Hà Tĩnh phấn đấu giành vụ đông xuân thắng lợi

Bước vào vụ Đông xuân 2010 - 2011, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Để đạt mục tiêu thu hoạch trên 33 vạn tấn lương thực trong vụ Đông xuân, ngay từ đầu vụ, các cấp, các ngành đã có các giải pháp và chính sách hỗ trợ kịp thời cho sản xuất.

Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Để khuyến khích và hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau lũ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân, nhanh chóng khôi phục, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, các cấp, các ngành cần có các giải pháp và chính sách hỗ trợ cho sản xuất, trước hết là cứu đói và tích luỹ mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Trong điều kiện, hoàn cảnh người nông dân đang gặp vô vàn khó khăn do hậu quả của mưa lũ để lại, nguồn lực đầu tư sản xuất cạn kiệt thì đây là mục tiêu, trách nhiệm lớn lao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Mặc dù mưa lũ đã gây nhiều khó khăn đối với nông nghiệp nhưng cũng tạo được một số thuận lợi đó là nguồn nước tưới đảm bảo
Mặc dù mưa lũ đã gây nhiều khó khăn đối với nông nghiệp nhưng cũng tạo được một số thuận lợi đó là nguồn nước tưới đảm bảo

Mục tiêu của vụ đông xuân là tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; tập trung chỉ đạo thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống, chế độ canh tác vào sản xuất; hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai dịch bệnh xẩy ra, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen; tập trung vào 3 cây trồng chính là lúa, lạc và ngô, phấn đấu lúa đạt trên 27,3 vạn tấn, lạc trên 4,4 vạn tấn và ngô trên 1,25 vạn tấn; khôi phục và phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung ứng giống và thức ăn cho đàn vật nuôi đặc biệt đại gia súc trong vụ Đông xuân.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật. Mặc dù mưa lũ đã gây nhiều khó khăn đối với nông nghiệp nhưng cũng tạo được một số thuận lợi đó là nguồn nước tưới đảm bảo và đất được bổ sung lượng phù sa màu mỡ. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt, cần tập trung cải tạo ruộng đồng, tu sửa bờ vùng, bờ thửa đảm bảo việc giữ nước, giữ phân; nạo vét kênh mương đảm bảo cho việc tưới tiêu; thu dọn đất đá các tàn dư thực vật vùi lấp trên ruộng. Đồng thời bón thêm vôi đối với các chân ruộng chua thường bị bệnh đỏ đuôi lươn, bệnh nghẹt rễ và những chân ruộng trong vụ Hè thu bị bệnh lùn sọc đen. Về kỹ thuật làm đất, yêu cầu phải cày lật gốc rạ hoàn thành trước ngày 20/11 để diệt mầm mống sâu bệnh, phân huỷ tàn dư thực vật. Khi sử dụng các máy cơ khí nông nghiệp phục vụ làm đất phải đúng kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu thâm canh.

Nhờ chính sách hỗ trợ về giống đã góp phần đảm bảo chỉ tiêu gieo trỉa trong vụ Đông xuân
Nhờ chính sách hỗ trợ về giống đã góp phần đảm bảo chỉ tiêu gieo trỉa trong vụ Đông xuân

Một yếu tố được các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tại Hội thảo bàn các giải pháp và chính sách để nâng cao năng suất, sản lượng vụ sản xuất Đông xuân vừa được tổ chức đó là giống và chất lượng giống. Lấy giống làm trung tâm để tăng năng suất. Lấy năng suất, hiệu quả làm chính. Tuy nhiên cơ cấu giống phải phù hợp, năng suất gắn với chất lượng kể cả trồng trọt và chăn nuôi. Qua theo dõi và tổng kết thực tiễn, năng suất các giống lúa thuần như IX1820, Xi23, NX30 đạt 50-52 tạ/ha; các giống chất lượng như HT1, P6, N98, N97 đạt 50 tạ/ha và các giống lúa lai như Nhị ưu 838, Thục Hưng số 6, Khải Phong số 1, Bio404 đạt 60 tạ/ha. Như vậy, chênh lệch năng suất giữa lúa lai và lúa thuần là 10 tạ/ha. Đối với nhóm giống chất lượng, giá bán hơn các giống lúa thuần từ 1,2-1,5 lần (giá lúa thuần 5.500 đồng/kg, giá lúa chất lượng 7000 đồng/kg) từ đó tăng giá trên đơn vị diện tích. Vì vậy, để có năng suất và sản lượng cao bù đắp cho thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong năm 2010, vụ Đông xuân 2010-2011 cần mở rộng diện tích lúa lai. Toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy đạt ít nhất 5000 ha (nếu gieo trồng đạt 5000 ha thì sản lượng tăng hơn lúa thuần 5000 tấn), nhóm lúa chất lượng 1000 ha. Đối với giống lạc, giống L14 và L23, có năng suất cao hơn các giống đang gieo trồng còn lại 5tạ/ha, vì vậy cần mở rộng diện tích trồng 2 giống này trên 80% diện tích.

Nhân dân Vũ Quang đồng loạt ra quân khơi thông hệ thống thủy lợi, khôi phục sản xuất
Nhân dân Vũ Quang đồng loạt ra quân khơi thông hệ thống thủy lợi, khôi phục sản xuất

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt các khâu cải tạo đồng ruộng, kỹ thuật làm đất, mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống có năng suất, chất lượng cao thì sản xuất cần phải đảm bảo đáp ứng lịch thời vụ, tránh tình trạng gieo cấy sớm trước lịch, lúa trổ sớm gặp rét. Trong điều kiện sản xuất vụ Đông xuân cần tập trung thâm canh mạ. Để có mạ đủ tiêu chuẩn, chủ động ứng phó với thời tiết bất thường và bệnh lùn sọc đen, ở các chân ruộng thấp trũng cần áp dụng kỹ thuật làm mạ dược; trên chân ruộng cấy cần chủ động nguồn nước nên áp dụng làm mạ dày xúc. Tuyệt đối không gieo mạ trên ruộng vụ trước bị bệnh lùn sọc đen.

Ngoài giải pháp kỹ thuật, chúng ta còn có các chính sách trợ giúp về giống, về kỹ thuật từ trung ương đến địa phương và các nguồn lực khác là nguồn động viên không nhỏ đối với nông dân Hà Tĩnh. Quyết định 142 của Thủ tướng CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 1907/QĐ-TTg hỗ trợ cho Hà Tĩnh 600 tấn giống lúa thuần; Công ty Cổ phần giống cây trồng Thái Bình và Cục tình báo Bộ công an hỗ trợ 10 tấn lúa QR1…là đòn bẩy, là động lực để đạt chỉ tiêu, kế hoạch gieo trỉa trong vụ Đông xuân. Ngoài nguồn hỗ trợ của trung ương và các công ty, UBND tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ về giống cây, giống con, các loại hoá chất…trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng.

"Các chính sách hỗ trợ trên chỉ là một trong những giải pháp, điều quan trọng và cốt lõi nhất là ngay từ bây giờ, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn phải sẵn sàng chủ động nguồn giống đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng; có qui trình kỹ thuật cụ thể đối với các cây trồng vật nuôi, đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện gieo cấy đúng lịch thời vụ, đảm bảo cơ cấu giống phù hợp với từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại khi đến ngưỡng" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast