Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Chưa bao giờ các tổ chức tín dụng (TCTD) phải gồng mình trước những thách thức căng thẳng và kéo dài như thời điểm này. Tuy nhiên, kiên trì thực hiện kiểm soát tín dụng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô luôn là những đường nét chủ đạo trong bức tranh hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm ở Hà Tĩnh.

Huy động vốn vẫn tăng trưởng khá

Lạm phát tăng vọt lên 15%, đồng tiền trượt giá đã tạo lực cản lớn cho hoạt động huy động vốn của các TCTD. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư tín dụng của các ngân hàng thương mại trung ương (NHTM TƯ) rót về chỉ còn nhỏ giọt nhằm thu đồng tiền khỏi lưu thông, góp phần kiềm chế lạm phát. Thực trạng này đặt lên vai các TCTD áp lực nặng nề đối với yêu cầu huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Các giải pháp huy động vốn hiệu quả đã giúp BIDV Hà Tĩnh tăng trưởng nguồn vốn
Các giải pháp huy động vốn hiệu quả đã giúp BIDV Hà Tĩnh tăng trưởng nguồn vốn

“Huy động vốn là mục tiêu hàng đầu” - khẩu hiệu này đã được tất cả các ngân hàng tuyên bố và hàng loạt giải pháp thu hút nguồn vốn hết sức hấp dẫn, linh động và hiệu quả đã được tung ra thị trường. Agribank Hà Tĩnh liên tục tổ chức các đợt huy động tiết kiệm dự thưởng với những giải thưởng giá trị hàng trăm triệu đồng với hàng trăm khách hàng tham gia. Theo Giám đốc Agribank Hà Tĩnh Võ Văn Chân, nếu không có các giải pháp linh động, tạo được sức hấp dẫn đối với khách hàng thì ngân hàng của ông không thể huy động được tổng nguồn vốn hơn 700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011.

BIDV chọn hướng đột phá mở rộng mạng lưới, thực hiện chiến lược thị trường bán lẻ để chiếm lĩnh thị phần. 3 quỹ tiết kiệm ra đời trong quý 1 và Phòng GD thành phố Hà Tĩnh vừa khai trương hoạt động đã giúp BIDV tháo gỡ khó khăn trong công tác huy động vốn. Gần 80 tỷ đồng vốn huy động được từ những ngân hàng thu nhỏ này đã giúp BIDV đưa tốc độ tăng trưởng nguồn vốn lên cao hơn so với cùng kỳ năm 2010.

Các ngân hàng TMCP cũng đã phát huy được sự năng động, nhanh nhạy của mình để giải bài toán huy động vốn trong thời điểm đầy khó khăn nửa đầu năm nay. VPBank tăng trưởng vốn 69,4%, Techcombank 10,29%, Bắc Á Bank 8%, Oceanbank 14,82%...

6 tháng đầu năm 2011, mặc dù biến động về lãi suất trên địa bàn khá phức tạp và việc tuân thủ quy định trần lãi suất huy động (tối đa 14%) vẫn chưa được tất cả các TCTD nghiêm túc thực hiện nhưng điều đáng ghi nhận là hoạt động huy động vốn vẫn trong tầm kiểm soát và tất cả các ngân hàng đều tăng trưởng được nguồn vốn huy động nhàn rỗi trong dân cư. Qua con số thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh về tình hình tăng trưởng vốn của từng ngân hàng, có thể nhận thấy không có sự dịch chuyển lớn về nguồn tiền gửi giữa các ngân hàng.

Trong nửa đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với tốc độ tăng trưởng tương đương với cùng kỳ năm 2010 (gần 13%)- đạt con số trên 12.000 tỷ đồng tổng nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn, ngành Ngân hàng đã chủ động được một lượng vốn đầu tư tín dụng quan trọng cho nền kinh tế.

Đầu tư tín dụng: đúng hướng

Thắt chặt đầu tư tín dụng là được coi là nhiệm vụ số 1 trong hệ thống các giải pháp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Theo đó, các NHTM TƯ đều đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% và chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện. Sau khi Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát được triển khai vào tháng 3/2011, nhiều TCTD ở Hà Tĩnh bị ngân hàng “mẹ” rút bớt nguồn phân bổ tín dụng từ đầu năm. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh cũng đã họp các TCTD, thống nhất giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 25% đưa ra đầu năm xuống còn dưới 20%.

Ngân hàng No&PTNT Lộc Hà ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay đầu tư SX-KD
Ngân hàng No&PTNT Lộc Hà ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay đầu tư SX-KD

Thực tế cho thấy, trong điều kiện huy động gặp khó và nguồn đầu tư tín dụng bị thu hẹp, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao thì chính thị trường đã tự nó kìm hãm tốc độ tăng trưởng dư nợ. 6 tháng qua, dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh chỉ tăng gần 5% (cùng kỳ năm 2010 tăng 7,4%), cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% để góp phần kiềm chế lạm phát sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Cũng phải nhìn nhận rằng, trong bối cảnh này ngân hàng và khách hàng vay vốn đang cùng phải chịu đựng thách thức lớn. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hết sức khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn bởi giới hạn tín dụng bị thu hẹp và lãi suất đã quá cao đến mức không thể hạch toán nổi lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nỗ lực gồng mình vượt qua chặng đường chông gai để cùng với toàn tỉnh Hà Tĩnh, với cả nước thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Một kết quả khá rõ nét thể hiện sự đầu tư tín dụng đúng hướng của toàn ngành ngân hàng theo yêu cầu của Chỉ thị 01, đó là dư nợ phi sản xuất giảm đáng kể và nguồn vốn đã được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, dư nợ phi sản xuất từ đầu năm đến nay đã giảm được gần một nửa, hiện chỉ còn 16,2%; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 7%.

Tín hiệu về sự ổn định của thị trường

Hàng loạt giải pháp điều hành quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những tháng đầu năm đã bắt đầu mang lại những tín hiệu khả quan về bức tranh tiền tệ. Gần 1 tháng nay, lãi suất liên ngân hàng đã ổn định ở mức thấp, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã giảm mức huy động từ 0,5- 1% năm so với thời điểm tháng 5. Lãi suất đầu vào giảm sẽ tác động tích cực đến lãi suất trong vay trong những tháng tới.

Trong bối cảnh đó, trung tuần tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiêm túc thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động tối đa 14%/năm đồng thời phải tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, áp dụng mức cho vay hợp lý, nhất là đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp phụ trợ. Có thể nhận thấy cơ hội để giảm lãi suất từ chính các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang lớn dần. Cùng với việc lạm phát đang từng bước được khống chế, chúng ta có thể hi vọng sự ổn định của thị trường tiền tệ sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh trong nửa tháng cuối năm 2011.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast