Hà Tĩnh khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa chất lượng cao

Những biến đổi bất thường của thời tiết cùng sự phát sinh các yếu tố ngoại cảnh đòi hỏi công tác giống cây trồng ở Hà Tĩnh phải có sự thay đổi để không những hình thành bộ giống cho năng suất cao mà còn có chất lượng tốt, phổ thích ứng rộng, chống chịu với các loại sâu bệnh, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại...

Xác định trọng trách của một đơn vị sự nghiệp khoa học, thời gian qua, nhất là trong vụ đông xuân 2010 - 2011, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh tiếp tục đưa vào khảo nghiệm sản xuất bộ giống lúa mới thuộc nhóm chất lượng gạo cao ở trà xuân trung, xuân muộn và nhóm giống ngắn ngày.

Thuộc nhóm xuân trung, XT 28 là giống lúa mới do PGS.TS Tạ Minh Sơn (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chọn tạo từ tổ hợp lai HT1/88.6.5 với giống mẹ là HT1 và dòng bố 88.6.5.20 là dòng thuần X21; thời gian sinh trưởng từ 145 - 150 ngày, năng suất trung bình 55 - 60 tạ/ha, nếu thâm canh cao có thể đạt trên 70 tạ/ha; chống chịu khá với bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn, rầy nâu; gạo trong, cơm dẻo, mềm, có mùi thơm nhẹ.

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, PD211 là giống lúa triển vọng trong nhóm giống trà xuân trung
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, PD211 là giống lúa triển vọng trong nhóm giống trà xuân trung

Cùng đó, PD211 là giống được Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa chọn từ tổ hợp lai P6/Sahej kết hợp với nuôi cấy bao phấn ở thế hệ P1; thời gian sinh trưởng 145 - 150 ngày, cao cây từ 95 - 100 cm, gọn khóm, lá đứng, đẻ nhánh khỏe, bông hữu hiệu cao, tàn lá muộn; chịu rét và chống đổ tốt trong giai đoạn mạ và sau cấy, kháng vừa với đạo ôn, rầy nâu; năng suất trung bình đạt 60 tạ/ha, gạo trong, không bung bạc, cơm mềm dẻo, có vị đậm. Để làm cơ sở cho việc đánh giá, trung tâm chọn P6 làm giống đối chứng.

Tham gia khảo nghiệm ở nhóm xuân muộn có hai giống là HT9 và TL6. Giống HT9 được chọn tạo từ tổ hợp lai HT1/VH với khả năng chịu thâm canh khá, khả năng cho năng suất 70 tạ/ha, chống chịu tốt với đạo ôn; phẩm chất gạo ngon, thơm, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm; thời gian sinh trưởng ngắn (từ 130 - 135 ngày với vụ xuân và 105 - 110 ngày với vụ hè thu). Cũng do Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai tạo, giống TL6 chịu rét khá tốt, chưa bị đạo ôn gây hại, nhiễm rầy nâu nhẹ; dạng cây đứng, đẻ nhánh gọn, hạt thon dài, cơm mềm dẻo không dính, vị dâm ăn không ngán. Đối chứng khảo nghiệm là giống lúa thuần Trung Quốc HT1.

Trong nhóm giống ngắn ngày, 2 giống được khảo nghiệm là QR1 và ĐTL2; giống đối chứng là DT211. Giống QR1 do Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo với đặc điểm thấp cây, đẻ nhánh khỏe, bộ lá nhỏ, thời gian sinh trưởng ngắn (120 - 125 ngày trong vụ xuân và 95 - 100 ngày ở vụ hè thu); khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; năng suất trung bình. Giống ĐTL2 do Trạm khảo nghiệm Từ Liêm chọn lọc có đặc điểm chống chịu sâu bệnh khá, cứng cây, năng suất trung bình (nếu thâm canh có thể đạt 60 - 70 tạ/ha), thời gian sinh trưởng ngắn (vụ đông xuân là 125 - 130 ngày, vụ hè thu khoảng 95 - 100 ngày).

Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Thục cho biết, cả 9 loại giống trên đều được khảo nghiệm tại Trạm Giống lúa Thiên Lộc với tổng diện tích 0,9 ha (mỗi giống 0,1 ha). Mục đích khảo nghiệm là nhằm đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển; khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và các yếu tố ngoại cảnh; năng suất và tiềm năng năng suất các giống. Kỹ thuật áp dụng theo quy phạm khảo nghiệm giống lúa 10TCN-558-2002, trong đó làm mạ được che phủ nilon chống rét; lượng hạt giống 40 kg/ha, mật độ cấy 55 khóm/m2 (cấy 1 dảnh/khóm).

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài nên các nhóm giống đều có thời gian sinh trưởng tương đương giống đối chứng; ở giai đoạn phân hóa đòng, nhờ nhiệt độ thuận lợi cho việc hình thành, phát triển hạt phấn nên các giống trổ bông nhanh, trổ thoát, đặc biệt là giống TL6 (chỉ trong 3 ngày); chiều cao cây các giống đạt từ 100 - 120cm.

Về phản ứng với sâu bệnh và ngoại cảnh, do trong vụ đông xuân vừa qua sâu bệnh gây hại ít nên đòi hỏi tiếp tục theo dõi ở các vụ tiếp theo; riêng các giống XT28, PD211, ĐTL2 chịu rét, chống đổ tốt.

Về năng suất và yếu tố cấu thành năng suất, nhận xét chung là các giống đẻ nhánh khá, bông hữu hiệu trên khóm cao (PD211 có 6,4 bông/khóm, QR1 có 5,8 bông/khóm, các giống còn lại từ 4 - 4,5 bông/khóm); năng suất nhóm giống xuân trung đạt cao (vượt giống đối chứng 13% như: XT28 đạt xấp xỉ 59 tạ/ha, PD211 đạt gần 61 tạ/ha), năng suất nhóm trà xuân muộn đạt tương đương giống đối chứng (trên 56 - 57 tạ/ha) nhưng chất lượng gạo TL6 và HT9 cao hơn HT1, năng suất nhóm giống ngắn ngày có ĐTL2 vượt đối chứng 12% (56 tạ/ha).

Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm các giống lúa mới trong vụ đông xuân 2010 - 2011, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh đề nghị Sở NN&PTNT và Sở KH&CN cho mở rộng sản xuất làm hàng hóa các giống PD211, HT9, TL6, QR1 trong vụ đông xuân và hè thu các năm tiếp theo, đồng thời tiếp tục khảo nghiệm sản xuất các giống XT28, ĐTL2 nhằm bổ sung vào bộ giống lúa chất lượng làm hàng hóa khi giống được công nhận tạm thời; riêng tác giả và cơ quan tác giả cần tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất và các thủ tục công nhận các giống PD211, HT9, TL6, QR1 để đưa vào sản xuất diện rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast