Hành trình gian khó và những dự cảm tươi sáng...

Đã qua rồi những tháng ngày khắc khoải đợi chờ. 26/415 hộ đã hành hương về miền đất mới, bỏ lại đằng sau những ân tình sâu nặng. Gần 50 năm qua hàng chục người cùng ông bà cha mẹ, đắt díu nhau lên mảnh đất Hương Điền Hương Quang khai sinh lập địa hình thành nên những làng quê trù phú. Họ ra đi vì những công trình tương lai của đất nước. Nhưng phía trước họ vẫn còn nhiều gian lao, vất vả.

Lãnh đạo tỉnh cùng chung tay với người dân

Trạm Trưởng Kiểm lâm trạm Cò- Vườn Quốc gia Vũ Quang Mai Văn Trung ghì chặt hai tay lái luôn miệng nhắc tôi ôm chặt anh chạy vào xóm Tân Quang (Hương Quang)- nơi có những hộ dân tình nguyện di dời đợt này. Quãng đường quanh co khúc khuỷu dài hơn 1km như trận đồ bát quái thách thức lòng can đảm của chúng tôi trước khi đến bến đò. Mất chừng 20 phút trên con đò chòng chành, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bến bờ. Trung về số rú ga ầm ĩ vượt lên một đoạn dốc cao mới tiếp cận được ngôi nhà đầu tiên

Gần 80 tuổi, cụ Nguyễn Thị Liên thẫn thờ ngồi bệt trên nền nhà láng xi măng ngổn ngang cột kèo. Ngôi nhà gỗ trước đó dẫu không khang trang nhưng gần nửa đời người tảo tần hai vợ chồng chắt chiu dựng lên. Ký ức trong cụ chợt ùa về. Năm 1967, người phụ nữ tên Liên đã cùng chồng là ông Lê Bùi và 7 người con từ quê hương Đức Thọ lên đây lập nghiệp. Cụ kể:" Thời điểm đó cụ Hồ còn sống. Chính phủ có 12 chính sách di dân lên khai hoang làm kinh tế". Những chính sách đó như thế nào, cụ không nhớ chỉ nôm na biết là Chính phủ sợ dân chết vì chiến tranh, sợ dân khổ nên mới đề ra chủ trương di dân đi làm kinh tế.

Đồng hành cùng người dân chuyển nhà đến nơi ở mới
Đồng hành cùng người dân chuyển nhà đến nơi ở mới

Trở về xã Đức Nhân ( Đức Thọ), với cụ Liên đó là nơi chôn ra cắt rốn. Nhưng với con cháu thì đó lại là miền đất mới. 2 sào đất con cụ mua từ số tiền đền bù và hỗ trợ tự nguyện di dời 830 triệu chẳng còn lại là bao. May mắn là có thể dựng lên ngôi nhà nhỏ. Mọi công việc dường như làm lại từ đầu. "Tương lai sán lạn hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm và cả sự may mắn của các con, các cháu. Người già như trái chín cây. "Đi"."Ở biết ngày nào" - Cụ Liên tâm sự.

Ngôi nhà của anh Nguyễn Trọng Diện nằm cách nhà cụ Liên chỉ vài trăm mét. Không biết tuổi thọ ngôi nhà bao năm rồi nhưng khi dỡ ra mối mọt đục ruỗng cả thân cột. Cảm giác buồn ập đến trong tôi khi nhìn cảnh chị Hồng, vợ anh đang cố gắng nhặt nhạnh những gì có thể mang theo cho vào túi "xác rắn" rồi buộc túm lại ném lên xe. Tài sản của cả gia đình anh Diệu chỉ gói gọn trong chừng khoảng 7-8 chiếc túi như vậy. Không biết số tiền 500 triệu đồng anh chị nhận được có đủ để xây cất một ngôi nhà và ổn định cuộc sống ở xã Mỹ Lộc hay không. Niềm vui lớn nhất không riêng gia đình cụ Liên mà đối với 36/ 48 hộ dân xóm Tân Quang là từ nay việc đi lại thuận lợi hơn chứ không phải thót tim qua con đò nhỏ về nhà trong những ngày mưa lũ.

Không cách trở như đường đến xóm Tân Quang (Hương Quang), con đường dẫn chúng tôi đến xóm Kiều, xóm Ngân (Hương Điền) thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng gia cảnh những hộ gia đình ở đây cũng không kém phần bi đát. 45 triệu đồng là số tiền thu được từ ngôi nhà 2 thế hệ tằn tiện cất lên của anh Đặng Văn Cầu ở xóm Ngân. 45 triệu đồng là lớn đối với những người dân vùng núi như anh Cầu, nhưng chừng đó có lẽ cũng chỉ đủ trang trải cho những chuyến đi về của cả gia đình 7 người về ngoại ô thành phố Nha Trang.

Lãnh đạo tỉnh động viên, thăm hỏi người dân vùng di dời

Những hộ dân này đã tiên phong tự nguyện di dời đợt 1. Người nhiều thì có hơn 1 tỷ, ít cũng nhận số tiền từ 500 triệu đồng. Đó là một khoản tiền khổng lồ là mơ ước của những nông dân quang năm đánh vật với thiên nhiên tìm kế sinh nhai; song cũng quá nhỏ để có thể ổn định được cuộc sống cả gia đình về nơi định cư mới. Tuy nhiên không vì thế họ kêu ca phàn nàn. Người Việt Nam là vậy!. Đã qua rồi thời "xe chưa qua, nhà không tiếc" cho độc lập dân tộc. Nay trước một dự án lớn lại có tiền hỗ trợ cuộc sống của họ được nâng lên rất nhiều. Đó cũng là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với cuộc sống của người dân. Thật khó để đảm bảo công bằng tuyệt đối nhưng mối người đều nhận thấy một phần trách nhiệm của mình.

Sau gần 5 năm khắc khoải, cuối cùng giờ "G" cũng đến. Ngày 12-7, 26 hộ tự nguyện di dời. Trong cuộc hành quân này họ cảm thấy ấm lòng. Cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện luôn sát cánh đồng hành. Hàng trăm thanh niên sinh viên tình nguyện tham gia tháo dỡ trong những ngày tháng khó khăn.

Những ngày tới đây khó khăn chồng chất đang chờ đợi. Thuận lợi và tốt đẹp là điều nhiều người mong muốn. Khó có thể đo đếm được sự thành bại trong một khoảng thời gian ngắn để ổn định cuộc sống. Nhưng trong những con người chúng tôi từng gặp, từng tiếp xúc vẫn sáng ngời một niềm tin: Tất cả vì một công trình lớn của đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast