Hậu sự cố lợn dự án phá lợn nhà: Người dân đỏ mắt chờ hỗ trợ!

Như Hà Tĩnh Online đã đưa tin, từ ngày 7 - 20/5 vừa qua, tại các xã Xuân Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc) đã xảy ra dịch tai xanh (làm 82 con lợn bị chết và tiêu hủy) sau khi được "Dự án phục hồi ban đầu và cứu trợ lũ lụt" (do Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh triển khai) hỗ trợ lợn giống. Hơn 2 tháng sau sự cố trên, những hộ dân có lợn nhà bị vạ lây vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính quyền hay đơn vị có trách nhiệm...

Chương trình hỗ trợ lợn giống cho hộ nghèo của HCCD: “Lợi bất cập hại!”

Một chiều thượng tuần tháng 7, chúng tôi trở lại xã Xuân Lộc. Công việc đồng áng đã gọn gàng nên không khó để gặp các hộ dân bị thiệt hại sau đợt dịch tai xanh vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Tam ở xóm Dư Nại là một trong 5 hộ có lợn nhà bị thiệt hại nhiều nhất, chia sẻ: "Ngày 7/5, gia đình tiếp nhận 1 con lợn giống hơn 10 kg do dự án hỗ trợ, nhưng chỉ được vài ngày sau thì nó có biểu hiện nhác ăn, nằm ủ rũ, khó thở. Liền đó, một số con lợn nhà (vốn nuôi trước đó) cũng xuất hiện tình trạng tượng tự. Lúc đầu chết 2, sau chết 1 và cuối cùng là 4. Nhờ kịp thời san chuồng, cách ly nên gia đình mới giữ được tính mạng của 8 con còn lại. Với giá lợn hơi lúc đó (từ 70 - 75 ngàn đồng/kg), tính chung gia đình tôi bị thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Mong mỏi của gia đình là đề nghị các cấp, ngành sớm hỗ trợ để gia đình tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi".

Gia đình bà Nguyễn Thị Tam ở xóm Dư Nại (xã Xuân Lộc) phải chịu hậu quả nặng nề khi có đến 7 con lợn nhà bị tiêu hủy do lây dịch tai xanh từ lợn của dự án HCCD
Gia đình bà Nguyễn Thị Tam ở xóm Dư Nại (xã Xuân Lộc) phải chịu hậu quả nặng nề khi có đến 7 con lợn nhà bị tiêu hủy do lây dịch tai xanh từ lợn của dự án HCCD

Ngoài gia đình bà Tam, ở xã Xuân Lộc còn có thêm 4 hộ sau khi tiếp nhận lợn từ dự án đã bị lây dịch tai xanh và buộc phải tiêu hủy là: ông Trần Hùng ở xóm Yên Xuân bị 2 con, ông Trần Bình ở xóm Yên Xuân bị 1 con, ông Trần Giang ở xóm Thanh Xuân bị 6 con và ông Trần Hùng ở xóm Văn Lôi bị 2 con. Cũng như bà Tam, đến nay, cả 4 hộ dân này vẫn đang mong ngóng tiền hỗ trợ nhằm vớt vát một phần thiệt hại.

Theo ông Lê Công Quý - Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, đợt dịch tai xanh vừa qua làm 53 con lợn trên địa bàn bị chết và tiêu hủy, trong đó có 18 con lợn của dân nằm ngoài chương trình hỗ trợ của dự án với tổng trọng lượng 305 kg. Trên cơ sở hướng dẫn của ngành chuyên môn huyện, UBND xã đã có tờ trình xin hỗ trợ kinh phí chống dịch (tiền vôi tiêu độc khử trùng, công phun thuốc, chốt gác, tiêu hủy, tiêm phòng) và hỗ trợ lợn bị tiêu hủy không thuộc dự án với tổng số tiền trên 31 triệu đồng nhưng đến thời điểm này, tiền vẫn chưa có trong tài khoản của xã.

Tuy nhiên, điều làm dư luận không mấy hài lòng là trong mục đề xuất hỗ trợ cho 5 hộ dân có 18 con lợn nhà bị tiêu hủy nhưng có nguồn gốc do lây dịch từ lợn dự án lại được áp dụng theo khung giá như lợn bị tiêu hủy khi xảy ra dịch tai xanh (mức 25 ngàn đồng/kg), tương ứng với số tiền 7,625 triệu đồng. Như vậy, nếu so với giá thịt lợn hơi trên thị trường ở thời điểm đó khoảng 70 ngàn đồng/kg thì các hộ dân này vô tình bị thiệt hại khoảng 2/3 số tiền cho một kg, tương ứng với gần 14 triệu đồng.

Trao đổi với PV Hà Tĩnh Online, ông Võ Hữu Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, sau khi xảy ra dịch tai xanh tại 2 xã Xuân Lộc và Tùng Lộc, đơn vị triển khai dự án là Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) đã chủ động trích gần 170 triệu đồng mua vắc xin tiêm phòng phòng dịch. Về phía chính quyền địa phương, đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn các địa phương kịp thời bao vây, dập tắt dịch trong diện hẹp. Nhằm chia sẻ khó khăn với đơn vị triển khai dự án, huyện dự kiến trích ngân sách khoảng 40 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí phống dịch và tiêu hủy cho 2 địa phương nói trên. HCCD cũng hứa sẽ tranh thủ các dự án khác để sớm hỗ trợ lại cho những hộ có lợn bị chết và tiêu hủy.

Liên quan đến giá hỗ trợ cho những hộ có lợn ngoài dự án bị tiêu hủy thấp hơn so với giá sàn của thị trường, ông Hào cho rằng, do số lượng không nhiều nên huyện không tính đến chuyện nhờ cấp trên hỗ trợ, và trong khi ngân sách địa phương có hạn nên rất khó để xây dựng chính sách riêng mà phải theo quy định như hỗ trợ lâu nay của tỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự cố lợn dự án làm lây dịch tai xanh sang lợn của dân hoàn toàn xuất phát từ yếu tố chủ quan (làm sai quy trình trong việc nhập con giống) nên người dân có lợn bị tiêu hủy ngoài dự án phải được hỗ trợ theo giá thị trường. PV Hà Tĩnh Online cũng đồng ý với quan điểm này và đề nghị UBND huyện Can Lộc cân nhắc lại để có sự hỗ trợ thỏa đáng cho người dân nhằm khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn đang leo thang như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast