Hà Tĩnh mất mùa cây ăn quả có múi

Kinh tế trang trại mà chủ lực là trồng cây ăn quả đã đem lại lợi ích về kinh tế cho nhân dân các huyện miền núi như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... Thế nhưng, sau các trận lũ vừa qua, nhiều diện tích cây ăn quả (cam, chanh, quýt, bưởi) đã xuất hiện tình trạng quả vàng, úa rụng, cây chết úng...

Anh Đàm Thọ - một điển hình về phát triển kinh tế trang trại ở xã Lộc Yên (Hương Khê) cho biết: Hàng ngày, cả gia đình phải đi thu gom khoảng 5 đến 7 xe bò trái cây bị úng nước, rụng đem đi chôn hoặc đổ xuống suối. Xót của nhưng đành bất lực. Hai cơn lũ đi qua đã làm thiệt hại gần 70 triệu đồng cho gia đình anh Thọ vì hồ cá bị nước cuốn trôi, hàng chục gốc cam, chanh, bưởi bị ngập úng và chết. Thời điểm này, các loại cam bù, cam chanh, cam sành và bưởi rất sây quả nhưng lần lượt rụng quả; bên cạnh đó là các loại côn trùng gây hại như bọ xít, bướm chích hút làm cho tỉ lệ quả rụng càng tăng lên. Trang trại của anh Đàm Thọ có diện tích hơn 13 ha, trong đó 3 ha cam các loại, xoài 100 cây, bưởi Phúc Trạch 50 cây... Thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Ông Nguyễn Hữu Cầu xã Sơn Thọ nhặt cam rụng đi đỗ
Ông Nguyễn Hữu Cầu xã Sơn Thọ nhặt cam rụng đi đỗ

Huyện Hương Khê có hàng trăm hộ phát triển kinh tế trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với trồng rừng đem lại lợi nhuận về kinh tế cao. Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua đã làm cho nhiều gia đình điêu đứng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện có trên 3.000 ha bưởi Phúc Trạch và cam các loại; riêng diện tích bưởi Phúc Trạnh đưa vào kinh doanh hơn 1.000 ha. Mỗi năm, thu nhập từ bưởi Phúc Trạch và cam toàn huyện đạt hàng chục tỷ đồng. Năm nay, do mưa lũ thất thường đã làm thiệt hại lớn cho ngành trồng trọt, đặc biệt là các loại cây có múi của huyện. Các xã trồng nhiều cây ăn quả như: Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Hà Linh, Hương Thủy, Hương Bình, Phương Điền…nước ngập lụt làm chết cây, rụng quả.

Ông Cao Viết Hòa - Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: “Xã chúng tôi là một trong những địa phương có diện tích tích bưởi Phúc Trạch nhiều nhất huyện. Song, năm nay mưa to, nước ngập nhiều vùng, cây bị úng chết và gây hư hại nên khả năng đậu quả cho vụ mùa năm sau sẽ rất kém”.

Tại huyện Vũ Quang, nhiều trồng cây ăn cũng đối mặt với việc cây bị úng và hiện tượng lá vàng, quả rụng hàng loạt phải đem đi chôn hủy. Ông Lê Vũ Quang ở xã Đức Bồng cho biết: “Hàng chục gốc cam bù của gia đình tôi sây quả lắm nhưng bây giờ đã rụng hết. Thiệt hại lớn quá, không biết lấy đâu ra tiền để mua phân để tiếp tục chăm sóc cho vườn cây”. Ông Nguyễn Hữu Cầu ở xã Sơn Thọ xót xa: “Mưa lũ đi qua cuốn đi tài sản, lương thực... Cả gia đình nhìn vào mấy chục gốc cây cam nhưng bây giờ hàng ngày nhìn cam vàng, cam rụng phải nhặt đi đổ, càng xót xa”. Huyện Vũ Quang có diện tích trồng cây ăn quả rất lớn, tập trung ở các xã: Hương Thọ, Hương Minh, Hương Quang, Hương Điền, Sơn Thọ. Nhiều hộ dân vay tiền ngân hàng để phát triển trang trại đang ngồi trên đống lửa khi cây trái mất mùa.

Không chỉ huyện Hương Khê và Vũ Quang, hàng trăm héc ta cam bù, cam sành nổi tiếng ngon ngọt của Hương Sơn cũng đang lâm vào tình trạng cây vàng lá rồi chết, quả rụng hàng loạt. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, các gia đình trồng cây ăn quả đang cố gắng hạn chế mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra. Riêng ngành nông nghiệp, đã phối hợp với các đơn vị chức năng cung ứng phân bón, vật tư, thuốc trừ sâu các giống cây ăn quả có chất lượng nhằm giúp người dân trồng thay thế và chăm sóc vườn cây ăn quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast