Hàng hoá qua Cảng Vũng Áng sẽ sôi động trở lại

Những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2009 không chỉ làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng mà còn gây không ít khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch của các cơ quan quản lý Nhà nước tại các cửa khẩu. Cảng Vũng Áng (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực của quá trình này khi lượng hàng hoá xuất nhập khẩu đều bị sụt giảm mạnh...

Tàu vào "ăn" hàng tại Cảng Vũng Áng.
Tàu vào "ăn" hàng tại Cảng Vũng Áng.

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, nếu như trong năm 2008, Cảng Vũng Áng đón 742 lượt tàu mang theo 1,126 triệu tấn hàng hoá các loại thì năm 2009, hải cảng này chỉ đón được 544 lượt tàu với gần 726 ngàn tấn - một sự sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm đó biểu thị đều trên cả ba ngành hàng là hàng xuất khẩu (đạt 606,87 ngàn tấn, bằng 81% so với năm 2008), hàng nhập khẩu (đạt 5,53 ngàn tấn, bằng 69% so với năm 2008) và hàng nội địa (đạt 113,57 ngàn tấn, bằng 31% so với năm 2008).

Chủ lực về hàng xuất khẩu không có thêm loại nào khác ngoài gỗ băm dăm (gần 400 ngàn tấn), cát xây dựng (210 ngàn tấn) và quặng Ilmenite (85 ngàn tấn). Hàng nhập khẩu vẫn là các loại máy móc thiết bị phục vụ các dự án đang triển khai xây dựng tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Còn hàng nội địa chủ yếu là than và Clanker.

Phó Phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức phân tích, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động xấu của suy thoái kinh tế thế giới làm cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh bị đình hoãn trong việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài, còn một nguyên nhân nữa rất khó đặt tên. Đó là sau khi Bộ Giao thông – Vận tải có quyết định đưa Cảng Hòn La (Quảng Bình) vào khai thác thì kể như cảng biển Hà Tĩnh đã bị chia lửa với phần lớn các mặt hàng phục vụ Nhà máy Xi măng Sông Gianh như: than, Clanker - vốn rất quen thuộc với Cảng Vũng Áng đã nói lời tạm biệt.

Minh chứng rõ nét cho vấn đề này là nếu như năm 2008, các mã hàng của Nhà máy Xi măng Sông Gianh đóng góp cho Vũng Áng hơn 400 ngàn tấn hàng hoá các loại (bằng gần 87% công suất thiết kế hàng hoá cầu hàng số 1) thì năm 2009, hải cảng này chỉ đón được 50 ngàn tấn than và 60 ngàn tấn Clanker.

Tuy sản lượng hàng hoá thông qua Cảng Vũng Áng không như dự kiến nhưng xét ở góc độ quản lý Nhà nước tại khu vực cảng biển này vẫn đạt được những thành công nhờ sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị liên quan như: cảng vụ, hải quan, biên phòng, kiểm dịch và doanh nghiệp vận tải. Nhờ tăng cường trách nhiệm giữa các bên nên thời gian làm thủ tục cho tàu nội địa chỉ còn 30 phút/lượt và tàu xuất nhập cảnh chỉ mất 40 phút/lượt.

Trong quá trình tàu làm hàng, cán bộ, nhân viên cảng vụ hàng hải đều tiến hành kiểm tra việc chất xếp hàng hoá đảm bảo an toàn hàng hải, nhất là không gây cản trở trong việc tác nghiệp của thuyền viên trong quá trình hành trình của tàu.

Một hoạt động rất đáng biểu dương trong năm 2009 là công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão tại khu vực cảng đã được triển khai kịp thời và hiệu quả. Các thông tin về tàu Đông Phong 09 bị tàu cá Trung Quốc tấn công trên đường hành trình từ Hải Phòng đi Đà Nẵng hay như tàu Vạn Xuân đâm phải tàu cá trên hành trình từ Hải Phòng đi Thành phố Hồ Chí Minh đều được cơ quan cảng vụ tiếp nhận và phối hợp xử lý dứt điểm. Đặc biệt, tàu VINASHIN INCO27 bị trôi dạt trong bão số 9 được cảng vụ và Đồn biên phòng cửa khẩu cảng giải cứu thành công cho 20 thuyền viên lâm nạn.

Theo ông Vương Bình Minh – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế khu vực và nước ta nói riêng đang dần phục hồi đã mở ra nhiều cơ hội mới để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá đòi lại các món nợ trong năm 2009 vừa qua. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích kỹ các cứ liệu trong và ngoài nước, cảng vụ nhận định hàng hoá thông qua Cảng Vũng Áng sẽ nhanh chóng tăng lại trong năm 2010 với sản lượng dự kiến khoảng 1,2 – 1,2 triệu tấn.

Điểm đặc biệt trong năm mới này là cầu cảng số 2 đang hoàn tất các tiểu mục cuối cùng và các thủ tục pháp lý để đưa vào khai thác sử dụng.

Với trách nhiệm của một cơ quan chủ trì trong việc phối hợp hoạt động quản lý Nhà nước tại khu vực cảng biển, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh sẽ tập trung mạnh hơn cho công tác cải cách hành chính; tăng cường phổ biến pháp luật, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định quốc gia và các công ước quốc tế liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, ô nhiễm môi trường…

Tất thảy mọi giải pháp đều hướng đến mục tiêu đưa Cảng Vũng Áng trở thành một hải cảng lớn của khu vực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast