Hà Tĩnh: Nỗ lực ngăn chặn thành công dịch "tai xanh" bùng phát!

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước vẫn còn 13 tỉnh có dịch "tai xanh" chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, việc phát sinh ổ dịch mới không còn xuất hiện trong vài tuần nay. Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia nhận định, gần như dịch "tai xanh" đã được khống chế. Tại tỉnh ta, việc đàn lợn vẫn an toàn với dịch "tai xanh"cho thấy, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của ngành chức năng và các địa phương đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Nhớ lại những ngày cuối tháng 4, khi mà dịch "tai xanh" bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc, lãnh đạo ngành NN&PTNT, Chi cục Thú y tỉnh không khỏi lo lắng trước nguy cơ xuất hiện thứ dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh ta.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh bắt giữ phương tiện vận chuyển lợn từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh ta
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh bắt giữ phương tiện vận chuyển lợn từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh ta

Nỗi lo càng lớn dần khi Nghệ An - tỉnh giáp giới với tỉnh ta đã bùng phát dịch từ Trại giống lợn Nam Đàn.

Với 3 tuyến quốc lộ, 1 tuyến đường sắt và nhiều tuyến đường tiểu ngạch qua lại các vùng tiếp giáp với các tỉnh láng giềng đã đặt ra không ít thách thức cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, chúng ta đã phải trả giá đắt trong đợt dịch "tai xanh" năm 2008 tại 5 huyện, thị làm 31.028 con lợn (có tổng trọng lượng 1.351 tấn) bị tiêu hủy, trong đó, số lợn nái bị tiêu hủy là 5.530 con (chiếm 17% tổng đàn nái của tỉnh), tổng thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Bởi thế, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần này tại các tỉnh, thành phía Bắc, BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh đã đặt mục tiêu: tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, triệt để việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch "tai xanh" phát sinh và lây lan trên địa bàn để vừa bảo vệ người chăn nuôi khỏi những thiệt hại lớn, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ngành chức năng huyện Can Lộc tiêu hủy gia súc từ vùng dịch qua địa bàn
Ngành chức năng huyện Can Lộc tiêu hủy gia súc từ vùng dịch qua địa bàn

Biến mục tiêu thành hành động, UBND tỉnh đã ban hành các công điện 07, 08, 10 về tăng cường chỉ đạo tiêm vắc xin phòng bệnh, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch "tai xanh" ở lợn; ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh.

Cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh cũng cho phép ngành chức năng thành lập 2 chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 1 A (phía Bắc đặt tại Gia Lách (Nghi Xuân), phía Nam đặt tại Kỳ Nam (Kỳ Anh).

Hai địa phương giáp giới với các huyện Nam Đàn, Thanh Chương của Nghệ An là Đức Thọ và Hương Sơn đã chủ động thành lập 4 chốt kiểm dịch và cử người trực gác 24/24 giờ.

Về phía Sở NN&PTNT, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp xuống cơ sở 7.860 lít hóa chất để triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tăng cường công tác kiểm dịch phúc kiểm tại Trạm kiểm dịch nội địa Gia Lách nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Song song với việc thiết lập các hàng rào bảo vệ từ xa, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch "tai xanh" để nhân dân, người chăn nuôi tích cực, tự giác tham gia thực hiện; kiện toàn và tăng cường hoạt động của BCĐ phòng chống dịch các cấp nhằm chủ động giám sát, phát hiện kịp thời các ổ dịch khi mới xuất hiện, đồng thời tiến hành ký cam kết với các tể lô, thương lái, trong thời gian diễn ra dịch bệnh không được mua bán, vận chuyển lợn từ ngoại tỉnh về giết mổ, tiêu thụ; rà soát tiêm phòng bổ sung cho các mũi vắc xin có tỷ lệ tiêm phòng thấp; tăng cường hiệu quả hoạt động đoàn kiểm tra liên ngành...

Ngoài bộ phận trực chốt phải duy trì quân số 24/24 giờ, thì một bộ phận không kém phần vất vả trong thời gian phòng, chống dịch "tai xanh" chính là các đoàn kiểm tra liên ngành, cụ thể là đoàn liên ngành của tỉnh. Chính lực lượng này đã trực tiếp tham gia vào những cuộc rượt đuổi, những pha đối đầu, thậm chí có những lúc phải nhận nhịn trước những lời khiếm nhã của các đối tượng vi phạm.

Tất cả đều không ngoài mục đích: đuổi dịch ra khỏi địa bàn! Đã có 6 vụ vận chuyển gia súc (không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ) từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh ta tiêu thụ bị phát hiện với số lợn bị buộc phải tiêu hủy là 184 con, trong đó: từ Bắc Giang 61 con (phát hiện tại Trạm kiểm dịch Gia Lách), từ Nghệ An 123 con (phát hiện trên các tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và Tỉnh lộ 22 - 12).

294 con khác (có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ) bị buộc trả về nới xuất phát gồm: Nghệ An 137 con, Nam Định 42 con, Thái Bình 42 con, Bắc Giang 73 con.

Ngoài ra, lực lượng này cũng đã xử lý 24 vụ buôn bán sản phẩm từ lợn không qua kiểm dịch với trọng lượng thịt và phủ tạng bị tiêu hủy là 303,5 kg.

Vẫn còn sớm để khẳng định hai tiếng thành công nhưng rõ ràng với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch "tai xanh" trong thời gian qua của chính quyền các cấp, ngành liên quan đã được đền đáp khi thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm tỉnh ta vẫn an toàn với các loại dịch bệnh.

Theo nhận định chủ quan của cơ quan chuyên môn, thì nguy cơ lây lan dịch "tai xanh" vào địa bàn tỉnh ta hiện chỉ ở mức rất thấp.

Thành công bước đầu này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: cần huy động tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ngành chuyên môn và các tầng lớp nhân dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để vừa răn đe nhưng cũng lấy đó làm minh chứng cụ thể cho việc tuyên truyền...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast