân, ka-li, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét. Cần dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét.

Đối với việc phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, cần khuyến cáo bà con thực hiện che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa; tận dụng các loại bao bì, mền, bạt… để cuốn vào mình trâu, bò để chống rét; không chăn, thả rông hoặc sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15oC, chủ động trong việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời bổ sung chất khoáng, vitamin và cho uống nước ấm.

Bình quân mỗi con trâu, bò phải được ăn từ 5 - 7kg rơm hoặc cỏ khô/ngày. Tiếp tục tiêm phòng bổ sung đầy đủ và thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phát hiện sớm các loại dịch bệnh để kịp thời khống chế. Tích cực thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả và cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast