Hà Tĩnh: Tăng cường kiểm soát gia súc nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Thông tư 27/2009/TT-BNN ngày 28 - 5 - 2009 của Bộ NN&PTNT ban hành quy định kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ Lào và Căm phu chia vào Việt Nam là cơ hội để Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút các doanh nghiệp nhập khẩu gia súc đến làm ăn, song, cũng sẽ là nơi đón rước dịch bệnh nếu việc kiểm dịch cách ly gia súc không được thực hiện nghiêm ngặt.

Ngay sau khi Thông tư có hiệu lực (từ ngày 13 - 7), đã có 2 đơn vị là Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Tân Ly (Hương Sơn) và Công ty Bao bì Việt Nam được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho phép nhập khẩu 10 ngàn con trâu bò với mục đích làm giống. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục Thú y, thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Tĩnh phối hợp với Cơ quan thú y vùng III và huyện Hương Sơn đã chọn được địa điểm xây dựng khu cách ly cho Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Tân Ly nằm ở xóm Hồ Tây, xã Sơn Tây và khu cách ly cho Công ty Bao bì Việt Nam nằm ở xã Sơn Tiến (Hương Sơn). Hiện nay, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các khu cách ly để tiến hành nhập khẩu gia súc trong tháng 10 tới.

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Thanh Hoài
Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Thanh Hoài

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, sau khi thông quan, gia súc nhập khẩu chính ngạch (chủ hàng có hợp đồng mua bán với nước xuất khẩu) được đưa về khu cách ly kiểm dịch, riêng gia súc sử dụng cho mục đích giết mổ được đưa về cơ sở giết mổ có đủ điều kiện để nuôi nhốt cách ly kiểm dịch.

Nơi cách ly kiểm dịch được bố trí ở một địa điểm riêng biệt, cách biệt với khu dân cư, chợ, trường học, khu vực công cộng, trục đường giao thông chính và khu vực chăn nuôi của địa phương; có hàng rào kép nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bên ngoài; có các dãy chuồng nuôi nhốt trâu, bò được lợp mái để hạn chế những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt; quy mô, diện tích chuồng trại, trang thiết bị, vật dụng chăn nuôi phải đáp ứng được yêu cầu chăm sóc nuôi dưỡng đàn trâu, bò; thức ăn, nước uống cho trâu, bò nhập khẩu phải được cung cấp đầy đủ và đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y để không ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu, bò nhập nội; nơi cách ly kiểm dịch phải có hệ thống thu gom, xử lý các chất thải rắn, thải lỏng; có nơi nuôi nhốt trâu, bò ốm tách biệt với khu vực nuôi nhốt cách ly trâu, bò.

Đối với trâu, bò nhập khẩu được thu gom thông qua mua bán, trao đổi đơn thuần (chủ hàng không có hợp đồng mua bán), ngoài đảm bảo các quy định về nơi cách ly như trên thì chủ hàng phải khai báo và làm thủ tục kiểm dịch tại Chi cục Thú y Hà Tĩnh để tiến hành theo dõi và kiểm tra lâm sàng sức khỏe của đàn trâu, bò; đánh dấu trâu, bò bằng cách bấm thẻ tai theo quy định của Bộ NN&PTNT; lấy máu kiểm tra toàn đàn trâu, bò đối với bệnh sẩy thai truyền nhiễm, xoắn khuẩn, lao bò; tiêm phòng vắc xin các bệnh LMLM, tụ huyết trùng theo quy định. Sau 15 ngày nuôi cách ly, xét thấy gia súc khỏe mạnh về lâm sàng, có kết quả âm tính đối với các bệnh được kiểm tra, đã được tiêm phòng và phun tắm thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da... thì Chi cục thú y sẽ công bố kết thúc thời hạn nuôi cách ly.

Thông tư 27 được kỳ vọng góp phần giải quyết triệt để vấn nạn gia súc nhập lậu, không được kiểm dịch thú y chỉ khi các cơ quan hữu quan (Bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, hải quan, quản lý thị trường) có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức trách nhiệm từ các chủ hàng trong việc mua gia súc tại các cơ sở chăn nuôi có địa chỉ rõ ràng, tại các vùng an toàn dịch bệnh, đồng thời thực hiện khai báo, nuôi cách ly kiểm dịch và kịp thời báo cáo các hiện tượng bất thưởng về thể trạng của gia súc với cơ quan thú y trên địa bàn. Bởi, ngoài việc phải chịu các chi phí liên quan đến việc nhập khẩu, các chủ hàng còn phải bồi thường thiệt hại về kinh tế, chi phí phòng chống dịch bệnh và bị xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thực hiện đúng các quy định hiện hành để dịch bệnh lây lan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast